5 vụ ám sát chấn động trong giới chính trị Nhật Bản (P.1)

Bài: Rin Jun 7, 2021

Tại Nhật Bản từng xảy ra nhiều vụ ám sát làm rúng động dư luận như vụ giết hại Thiên hoàng Hirohito hay samurai Ryoma Sakamoto... Với một số vụ án, danh tính của hung thủ vẫn còn là dấu chấm hỏi. Cùng Kilala ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về 5 vụ ám sát các nhân vật lịch sử quan trọng gây chấn động nước Nhật. 

Thiên hoàng Hirohito và 3 lần bị ám sát

Từ năm 1923 đến năm 1932, Thiên hoàng Chiêu Hòa, tên thật là Hirohito - vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã từng trải qua 3 lần bị ám sát bởi cả sát thủ người Nhật lẫn Hàn Quốc từ khi ông vẫn còn là Thái tử đến khi trở thành Thiên hoàng. 

những vụ ám sát chấn động trong giới chính trị Nhật Bản
Chân dung Thiên hoàng Chiêu Hòa. Ảnh: wsj, nikkei

Vụ ám sát đầu tiên diễn ra vào ngày 27/12/1923 tại giao lộ Toranomon nằm giữa Cung điện Akasaka và Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản ở trung tâm Tokyo nên được gọi với cái tên "sự cố Toranomon". Sát thủ là Daisuke Nanba (24 tuổi), con trai của một thành viên Đảng Cộng sản. Hắn mang tư tưởng kích động từ sự kiện 231 kiều dân Triều Tiên bị các côn đồ ở Yokohama và Tokyo hành quyết vào tuần đầu tiên của tháng 9 trong đại thảm họa động đất Kanto năm 1923. Nanba đã cầm một khẩu súng lục bắn vào xe ngựa của Thiên hoàng Taisho và Thái tử Hirohito khi cả hai đang đến dự buổi khai mạc Phiên họp thứ 48 của Quốc hội. May mắn thay, Thiên hoàng đã bình an, nhưng viên đạn làm vỡ cửa sổ xe và khiến Trưởng đoàn samurai - Tamemori Irie bị thương nhẹ. Nanba tự nhận mình hành động hoàn toàn lý trí nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Vào ngày 13/11/1924, dù nhận án tử hình, hắn đã hét lên: “Đảng Cộng sản Nhật Bản muôn năm". Sau đó, gia đình Nanba vì không thể chấp nhận sự ô nhục mà hắn gây ra nên đã đổi thành họ Kurokawa và  di cư đến Ấn Độ, Hà Lan. 

sát nhân daisuke nanba
Sát nhân Daisuke Nanba (bên trái, phía trên) và samurai Tamemori Irie (bên trái, phía dưới). Ảnh: ameblo.jp

Năm 1925, cặp tình nhân gồm người đàn ông Hàn Quốc tên Park Yeol và một phụ nữ Nhật tên Fumiko Kaneko đã lên kế hoạch ám sát Thái tử Hirohito cùng cha của ông - Thiên hoàng Taisho - bằng bom tại lễ cưới của Thái tử và công chúa Nagako. Đôi nhân tình bị kết án tử hình vào năm 1926, sau được giảm án còn chung thân nhờ lệnh ân xá của hoàng gia Nhật Bản. Tuy nhiên, nữ sát thủ Kaneko đã từ chối và tự kết liễu cuộc đời mình trong nhà tù. Còn về phần Park Yeol, sau 22 năm ở tù, hắn được thả ra vào tháng 10/1945 và quay trở về Hàn Quốc vào năm 1949. Năm 1950, hắn bị quân đội Hàn Quốc bắt giữ trong 5 năm. 

park yeol
Park Yeol và Fumiko Kaneko, hung thủ vụ ám sát bất thành Thiên hoàng Taisho và Thái tử Hirohito. Ảnh: wikipedia

Lần ám sát thứ 3 xảy ra khi Hirohito đã trở thành Thiên hoàng Chiêu Hòa. Năm 1932, một thành viên của Tổ chức yêu nước Hàn Quốc Haninaegukdan tên Lee Bong-chang đã ném quả lựu đạn vào xe ngựa của Thiên hoàng khi ông đang rời khỏi Hoàng cung Tokyo qua Cổng Sakuradamon để đến một cuộc diễu binh. Trước đó, hắn đã biết được lịch trình của Thiên hoàng từ một bài báo và cải trang thành viên cảnh sát quân sự Kempeitai, hòa vào đoàn tùy tùng. Quả lựu đạn đã lệch hướng và phát nổ gần đó làm chết hai con ngựa. Lee Bong-chang nhanh chóng bị đội cận vệ hoàng gia bắt, kết án tử hình vào ngày 30/09/1932 và bị hành quyết vào ngày 10/10 cùng năm. 

