Các quy tắc chào hỏi
Có thể nói Nhật Bản là đất nước của những lời chào (あいさつ). Chào trong từng hoàn cảnh khác nhau sẽ có những cách nói khác nhau, và lời chào tiếng Nhật vô cùng quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày.
Bắt đầu từ những lời chào tương ứng theo buổi: Chào buổi sáng - おはようございます, Chào buổi trưa - こんにちは, Chào buổi tối - こんばんは, Chúc ngủ ngon - おやすみなさい. Ngoài ra, nếu chung sống cùng nhà, trước khi đi ra ngoài, người đi nói: いってきます, người ở lại đáp: いってらっしゃい. Khi từ ngoài đường trở về nhà sẽ nói: ただいま, người trong nhà đáp: おかえりなさい. Trên bàn ăn, trước khi động đũa dùng bữa sẽ chắp tay nói: いただきます, sau khi ăn xong, sắp xếp ngay ngắn chén đĩa sẽ nói: ごちそうさまです. Trong công việc, sau khi công việc hợp tác kết thúc hoặc cảm thấy đồng nghiệp vất vả sẽ nói: おつかれさまです xem như lời thăm hỏi. Hiểu rõ các tình huống này và sử dụng đúng lời chào sẽ giúp bạn hòa nhập với người Nhật một cách tự nhiên hơn.
Phân biệt được lời nói thật tâm và khách khí
Người Nhật nổi tiếng về độ lịch thiệp, ngay cả trong giao tiếp với người không thân thiết vẫn luôn nói lời khen ngợi. Cụ thể, sau khi gặp mặt, cho dù trong lòng có thật sự muốn gặp lại hay không, họ vẫn sẽ nói “hẹn gặp lại lần sau”, “lần nữa đến chơi”. Bạn không cần phải quá để ý những lời này bởi đó chỉ là lời chào hỏi lễ phép của họ. Trường hợp nếu thực sự muốn gặp lại, họ sẽ hỏi thời gian cụ thể và cách thức liên lạc.
Không trực tiếp nói không
Tính cách của người Nhật sẽ không quá thẳng thắn trong những trường hợp công khai, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người nghe. Do đó những lúc từ chối lời mời hay lời đề nghị, thay vì thẳng thừng trực tiếp phủ định, người Nhật sẽ uyển chuyển từ chối. Chẳng hạn, khi hẹn một người Nhật ra ngoài, thay vì nói thẳng “Không đi!” họ sẽ đáp “Có chút…” (ちょっと) hoặc “Tôi cũng muốn đi lắm nhưng…” (行きたいですが). Vì thế, khi nghe họ nói lời này tức là họ thực sự không đi được, bạn đừng cố gắng nài nỉ nhé.
Đọc được bầu không khí (空気を読む)
Nhật Bản là một quốc gia coi trọng tổ chức, đoàn thể, con người Nhật Bản cũng tôn trọng tập thể, không để bản thân ảnh hưởng đến không khí chung. Vậy nên, việc đọc hiểu được bầu không khí chung để hòa hợp thoải mái là điều hết sức quan trọng. Đọc không khí bắt đầu từ việc nhìn mặt đoán ý, khi nhìn nét mặt biểu hiện phải hiểu được cảm xúc của đối phương, tránh để lời nói ra khiến người khác bối rối. Muốn hài hòa cùng người Nhật, bạn phải biết cách không trở thành một người mắt trắng. Phải biết trong trường hợp nào, nên làm gì không nên làm gì, không dùng từ sỗ sàng, không khiến đối phương bối rối hoặc để người khác hiểu lầm bạn vì sao đột nhiên tức giận.
Những cô gái Nhật không thường khoác tay
Bình thường, các cô gái thân thiết với nhau, khi đi chung sẽ có thói quen khoác tay nhau. Tuy nhiên, ở Nhật cho dù họ có thân thiết thế nào, khi không có sự cho phép của đối phương, bạn sẽ không thể chạm vào người họ, cũng sẽ không khoác tay nhau khi đi đường. Nên các bạn nữ hãy chú ý điều này nhé! Nếu bạn bỗng nhiên khoác tay, nắm tay một cô gái Nhật, người ta sẽ ngạc nhiên vô cùng và cảm thấy ngại đấy.
Đừng chỉ tay vào người khác
Có rất nhiều lúc, khi nói chuyện chúng ta vô thức chỉ tay vào người đối diện, có thể là biểu đạt tình cảm hay trả lời vấn đề gì đó. Ở Nhật Bản, hành động này vô cùng thất lễ bởi đây là hành động tỏ ý xem thường người khác. Do đó, chú ý việc này bạn nhé.
Thanh toán hóa đơn
Ở Nhật, khi mọi người cùng nhau ăn chung, hóa đơn thường sẽ chia đều ra để trả chứ không ai giành trả phần người khác. Bình thường trong các bữa ăn chung, chúng ta thường giành phần trả tiền để giữ thể diện. Tuy nhiên trong văn hóa Nhật, có một nguyên tắc gọi là: 割り勘 - warikan. Giữa bạn bè đồng nghiệp, mọi người thực hiện thói quen này cũng là một cách tôn trọng nhau, không ai nợ ai.
Văn hóa hát karaoke
Bình thường khi đi karaoke cùng nhau, người hát thì cứ hát, chúng ta có thể nói chuyện tán gẫu, lướt điện thoại hay ăn uống thoải mái. Nhưng nếu tham gia karaoke tại Nhật, bạn phải chú ý điều này: trong phòng karaoke, khi 1 người hát, toàn bộ sự chú ý của những người còn lại đều đặt lên người này. Khi làm người nghe, họ sẽ chú tâm thưởng thức, không ăn uống lướt điện thoại, không tán gẫu hoặc nhảy múa. Và bởi vì ai cũng muốn cho mọi người đều được hát nên sẽ chuyển mic cho nhau.
Số lượng quà tặng
Khi tặng quà cho người Nhật bạn cần chú ý về số lượng, hạn chế tặng lượng quà 4 món hoặc 9 món vì nó lần lượt tượng trưng cho cái chết và sự đau khổ, là những điều không may. Trong văn hóa Nhật, những con số đại cát đại lợi là số lẻ 3 -5 -7, tương đối tốt có số 8. Tuy nhiên, khi tặng quà nhất định phải tặng số lượng lẻ vì với người Nhật, số lẻ mang đến cảm giác hợp làm một, còn số chẵn có thể dễ dàng chia tách.
kilala.vn