Amabie: Yokai sở hữu quyền năng xua đuổi dịch bệnh

Bài: SAMJun 2, 2021

Khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trên khắp nước Nhật phải ban bố tình trạng khẩn cấp, hình ảnh của một sinh vật kỳ bí mang tên Amabie xuất hiện khắp các trang mạng xã hội như một lá bùa cầu may giúp họ vượt qua dịch bệnh.

Truyền thuyết về sinh vật Amabie

Amabie (アマビエ) lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1846, cuối thời Edo (1603 - 1868). Chuyện kể rằng, vào trung tuần tháng 4 năm 1846, một ánh sáng xanh bí ẩn đột ngột xuất hiện tại bờ biển tỉnh Higo (nay là tỉnh Kumamoto). Một viên quan đã đến địa điểm đó để tuần tra, và khi đến nơi, ông thấy một sinh vật tỏa sáng với vảy cá màu xanh lục, mái tóc dài, chiếc mỏ khoằm và có ba chân tựa ba cái đuôi cá trồi lên khỏi mặt biển.

amabie yokai sở hữu quyền năng xua đuổi dịch bệnh
Amabie có hình dạng giống người cá. Ảnh: japantimes.co.jp

Sinh vật kỳ bí đó cất giọng nói như giọng khỉ, tự giới thiệu lai lịch của mình và dự đoán hai điều: Nhật Bản sẽ được mùa màng bội thu trong sáu năm kế tiếp, và một đại dịch đến sau đó sẽ tàn phá đất nước. Tuy nhiên, sinh vật người cá bí ẩn này cũng nói thêm, những người khắc hình mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rồi sau đó lại lặn xuống nước. Ngay sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, hình ảnh của Amabie đã được đăng tải trên tờ báo địa phương, đi kèm với bản in từ tranh khắc gỗ, và bức ảnh đó đã nhanh chóng lan truyền khắp Nhật Bản.

Ngày nay, tên của sinh vật này được viết bằng chữ Katakana "アマビエ", nhưng theo suy đoán, nguồn gốc tên Amabie được ghép bởi chữ “尼 - Ama” (ni cô)  hoặc “海女 - Ama” (nữ thợ lặn) với “Bie” - một từ địa phương của Higo chỉ loài cá. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng vốn dĩ tên của nó là Amabiko nhưng bị viết nhầm thành Amabie.

truyền thuyết về sinh vật amabie
Amabie được mô tả trong một văn tự cổ. Ảnh: yumikosalon.com

Những phiên bản khác của Amabie

Dù Amabie được biết đến rộng rãi nhất, có rất nhiều biến thể của truyền thuyết này. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Yamato Koichi đã xác định được bảy biến thể của Amabie. Nagano Eishun, thủ thư ở Thư viện lưu trữ tỉnh Fukui và là chuyên gia về tâm linh cổ xưa sau đó đã tìm được tới 9 phiên bản. Mặc dù hình dạng của chúng khác nhau nhưng hầu hết đều mang cùng một câu chuyện: dự đoán về vụ mùa bội thu theo sau bởi bệnh dịch và nếu mang hình ảnh của chúng bên người sẽ tránh được tai ương.

những phiên bản khác của amabie
Một số sinh vật được cho là phiên bản khác của Amabie. Ảnh: hyakumonogatari.com

Trở thành “bùa may mắn” thời COVID-19

Trong nhiều năm qua, Amabie không mấy phổ biến và tưởng chừng đã rơi vào quên lãng. Nhưng khi virus corona quét qua Nhật Bản, hình ảnh của nó đột ngột phủ sóng mạng xã hội, mang lại hi vọng rằng những người chia sẻ bức hình sẽ có thể tránh được dịch bệnh.

Amabie có thể được coi như một dạng "meme" - biểu tượng văn hóa phổ biến của thời Edo. Theo xu hướng tìm kiếm trên Google, hình ảnh Yokai bí ẩn này đã xuất hiện hồi đầu tháng 3/2020 và dần lan rộng khắp năm châu lục với hashtag #AMABIEchallenge.

