5 vụ ám sát chấn động trong giới chính trị Nhật Bản (P.2)

Bài: RinJul 21, 2022

Sự kiện cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời sau khi bị trúng đạn vào cổ và ngực trong vụ tấn công bằng súng ngày 08/07/2022 đã gây chấn động toàn thế giới, để lại nhiều tiếc thương đối với người dân khắp các quốc gia. Ngược dòng lịch sử nước Nhật, đây không phải lần đầu tiên một vụ ám sát chính trị gia tên tuổi xảy ra. 

Bên cạnh những kẻ thủ ác đã bị vạch trần và đưa ra trước vành móng ngựa, vẫn tồn tại những vụ án mà thủ phạm thực sự vẫn còn ẩn núp trong bóng tối. Tiếp nối kỳ 1, hãy cùng Kilala tìm hiểu thêm 3 vụ án ám sát chính trị rúng động tại đất nước mặt trời mọc.

Đọc phần 1 tại đây.

Vụ ám sát Tsuyoshi Inukai và “Sự kiện liên đoàn máu” làm khiếp đảm giới doanh nhân, chính trị gia

Vào tháng 1 và tháng 2/1932, Thống đốc của Ngân hàng Nhật Bản - Inoue Junnosuke và Tổng Giám đốc của tập đoàn Mitsui - Dan Takuma lần lượt bị bắn hạ trong vụ án “Sự kiện liên đoàn máu” (Ketsumei-dan Jiken/ League of Blood). 

các bị cáo của vụ án League of Blood
Các bị cáo của vụ án "League of Blood" đang chờ xét xử. Ảnh: Wikipedia 

Trước đó, vào ngày 22/04/1930, Nhật cùng các nước Anh, Pháp, Ý và Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp ước Hải quân Luân Đôn với nội dung giới hạn và giảm quân bị hải quân từ tiêu chuẩn của tàu ngầm đến tàu tuần dương, nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang sau Thế chiến thứ nhất.

Điều này đồng nghĩa với việc giới hạn quy mô phát triển của lực lượng Hải quân Đế quốc Nhật. Do vậy, trong nước Nhật lúc bấy giờ, giữa các quân đoàn sĩ quan cấp thấp đã nổ ra phong trào lật đổ Chính phủ và thay thế luật hiện hành bằng quân luật. Từ đó, nhiều sĩ quan hải quân đã liên hệ với nhau và tạo nên “Liên đoàn máu - Ketsumei-dan”, đặt mục tiêu sát hại 20 doanh nhân giàu có và chính trị gia tên tuổi. 

Ngày 15/05/1932, cả nước Nhật rúng động khi 11 sĩ quan hải quân trẻ tuổi, hầu như đều mới bước sang tuổi 20, thủ sẵn súng và ra tay dã man để ám hại Thủ tướng lúc bấy giờ - Inukai Tsuyoshi ngay tại dinh thự của ông. Lời nói cuối cùng của vị chính trị gia xấu số với những kẻ muốn sát hại mình là “Nếu ta có thể nói chuyện, các anh sẽ hiểu”. Tuy vậy, kẻ thủ ác thẳng thừng đáp lại rằng: “Có nói cũng chẳng ích gì”. 

cựu thủ tướng Inukai Tsuyoshi
Chân dung cựu Thủ tướng Inukai Tsuyoshi. Ảnh: Wikipedia 

Ban đầu, nhóm 11 sĩ quan này lên kế hoạch ám sát vua hề Charlie Chaplin của Anh, người vừa đến Nhật vào ngày 14/05/1932, ngay tại buổi đón tiếp do ông Inukai tổ chức trong tối ngày 15/05. Nhầm tưởng Charlie Chaplin là người Mỹ, nhóm cho rằng cái chết của Chaplin có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa Đế quốc Nhật với Mỹ.  

Ngay phút cuối, vua hề thay đổi lịch trình và đã cùng đi xem trận đấu Sumo với con trai Inukai Takeru của cố Thủ tướng và điều này đã cứu mạng ông. Còn ở dinh thự, cựu Thủ tướng đã ra đi mãi mãi. 11 sĩ quan ra tay tàn độc với cựu Thủ tướng đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quân sự. 

Tuy vậy, trong suốt quá trình xử án, các bị cáo lại dõng dạc bày tỏ lòng trung thành với Thiên hoàng và khơi gợi lòng thương xót của dân chúng bằng cách kêu gọi cải cách Chính phủ lẫn nền kinh tế. 110.000 đơn xin khoan hồng được ký hoặc viết bằng máu từ những người đồng tình trên khắp nước Nhật. Bên cạnh đó, 9 người trẻ tại Niigata đã yêu cầu tòa xét xử họ thay vì những kẻ bị buộc tội, và gửi cho tòa một chiếc lọ gồm 9 ngón tay út nhằm bày tỏ sự quyết tâm. 

asahi shimbun đưa tin vụ ám sát cựu Thủ tướng Inukai Tsuyoshi
Asahi Shimbun đưa tin về vụ ám sát cựu Thủ tướng Inukai Tsuyoshi. Ảnh: Wikipedia 

Sau cùng, hình phạt mà tòa đưa ra cho 11 kẻ ám sát cựu Thủ tướng cực kỳ nhẹ, nhiều tờ báo của Nhật còn nghi ngờ rằng những kẻ này rồi sẽ sớm được trả tự do sau vài năm. Việc Tòa án Quân sự không trừng trị nghiêm những kẻ gây ra vụ án ngày 15/05 càng làm suy yếu quyền lực của Chính quyền Dân chủ Nhật trước quân đội.

Vụ ám sát lãnh đạo Đảng Xã hội Asanuma Inejiro ngay trên sóng truyền hình 

Một cuộc tranh luận chính trị tại Tòa thị chính Hibiya của Tokyo được phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào ngày 12/10/1960 đã trở thành một bi kịch đẫm máu. Khi Otoya Yamaguchi, 17 tuổi, người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu đã xông thẳng lên sân khấu, dùng kiếm đâm thẳng vào Asanuma Inejiro, 61 tuổi, người đứng đầu Đảng Xã hội Nhật Bản (JSP). 

Dù không có máu chảy ra nhưng nhát kiếm đã đâm thủng động mạch chủ của Asanuma. Chỉ vài phút sau khi rời khỏi hội trường, ông đã qua đời vì xuất huyết nội tạng trước khi đến được bệnh viện. 

ông Asanuma Inejiro
Chân dung ông Asanuma Inejiro. Ảnh: Wikipedia

Cuộc tranh luận diễn ra giữa lãnh đạo của 3 đảng chủ chốt là Asanuma Inejiro của Đảng Xã hội Nhật Bản (JSP), Suehiro Nishio của Đảng Xã hội Dân chủ (DSP) và cựu Thủ tướng Hayato Ikeda - lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ông Nishio phát biểu đầu tiên và kết thúc lúc 15h, sau đó ông Asanuma bước lên sân khấu. Lúc này, nhiều khán giả la hét, muốn ngắt lời ông. Đến khoảng 15h05, khi đám đông dịu xuống và Asanuma tiếp tục nói thì Yamaguchi bất ngờ lao lên ám sát ông.

Trước đó, vào năm 1959, Asanuma gây ra sự phẫn nộ lớn trong dân chúng khi đã đến thăm Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong một bài phát biểu ở Bắc Kinh, tuyên bố rằng Hoa Kỳ là kẻ thù chung của Trung Quốc và Nhật Bản. 

Đến khi trở về Nhật, Asanuma trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt, đứng lên biểu tình chống lại Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ - Nhật Bản. Những cuộc biểu tình của phe cánh tả đã đe dọa và khiến phe cánh hữu, gồm thành viên Hạ viện Bin Akao và Đảng Đại Ái quốc Nhật Bản (GJPP) đứng lên chống lại.  

Yamaguchi đâm chính trị gia Asanuma
Yamaguchi đâm chính trị gia Asanuma ngay trên sóng truyền hình. Ảnh: Wikipedia 

Về phía kẻ ám sát, Otoya Yamaguchi (17 tuổi) là con trai của một sĩ quan cấp cao trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cũng đã tham gia vào Đảng Đại Ái Quốc Nhật Bản sau theo anh trai mình. Yamaguchi từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống lại phe cánh tả và bị bắt đến 10 lần, rồi sau đó rời khỏi đảng để được hành động tự do hơn. 

Sau vụ ám sát, Yamaguchi khai hành động một mình, không nhận bất kỳ sự chỉ đạo nào từ người khác. Đến ngày 02/11, Yamaguchi dùng kem đánh răng ghi lên tường của phòng giam rằng hai câu “Thiên hoàng muôn năm” và “Shichisei houkoku” (hàm ý dù tái sinh bao nhiêu lần, cũng hết mình vì Tổ quốc) rồi treo cổ tự vẫn bằng khăn trải giường.

nhà báo Yashushi Nagano nhận giải thưởng pulitzer
Bức ảnh chụp Yamaguchi đâm Asanuma được chụp bởi nhiếp ảnh gia Yasushi Nagao của tờ Mainichi Shimbun đã giành được Giải Ảnh báo chí thế giới vào năm 1960 và giải Pulitzer năm 1961. Ảnh: Wikipedia. 

Vào ngày 15/12/1960, các nhóm cánh hữu đã tụ tập trước Tòa thị chính Hibiya để làm lễ tưởng niệm Otoya Yamaguchi, và ngày 02/11 trở thành ngày kỷ niệm sự kiện Yamaguchi tự vẫn. Vào ngày 02/11/2010, một sự kiện đặc biệt lớn cũng đã diễn ra để tưởng niệm 50 năm ngày mất của Yamaguchi.