lee bong chang
Lee Bong-chang thuộc tổ chức Haninaegukdan đã thực hiện vụ ám sát Thiên hoàng Chiêu hòa năm 1932.
Ảnh: wikipedia

Vụ ám sát samurai Ryoma Sakamoto vẫn chưa có lời giải đáp

Ryoma Sakamoto (03/01/1836 – 10/12/1867) ở miền Tosa là nhân vật quan trọng góp phần đánh bại chính quyền Mạc phủ Tokugawa và thúc đẩy sự ra đời của chính quyền Minh Trị. Ông từng may mắn thoát khỏi vụ ám sát năm 1866, nhưng không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần vào lần ám sát thứ hai diễn ra một năm sau đó. 

vụ ám sát samurai Ryoma Sakamoto vẫn chưa có lời giải đáp
Vụ ám sát Samurai Ryoma Sakamoto và Nakaoka Shintaro vẫn còn là bí ẩn đến tận ngày nay. Ảnh: kaede-abito

Năm 1862, Takechi Hanpeita, một người bạn của Sakamoto, đã thành lập tổ chức Tosa Kinnoto gồm khoảng 2.000 samurai với khẩu hiệu “尊皇攘夷 – Sonnou Joui" (tôn thờ hoàng đế, trục xuất những kẻ man rợ), ủng hộ việc lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa, trả lại quyền lực cho Hoàng gia ở Kyoto. Đây là một trong nhiều tổ chức Tôn hoàng nhương di được thiết lập trên khắp đất nước Nhật Bản lúc bấy giờ.

Trước đó, vào tháng 3/1854, Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew C. Perry đưa hạm đội tàu chiến vào Vịnh Edo, buộc Nhật Bản phải mở cửa, chấm dứt chính sách đối ngoại biệt lập “Sakoku - Bế quan tỏa cảng” trong suốt 214 năm và ký kết Hiệp ước Kanagawa. Hiệp ước này được ký bởi Trưởng lão Abe Masahiro, người đang nhiếp chính thay cho Tướng quân Tokugawa Iesada ốm yếu và non trẻ, nhưng việc này đã chống lại quan điểm của Hoàng gia ở Kyoto. Kể từ đó, nhiều samurai thành lập nên tổ chức Sonno Joui. 

Takechi Hanpeita – người đứng đầu Tosa Kinnoto đã yêu cầu chính quyền miền Tosa cải cách nhưng bị lãnh chúa Yamauchi Toyoshige khước từ. Do đó, Takechi đã lên âm mưu ám sát Yoshida Toyo – nhà cải cách của miền Tosa. Ryoma Sakamoto không tán thành với âm mưu này. Ông cho rằng tổ chức nên làm điều gì đó cho cả nước Nhật chứ không phải chỉ là cuộc cách mạng cho Tosa. Vì vậy, dù biết việc rời khỏi phiên Tosa mà chưa được cho phép sẽ bị xử tử, Sakamoto vẫn rời khỏi quê hương. Ông lên kế hoạch ám sát Katsu Kaishu – một quan chức cấp cao trong chính quyền Mạc phủ Tokugawa đang ủng hộ chính sách Tây hóa. Nhưng khi gặp gỡ người này, Sakamoto bị thuyết phục, ông nhận ra tính cấp thiết của việc lập kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự trong dài hạn để đối mặt với hạm đội Mỹ khi có binh biến xảy ra. Do đó, ông trở thành người bảo vệ cho Kaishu. 

liên minh satcho
Liên minh Satcho được thành lập từ hai phiên Satsuma và Choshu nhờ vào Sakamoto. Ảnh: wikipedia. 

Năm 1864, với vị trí trung lập là ronin – samurai không có lãnh chúa hay chủ nhân, Sakamoto trở thành người hòa giải hai phiên Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) và Choshu (tỉnh Yamaguchi) – vốn là kẻ thù không đội trời chung, thành lập nên liên minh quân sự Satcho, chống lại lực lượng hải quân của Mạc phủ Tokugawa. Khi ấy, dưới sự hướng dẫn của Katsu Kaishu, Sakamoto cũng đã xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại, có sự hỗ trợ của các nước phương Tây. Vì vậy, Sakamoto được xem là cha đẻ của lực lượng Hải quân Đế quốc Nhật Bản. 

