Là vùng đất văn hóa sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, tỉnh Aichi là cái nôi của hàng chục nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala điểm qua 5 nghề thủ công truyền thống nổi bật ở Aichi và cách chúng được bảo tồn, duy trì ở thời hiện đại.
Tỉnh Aichi nằm ở vùng trung tâm của quần đảo Nhật Bản, phía Nam giáp
Thái Bình Dương. Địa hình nhiều sông ngòi và đồi núi, thiên nhiên đa
dạng, đất đai trù phú, lại có khí hậu ôn hoà, Aichi là vùng đất phù hợp
để phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.
Cả nghìn năm qua, bao thế hệ nghệ nhân ở Aichi đã trải qua nhiều thách thức để bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, giúp những giá trị nghệ thuật đáng quý ấy vẫn hiện hữu đầy cuốn hút trong đời sống hôm nay.
Nghề làm gốm Seto-yaki (瀬戸焼)
Seto-yaki là nghề làm gốm tráng men nổi tiếng của thành phố Seto thuộc tỉnh Aichi - một trong sáu lò gốm lâu đời nhất Nhật Bản. Đồ gốm Seto cuốn hút nhất ở nước men đa dạng, từ men tro truyền thống màu xanh ngọc nhạt, men nâu từ oxit sắt, men ngọc lưu ly, đến men Shino cho màu sáng bóng hay men Kiseto nâu vàng sang trọng... đều là những tuyệt phẩm phô bày sự sáng tạo và khéo léo của các nghệ nhân gốm.
Nghề làm gốm ở Seto đã trải qua ngàn năm lịch sử. Khoảng đầu thế kỷ XIII, Kato Shirozaemon (加藤景正) là người đầu tiên thành công mở lò gốm ở đây sau nhiều năm học nghệ ở Trung Quốc. Với nguồn cao lanh và cát thạch anh dồi dào của Seto, nghề gốm nhanh chóng phát triển, biến nơi này thành một trong những trung tâm gốm của nước Nhật thời bấy giờ.
Thời Kamakura (1185-1333), Seto đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất gốm tráng men. Những năm tiếp theo, Seto trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị thu hẹp sản xuất do cạnh tranh từ các dòng gốm sứ khác trong thời Edo (1603-1868), có giai đoạn hoàng kim đưa Seto-yaki ra thế giới trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), rồi lại khó khăn do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Xem thêm:Top 5 món ăn đặc sản của tỉnh Aichi
Dẫu gặp nhiều thách thức, gốm Seto vẫn được bảo tồn và phát triển. Các kỹ thuật mới hơn và khoa học hơn ra đời giúp nâng cao tính mỹ thuật và độ bền của sản phẩm. Đặc biệt có thể kể đến phong cách Seto Sometsuke-yaki (瀬戸染付焼) kết hợp hai màu trắng-xanh nổi tiếng đến mức ảnh hưởng đến phong trào cách tân nghệ thuật (Art Nouveau) ở châu Âu khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Seto-yaki ngày nay vẫn vững vàng là một trong những loại gốm lâu đời và chất lượng nhất Nhật Bản. Các dòng gốm tráng men của Seto vẫn rất được ưa chuộng, xuất hiện nhiều trong đời sống thường nhật đến các sự kiện truyền thống. Từ những vật dụng đơn giản đến tạo tác công phu đều toát lên vẻ đẹp rạng ngời đến từ kỹ thuật được mài giũa qua nhiều thế hệ.
Nghề nhuộm Arimatsu Narumi Shibori (有松鳴海絞り)
Shibori (絞り) là một kỹ thuật nhuộm buộc vải tinh vi được lưu truyền từ những người xây lâu đài Nagoya. Trong thời kỳ Keicho (1596-1615), Takeda Shokuro (竹田庄九郎) đã học hỏi kỹ thuật này và quảng bá nó với tên gọi Kukuri-shibori (九九利絞).
Phương pháp này dựa trên ý tưởng cốt lõi là sau khi in hoa văn lên mảnh vải thì vải được cột bằng chỉ bông trước khi nhuộm. Vì thế khi nhuộm, chỗ cột sẽ không được nhuộm và tạo thành các hoa văn khác nhau khi gỡ chỉ ra. Chính vì vậy, công đoạn buộc vải là đặc biệt quan trọng để quyết định chất lượng sản phẩm.
Kỹ thuật buộc vải có đến hơn một trăm biến thể, đơn cử như Kumo-shibori (kiểu mây), Arashi-shibori (kiểu bão), Yuki-shibori (kiểu tuyết),... và chỉ có thể thực hiện thủ công nếu muốn tạo ra bố cục như ý. Quá trình nhuộm buộc này kéo dài trung bình 50-60 ngày, với nhiều thợ thủ công chuyên trách các công đoạn khác nhau.
Với vẻ đẹp truyền thống, hiện nay, nghề nhuộm này chủ yếu phục vụ việc sản xuất Furisode (kimono dài tay), Houmongi (kimono thường dùng trong đám tiệc), vải lụa, yukata, lẫn các sản phẩm trang trí nội thất khác.
Xem thêm:Cảm nhận lịch sử qua các địa điểm tâm linh của tỉnh Aichi
Nghề làm bút lông Toyohashi (豊橋筆)
Bút lông Toyohashi là một tạo phẩm tinh xảo được tạo thành từ quá trình gồm 36 công đoạn. Với khoảng 1,8 triệu chiếc bút được sản xuất mỗi năm, Toyohashi là nơi sản xuất bút lông lớn thứ hai Nhật Bản, chỉ sau bút lông Kumano của tỉnh Hiroshima.
Nét độc đáo nhất của bút lông Toyohashi là các loại lông khác nhau được kết hợp lại bằng nước, giúp đầu lông dễ dàng hút mực in nhưng lại nhả mực chậm rãi, hoàn toàn lý tưởng cho việc rèn luyện thư pháp.
Nghề làm bút lông ở Toyohashi khởi nguồn từ năm 1804 khi Suzuki Jinzaemon (鈴木甚左衛門) được tộc Yoshida mời từ Kyoto đến Toyohashi để hướng dẫn làm bút. Do gặp khó khăn tài chính, các samurai cấp thấp ở đây phải làm bút lông để kiếm thêm thu nhập.
Bút lông Toyohashi phát triển và áp dụng kỹ thuật mới trong thời Minh Trị, sau đó bước vào thời hoàng kim khi được “tái ra mắt” sau chiến tranh thế giới và trở nên phổ biến rộng rãi.
Trải qua hơn 200 năm, Toyohashi ngày nay không chỉ sản xuất bút lông để viết mà còn làm cả cọ vẽ, cọ trang điểm và cọ chuyên biệt dùng trang trí đồ mỹ nghệ. Có đến hơn 100 loại bút lông Toyohashi khác nhau trên thị trường, đều được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ ít nơi nào sánh được.
Nghề làm vật dụng bằng kim loại Owari Shippo (尾張七宝)
Khác với các sản phẩm gốm sứ thông thường được sản xuất từ đất sét, nguyên liệu chính của Owari Shippo là kim loại. Tương tự như cách nung chảy gốm trong lò nung, những tấm kim loại bằng bạc hoặc đồng được dùng để tạo khung cho sản phẩm Owari Shippo, với men thuỷ tinh được tráng trên bề mặt.
Thành phẩm Owari Shippo thường rất tinh xảo với bề mặt được trang trí bằng các loại hoa văn phong phú. Cảnh vật thường được thể hiện nhất trên bề mặt Owari Shippo là phong cảnh hữu tình, hoa cỏ, chim, bướm, gió, mặt trăng.
Owari Shippo bắt nguồn từ những năm cuối thời Edo, khi những món mỹ nghệ như cốc uống rượu sake bắt đầu được sản xuất ở vùng đất do gia tộc Owari cai quản. Một người hầu cận của nhà Owari tên Tsunekichi Kaji (梶常吉) đã thành công học tập và cải tiến kỹ thuật làm đồ thủ công bằng kim loại của Hà Lan để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Kỹ thuật này nhanh chóng phổ biến nhiều nơi và giúp định danh Owari Shippo trong giới thủ công mỹ nghệ.
Xem thêm:Những địa điểm tham quan thú vị dành cho gia đình tại tỉnh Aichi
Quá trình sản xuất Owari Shippo đòi hỏi những nghệ nhân chuyên nghiệp và tỉ mẩn. Các công đoạn cơ bản sẽ bao gồm làm khung, vẽ trang trí, gắn dây bạc bằng một loại keo đặc biệt, tráng men thuỷ tinh, nung và đánh bóng. Quá trình nung được lặp đi lặp lại khoảng 4-8 lần, sau đó bề mặt mới được đánh bóng và trang trí, tạo nên những sản phẩm toát lên vẻ đẹp sang trọng và cổ điển phương Đông.
Nghề làm bàn thờ Phật giáo Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan (名古屋仏壇 và 三河仏壇)
Ngoài đồ thủ công mỹ nghệ có kích thước nhỏ và vừa, Aichi cũng nổi tiếng có nghề làm bàn thờ Phật giáo chất lượng cao, nổi bật là Nagoya Butsudan và Mikawa Butsudan. Cả Nagoya và Mikawa đều có nhiều thợ thủ công tay nghề cao, sử dụng các loại gỗ quý như thông, tuyết tùng và cây bách để sản xuất bàn thờ.
Nagoya Butsudan có mặt bàn thờ cao ráo và ba cửa phía trước có thể kéo lên để mở ra. Kiểu bàn thờ này giúp hạn chế hư hại do lũ lụt. Trong khi đó, do vùng Mikawa có tập quán bày bàn thờ Phật trong tủ nên Mikawa Butsudan làm bàn thờ kích thước vừa vặn với bệ thấp và đặc trưng bởi kiểu trang trí lượn sóng.
Nagoya Butsudan bắt nguồn từ năm 1695, khi các thợ thủ công từng tham gia xây dựng chùa Higashi Honganji (東本願寺) sử dụng gỗ bách để làm bàn thờ Phật giáo và chạm trổ những chi tiết nghệ thuật chất lượng, đặt nền tảng cho làng nghề hiện nay.
Còn Mikawa Butsudan ra đời muộn hơn một chút, vào khoảng năm 1704. Lúc này, nghệ nhân của gia tộc Shohachi (庄八家) bắt đầu dùng gỗ quý để sản xuất bàn thờ Phật giáo. Nhờ tuyến đường vận chuyển dọc sông Yahagi và sơn mài sẵn có ở khu vực Bắc Mikawa, Mikawa Butsudan nhanh chóng phát triển.
Cả Nagoya và Mikawa Butsudan đều cho thấy đỉnh cao của nghệ thuật với thành phẩm là sự kết hợp của chuyên gia đến từ 8 lĩnh vực gồm nghề mộc, nội thất đền chùa, điêu khắc, trang trí, sơn mài, sơn mài bằng vàng, mạ vàng và lắp ráp.
Những sản phẩm thủ công truyền thống chứa đựng trong mình cả hành trình lịch sử và văn hóa của một vùng đất. Và tại Aichi, nhiều nghề thủ công đậm đà bản sắc vẫn được các nghệ nhân tâm huyết bảo tồn, truyền lại cho con cháu mai sau. Hiện nay, các đường bay quốc tế đã dần được nối lại sau một thời gian dài đóng băng do dịch bệnh, vậy nếu có dịp ghé thăm tỉnh Aichi, nhất định hãy đến chiêm ngưỡng những tuyệt tác thủ công tinh xảo này nhé.
kilala.vn