Vụ ám sát chính trị gia Ishii Kouki

Là một chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nổi tiếng với sự chính trực, cũng là tác giả của cuốn sách “Cuốn sổ cái bí mật của Nhật Bản” (tựa Nhật: だれも知らない日本国の裏帳簿), Ishii Kouki (sinh ngày 06/11/1940) lúc bấy giờ đang thực hiện nhiệm vụ vạch trần các vụ tham nhũng chính trị và tiết lộ thông tin bị che giấu trước công chúng, đã bất ngờ ra đi trong một vụ ám sát vào ngày 25/10/2002. Ông là vị chính trị gia Nhật Bản thứ ba bị ám sát sau Thế chiến thứ hai. 

chính trị gia Ishii Koki
Chân dung chính trị gia Ishii Kouki. Ảnh: @seltsame_blume

Tốt nghiệp ngành Giáo dục Luật của Đại học Chuo và cao học tại Đại học Waseda, Ishii Kouki từng là sinh viên quốc tế, sống tại Liên Xô trong 6 năm. Sau đó trở về Nhật và bước vào con đường chính trị từ năm 1992. Sự nghiệp chính trị của ông tại Quốc hội Nhật đã ghi dấu ấn với nghiên cứu về sự lãng phí trong chi tiêu Chính phủ. Ishii đứng đầu lực lượng chống tham nhũng của đảng DPJ mang tên “G-Men Squad”. 

Đến tháng 11/1997, Ishii đã phát hiện ra hành vi bất chính của Phòng mua hàng trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành bởi Văn phòng công tố Tokyo. Kết quả cuộc điều tra đúng như những gì Ishii nhận định, Chính phủ đã lãng phí hơn hai nghìn tỷ yên mỗi năm. 

Đến năm 2002, cũng là năm ông bị sát hại, Ishii tăng cường điều tra về ngân sách Chính phủ và tin rằng chi tiêu thực của Chính phủ là khoảng 200.000 tỷ yên, trong đó phần lớn các khoản này không hề được tiết lộ cho công chúng. Ông Masajuro Shiokawa, Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ từ chối bình luận và cho rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân của Ishii. Điều này thúc đẩy Ishii viết nên cuốn sách “Cuốn sổ cái bí mật của Nhật Bản”. Sách đã được xuất bản bởi một tờ báo nhỏ.

chính trị gia Ishii Kouki
Nhiều bí mật chính trị bị chôn vùi sau sự ra đi đột ngột của Ishii Kouki. Ảnh: @izumi_akashi

Vào ngày 25/12/2002, ông đã bị sát hại giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước nhà của mình ở Tokyo. Một người đàn ông quấn khăn rằn nhảy ra từ một bụi cây và đâm ông bằng con dao Sashimi dài khoảng 30cm. Hắn tên Ito Hakusui, thuộc băng đảng Yakuza Yamaguchi-gumi khét tiếng. Sau đó, Ito đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chạy lên núi mà không bị ai phát hiện. Tuy vậy, vào ngày hôm sau, hắn đầu thú và nói rằng đã sát hại vị chính trị gia vì ông từ chối nhận hối lộ. 

gia đình chính trị gia Ishii Kouki
Gia đình chính trị gia Ishii Kouki cho rằng sự thật về cái chết của ông vẫn chưa được làm sáng tỏ. Ảnh: Jiji Press

Tuy nhiên, con gái của Ishii cảm thấy rằng vụ ám sát này không đơn giản như vậy: “Những ngày trước khi cha bị sát hại, ông nói với mọi người rằng mình đã phát hiện ra thứ gì đó có thể đánh chìm chính quyền Koizumi.”

Phía cảnh sát kết luận rằng bị cáo Ito có động cơ cá nhân nên không cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra lớn hơn. Đến ngày 15/11/2005, Tòa án tối cao kết án tù chung thân với Ito. Còn về phía Noriyuki Imanishi, một nhà báo điều tra, cho biết Ishii đã tiết lộ với ông ngay trước khi qua đời rằng mình đã phát hiện ra điều gì đó vô cùng khủng khiếp. Vào ngày bị sát hại, ông đã dự định đến Quốc hội để giao nộp các tài liệu bí mật. Tuy nhiên, trong sự hỗn loạn của vụ ám sát, các tài liệu đã không cánh mà bay. 

Xem thêm: Bí mật đằng sau hoạ tiết lạ ở ga Tokyo

Đến năm 2008, hung thủ Ito phủ nhận lời tuyên thệ, khai nhận mình đã được thuê để giết hại Ishii. Theo Nobuto Hosaka, một thành viên của Quốc hội, có rất nhiều tình tiết đáng nghi quanh vụ án. Đội cảnh sát phụ trách vụ giết người đã không tuân thủ quy trình điều tra cơ bản, chẳng hạn như tìm kiếm dấu vân tay, và cuốn nhật ký của Ishii cũng biến mất sau vụ sát hại. Trước sự ra đi còn nhiều bí ẩn của Ishii, kể từ năm 2004, gia đình của ông đã treo phần thưởng 1 triệu yên cho ai tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ ám sát.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU