Olympic nói chung và Olympic Tokyo 2020 nói riêng là sự kiện thể thao đại chúng thu hút lượng lớn người tham dự: cả vận động viên và cả những người quan tâm, yêu thích thể thao. Câu hỏi đặt ra vào thời điểm này chính là, làm thế nào để một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh có thể diễn ra và không gây nhiều tác động xấu đến môi trường? Và đây là cách mà Olympic Tokyo 2020 đã áp dụng.
Olympic Tokyo 2020 đã cam kết tái sử dụng hoặc tái chế 65% chất thải từ Thế vận hội bao gồm nhựa, thực phẩm, chai PET và thùng chứa. Ngoài ra, những vật liệu, thiết bị cần thiết sử dụng trong quá trình thế vận hội diễn ra cũng nêu cao tiêu chí thân thiện với môi trường.
Chất liệu huy chương làm từ… rác thải điện tử
Có thể bạn chưa biết, trung bình 1 tấn điện thoại di động có thể lấy được 350g vàng. Trước tình trạng lượng rác thải điện tử ngày càng chất chồng, Nhật Bản đã ra quyết định sử dụng 100% kim loại từ thiết bị điện tử bỏ đi của các hộ gia đình Nhật Bản để làm huy chương cho Olympic 2020.
Ban tổ chức Tokyo đặt mục tiêu sản xuất 5.000 huy chương bằng vàng, bạc, đồng được lấy từ rác thải điện tử. Kim loại được sử dụng để chế tác huy chương sẽ được lấy từ những chiếc điện thoại di động đã từng được sử dụng bởi hàng triệu người dân Nhật Bản. Mục tiêu được đề ra là 30,3kg vàng, 4.100kg bạc và 2.700kg đồng. Kết quả cho thấy, đến khoảng giữa năm 2018, các cửa hàng viễn thông tại Nhật thu được khoảng 4,32 triệu chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng nhận được khoảng 34.000 tấn thiết bị điện tử nhỏ. Ngoài ra, chiến dịch này đã nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới, trong đó có cả Cựu bộ trưởng Ngoại giao Anh – ông Vladimir Johnson và ông đã quyên góp các thiết bị điện tử khi đến Tokyo năm 2017.
Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn nạn chất thải điện tử mà còn giúp bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản từ các mỏ đang dần cạn kiệt trên thế giới.
Bục phát biểu làm từ chai dầu gội
Bên cạnh việc tái chế rác thải điện tử, Olympic Tokyo 2020 còn quyết định tái chế rác nhựa như chai dầu gội đầu để làm bục trao thưởng trong nghi lễ trao huy chương. Sau khi sự kiện kết thúc, những chiếc bục tái chế này sẽ tiếp tục được tái chế; một số dùng cho mục đích giáo dục, một số khác sẽ làm bao bì cho các sản phẩm của P&G.
Đồng phục
Đồng phục dùng cho những người cầm đuốc Olympic sẽ dùng một phần tái chế từ những chai Coca-Cola. Bên cạnh đó, đồng phục nhân viên và tình nguyện viên của Olympic cũng được làm từ polyester tái chế và các vật liệu khác có nguồn gốc thực vật.
Đuốc Olympic làm từ nhôm thải
Ngọn đuốc Olympic được thiết kế dựa trên cảm hứng hoa sakura của nhà thiết kế Tokujin Yoshioka sẽ có màu rose-gold. Sau khi thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra vào tháng 3/2011, thời điểm đó đã có rất nhiều căn nhà tạm trú được dựng lên. Và ngọn đuốc này được làm từ những chất thải nhôm của các căn nhà tạm trú này.
Gỗ tiếp tục được tái sử dụng
Nơi ở tập trung của các vận động viên tham gia Olympic 2020 được xây bằng gỗ gốc bền vững từ 63 thành phố khắp Nhật Bản. Sau khi thế vận hội kết thúc, số gỗ này sẽ được thu lại và tái sử dụng làm băng ghế công cộng hoặc các công trình công cộng.
Vận động viên sẽ được ngủ trên giường các-tông
Các vận động viên thi tham gia thi đấu sẽ được ngủ trên trên những chiếc giường thân thiện với môi trường với khung được làm bằng bìa cứng tái chế lại. Nệm cũng sẽ được làm bằng các nguyên liệu có thể tái chế sau khi sử dụng. Cụ thể, chất liệu polyetylen sẽ được tái sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa sau khi thế vận hội kết thúc.
Đừng lo rằng những chiếc giường nghỉ này không thoải mái. Ông Takashi Kitajima - Tổng Giám Đốc của làng điền kinh cho biết: những chiếc giường có thể chịu trọng lượng tối đa 200kg, tương đương khoảng 440 pound. Có thể nói rằng những chiếc giường làm từ cạc tông này còn chịu lực tốt hơn giường gỗ.
Nhiên liệu cung cấp cho các sân vận động thi đấu được chuyển hóa từ năng lượng mặt trời
Nếu chọn sử dụng các nhiên liệu phổ biến từ bao đời nay như nhiên liệu hóa thạch thì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này sẽ tiêu hao một số lượng lớn các nguồn nhiên liệu. Do đó, để giảm sự hao phí, các sân vận động phục vụ thi đấu tại Nhật sẽ tiến hành sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, chính là năng lượng mặt trời. Bắt đầu từ khi lên kế hoạch, hầu hết những năng lượng này sẽ được lấy từ những tấm pin mặt trời lắp đặt xung quanh thành phố và các khu vực lân cận. Ngoài ra, thực phẩm được cung cấp trong thi đấu sẽ sử dụng bao bì có chất liệu thân thiện với môi trường và hạn chế tối đa các chất thải thực phẩm.
kilala.vn