Các cuộc thi vẽ chủ đề Amabie đã diễn ra ở nhiều quốc gia, bao gồm Canada, Hàn Quốc và Châu Âu, từ già đến trẻ đều thử sức sáng tạo các phiên bản đầy màu sắc của Amabie. Hàng chục ngàn bức tranh, hình vẽ đã xuất hiện trên Instagram, Twitter.

trở thành bùa may mắn thời covid 19
Những tác phẩm vẽ Amabie từ các họa sĩ Sakura Momoko, Sensha Yoshida, Shunsuke Sataka.

Người Nhật bắt đầu bán khẩu trang và nước rửa tay sát trùng có hình ảnh Yokai này. Một họa sĩ minh hoạ từng vẽ hình ảnh Amabie ở một bên thành xe tải đầu kéo và chia sẻ trên Twitter: "Tôi đi du lịch khắp đất nước với Amabie để cầu nguyện cho bệnh dịch sớm qua đi." Nhiều nhà hàng cũng sáng tạo các món ăn có hình dáng Amabie như sushi, bánh quy... Chúng còn được thêu trên vải, thổi làm bóng bay, làm thành huy hiệu bán rộng rãi khắp Nhật Bản. Mọi người thậm chí còn cho thú cưng của mình cosplay linh hồn bí ẩn từ đại dương này.

Tuy Yokai thường được biết đến như quái vật hay quỷ dữ, nhưng một số loài như Amabie lại sở hữu sức mạnh của tình thương và mang điềm lành. Amabie có lẽ chỉ là nhân vật giả tưởng, nhưng việc chia sẻ hình ảnh của nó lại là cách mọi người chung tay kết nối và là ánh sang hi vọng cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

wagashi
Những chiếc bánh Wagashi được nặn hình Amabie. Ảnh: japantimes.co.jp

Giải mã sức hút của Amabie

Năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha lan rộng khắp thế giới nhưng Amabie không xuất hiện mãi cho đến dịch COVID-19. Lý giải sao một “meme” từ thời Edo lại xuất hiện gần 175 năm sau đó, dưới đây là một số giả thuyết.

Sự nổi tiếng của yokai trong văn hóa đại chúng

Dù linh hồn yokai có thể là quái vật hay quỷ dữ và trong lịch sử và mọi người thường sợ hãi chúng, nhưng ngày nay, những linh hồn trong truyện cổ này lại xuất hiện như một biểu tượng văn hóa được mọi người yêu thích. Yokai xuất hiện phổ biến trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình và truyện tranh với độ phủ sóng vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản.

Thực tế, các yokai này cũng đóng vai trò tôn giáo không hề nhỏ. Chẳng hạn như loài cáo (hồ ly) kitsune theo truyền thống được coi là người đưa tin của thần Inari, và tượng chú cáo được dùng để tô điểm cho những ngôi đền Thần đạo trên khắp Nhật Bản.

Cảm giác mất kết nối do cách ly và giãn cách xã hội

Ngày nay, Internet trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội, trở thành phương thức kết nối phổ biến của tất cả mọi người. Theo trang Tokyo Weekender, chính cảm giác được kết nối mọi lúc mọi nơi đã khiến đại dịch ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta nhiều hơn những gì xảy ra vào năm 1918.  Sự xuất hiện đúng lúc của Amabie khiến việc vẽ chúng để chia sẻ trên mạng xã hội trở thành cách thức tuyệt vời để gắn kết mọi người với nhau trong thời điểm chúng ta bị cô lập bởi dịch bệnh. Nó trở thành lời nguyện ước và cầu chúc cho sự bình an, sức khỏe của bản thân, gia đình và tất cả mọi người trên thế giới.

giải mã sức hút của amabie
Poster phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU