Ngày 5/8 vừa qua, IGS Asia, JUACH – Câu lạc bộ cựu du học sinh Nhật Bản tại Tp.HCM và Coderschool đã tổ chức buổi hội thảo “Tuyển dụng IT đi Nhật” với sự tham gia của nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc làm IT hot tại Nhật Bản.
Vì sao ngành IT lại HOT?
Đối mặt với tình trạng dân số già, Nhật Bản hiện nay đang “gồng mình” xoay sở khi luôn thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trình độ cao ngành IT khi mà ngành này luôn cần sự năng động sáng tạo. Cụ thể, năm 2015, Nhật Bản thiếu 17.700 nhân viên IT và dự đoán đến năm 2020 con số này sẽ tăng đến 293.000. Đây chính là CƠ HỘI để bạn có thể “khăn gói” sang Nhật làm IT; chọn thời gian làm việc phù hợp 5 năm, 7 năm hay 10 năm rồi sau đó quay trở về Việt Nam với số vốn trong tay và nhiều kinh nghiệm quý báu để bắt đầu startup hoặc trở về làm cho các công ty Nhật chi nhánh Việt Nam, dĩ nhiên bạn cũng có thể tiếp tục chọn gắn bó lâu hơn nữa với Nhật.
Mức lương ngành IT rất hấp dẫn, 50 – 80 triệu VND/ tháng là chuyện không hề hiếm. Môi trường làm việc cởi mở, không chỉ người Nhật, bạn còn có thể quen biết và gặp gỡ nhiều người nước ngoài cũng đang làm việc tại đây. Bạn có thể chọn vào một công ty startup hay làm việc tại các tập đoàn lớn lâu đời của Nhật như Hitachi, Panasonic… và học hỏi những công nghệ đỉnh cao của Nhật như AI, trí thông minh nhân tạo, Big Data…
Khách mời giải đáp thắc mắc về làm việc IT tại Nhật. (Ảnh: Ngô Phương Thảo)
Những lưu ý khi làm việc IT tại Nhật
Đến một quốc gia khác để làm việc ngành IT và sinh sống, tìm hiểu cơ bản về những tỉnh thành có thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực này cũng là điều bạn nên lưu tâm. Tại Nhật, những thành phố có mức sống cao, năng động nhất bao gồm Tokyo, Yokohama, Kawasaki, Saitama (vùng Kanto); Nagoya (vùng Chubu); Osaka, Kobe, Kyoto (vùng Kinki) và đây cũng chính là những thành phố mà các nhân tài IT của nước Nhật cũng như trên khắp thế giới đổ về.
Bên cạnh những điểm tuyệt vời mà bạn sẽ được trải nghiệm khi làm việc tại Nhật, diễn giả cũng đã nêu ra những điểm có thể sẽ khiến bạn bị “khớp” khi đến Nhật làm việc:
-Không có tự do cá nhân: Ai cũng phải làm việc theo tập thể, mỗi cá thể dù là trong công việc hay cuộc sống cũng rất để ý đến xung quanh.
-Nhiều món ăn sẽ không hợp khẩu vị.
-Không gian sinh hoạt tương đối chật hẹp.
-Công việc áp lực. Chẳng hạn ở Việt Nam, một tiết học chỉ 45 phút nhưng tại Nhật, 1 tiết học kéo dài 1 tiếng rưỡi. Người Nhật đã quen với cường độ học tập làm việc cao như vậy thì tất nhiên, thời gian đầu qua Nhật, bạn sẽ gặp khó khăn để thích nghi.
-Định kiến với người nước ngoài. Vì Nhật Bản là quốc đảo, từng có thời gian dài biệt lập với bên ngoài mà không giao thương văn hóa kinh tế nên bạn sẽ cảm nhận nhiều sự khác biệt trong suy nghĩ, tuy bây giờ Nhật Bản đã rất mở cửa rất nhiều so với ngày trước. Mặc khác, tình trạng người Việt Nam sang Nhật ăn cắp, làm thêm “chui”… cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh người Việt Nam với nước bạn.
Diễn giả Phạm Phương Nam – kĩ sư cầu nối IT có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc và sinh sống tại Nhật có lời khuyên đến các bạn trẻ: “Hãy cố gắng xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân thật tốt (personal brand) từ những thói quen nhỏ nhất như trung thực, giữ lời, đúng giờ, có trách nhiệm và luôn phấn đấu trở thành một người có ích. Không nên chỉ nghĩ làm những việc có lợi cho chính mình và hãy từ bỏ dần những thói quen xấu như bừa bãi, nhiều chuyện, kiêu ngạo, láu cá, cứng đầu. Làm việc với người Nhật không hề khó, luôn nỗ lực hết sức với cái tâm chân thành thì bạn sẽ thành công thôi.”
Diễn giả Phạm Phương Nam chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Ngô Phương Thảo)
Bạn có thể tải phần mềm GROW (từ khoá tìm kiếm là grow global, grow institution, grow) để làm bài kiểm tra đánh giá năng lực và tính cách. (Ảnh: Ngô Phương Thảo)
Ngô Phương Thảo/ kilala.vn