Vào năm 1866, phiên Choshu giành chiến thắng trước quân đội của Mạc phủ Tokugawa, cùng với đó, sự sụp đổ của Tokugawa cũng được dự đoán sẽ sớm diễn ra. Lúc này, vị thế của Sakamoto trong mắt miền Tosa càng được khẳng định. Lại một lần nữa, ông đại diện cho miền Tosa đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với chính quyền Tokugawa. Cuối cùng, vào năm 1867, Shogun Tokugawa Yoshinobu đã tự nguyện thoái vị, khai mào cho cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân nổ ra. 

Với vai trò giảng hòa phiên Satsuma và Choshu, Sakamoto trở thành đối tượng truy đuổi của nhiều băng nhóm. Vào tháng 3/1866 tại nhà trọ Teradaya ở Kyoto, một nhóm thích khách đã tấn công Sakamoto và vệ sĩ Shinzo Miyoshi. May thay, trước đó, vợ của Sakamoto là Ryo Narasaki đã chạy ra khỏi bồn tắm để cảnh báo cho ông về cuộc tấn công. Nhờ có sự chuẩn bị, ông và vệ binh của mình đã đánh tan quân ám sát và thoát chết trong gang tấc. 

ryoma sakamoto
Ryoma Sakamoto may mắn thoát được vụ ám sát tại nhà trọ Teradaya, Kyoto. Ảnh: wikipedia

Nhưng lần ám sát thứ 2, Sakamoto lại không gặp may mắn như vậy. Trước khi cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân diễn ra không lâu, vào ngày 10/12/1867 (tức ngày 15/11 theo lịch âm), Sakamoto đã bị giết trong chính ngày sinh nhật của mình tại nhà trọ Omiya, Kyoto. Đêm hôm đó, những kẻ ám sát đã bao quanh trước cửa nhà trọ, một trong số chúng giả vờ là người bình thường đến gõ cửa phòng của Sakamoto. Vệ sĩ Tokichi Yamada - một đô vật sumo đã ra mở cửa, sau khi hỏi han, ông quay vào trong để xác nhận với Sakamoto thì bất ngờ vị khách rút kiếm và đâm vào lưng ông một nhát chí mạng. Nhóm sát thủ dễ dàng vượt qua người Yamada đang hấp hối để đi tới cầu thang, lên phòng khách nơi Sakamoto và người bạn Nakaoka Shintaro đang trò chuyện.

Khi nghe thấy tiếng xô xát ở tầng dưới, Sakamoto cho rằng vệ sĩ Yamada đang đấu vật với một người bạn nào đó nên ông vẫn mở cửa phòng để nói chuyện với Yamada. 

sakamoto
Tượng tưởng niệm Sakamoto và Shintaro tại nơi từng là nhà trọ Omiya, Kyoto. Ảnh: wikipedia

Các sát thủ đã nhanh chóng xông vào phòng ông, xé toạc cửa giấy Shoji. Sakamoto và bạn đã có cuộc chống trả quyết liệt với nhóm sát thủ. Đèn bị tắt, căn phòng trở nên tối om. Cuộc tấn công hạ màn khi cả hai đều bị thương khá nặng và đám sát thủ đã bỏ chạy. Sakamoto qua đời ngay trong đêm, còn Shintaro hôn mê và ra đi vào hai ngày sau đó. Shintaro nói rằng, ông nghe được tiếng địa phương vùng Iyo (nay thuộc tỉnh Ehime) trong số các tên sát thủ.

Sau cái chết của Sakamoto và Shintaro, Isami Kondo – thủ lĩnh của Shinsengumi, một lực lượng cảnh sát đặc biệt gồm các kiếm sĩ của chính quyền Tokugawa đóng tại Kyoto, đã bị xử tử vì được cho là đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, vào năm 1870, Nobuo Imai – thủ lĩnh lực lượng cảnh sát đặc biệt khác của Tokugawa mang tên Mimawarigumi lại nhận mình chính là sát thủ. Sau đó cũng xuất hiện lời đồn đại rằng Matsugoro Okuda, một võ sĩ Jujutsu và Judo, đặc vụ liên lạc của Isami Kondo là hung thủ. Đã hơn 150 năm trôi qua, các nhà sử học vẫn tranh luận ai mới là kẻ ám sát Sakamoto, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Đọc tiếp phần 2.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU