Olympic mùa hè 1964: Kí ức về Thế vận hội thay đổi Nhật Bản

Bài: NatsumeJul 22, 2021

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tại châu Á đăng cai Olympic và đó cũng là dấu mốc quan trọng trong sự thay đổi của Nhật cho đến ngày nay.

Vào 57 năm trước, Thế vận hội đầu tiên được tổ chức tại châu Á do Nhật Bản đăng cai đã tạo nên một sự “bùng nổ” cả về thể thao, kinh tế và môi trường. Hơn hai triệu vé được bán ra, khán giả phủ kín chỗ ngồi tại tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời (bao gồm lễ khai mạc, lễ bế mạc và các sự kiện thể thao). Truyền hình cũng trở nên sôi động hơn nhờ vào chương trình phát sóng vệ tinh đầu tiên trên toàn thế giới, cho phép hàng trăm triệu khán giả (từ 600 đến 800 triệu) theo dõi trực tiếp Thế vận hội ở mọi lục địa.

olympic
Ảnh: Japan Times

Sân vận động Olympic đã hoàn toàn "cháy vé" cho Lễ khai mạc, với gần 85.000 khán giả cuồng nhiệt. Và đối với mỗi môn thể thao, các vận động viên (VĐV) đã thi đấu tại các địa điểm chật kín người: điền kinh 519.000 khán giả, bóng đá 616.000 khán giả, bơi lội và lặn 154.350 người, bóng rổ 66.621 người và Judo 47.120 người.

Thành công to lớn của Thế vận hội năm 1964 cũng thuộc về các VĐV Nhật Bản, họ đã có thành tích đáng kể với tổng số huy chương là 29 với 16 vàng, 5 bạc và 8 đồng. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là tấm huy chương vàng mà đội tuyển bóng chuyền nữ Nhật Bản giành được sau khi đánh bại Liên Xô trong trận chung kết mà không để lỡ một set nào.

olympic
Ảnh: IOC / KISHIMOTO

Thế vận hội này cũng đã chứng kiến sự lên ngôi của các VĐV tài năng: VĐV điền kinh Abebe Bikila của Ethiopia (1932 – 1973), ông đã phá kỷ lục thế giới của chính mình trong cuộc thi đấu marathon tại Olympic Tokyo 1964; hay như VĐV thể dục dụng cụ người Tiệp Khắc – Vera Caslavska đã chiếm trọn trái tim người hâm mộ với màn trình diễn tuyệt vời trong suốt các trận thi đấu.

Hành trình rước ngọn đuốc của hi vọng

Ngày 21/08/1964, ngọn đuốc Olympic được thắp sáng tại Olympia để bắt đầu cho hành trình rước đuốc vòng quanh phương Đông, đi qua 11 thành phố: Istanbul, Beirut, Tehran, Lahore, New Delhi, Yangon, Bangkok, Kuala Lumpur, Manila, Hong Kong và Đài Bắc. Với nhiều người ở thời điểm đó, việc rước đuốc này không chỉ là nghi thức của Olympic mà đó thể hiện sự hàn gắn của những mất mát, đau thương.

olympic
Olympic Tokyo 1964 là thế vận hội đầu tiên tổ chức rước đuốc qua 11 thành phố ở châu Á. Ảnh: NHK

Đông Nam Á

Bà Kuno Akiko, phiên dịch viên cho đội Nhật Bản và tham gia toàn bộ hành trình rước đuốc, bồi hồi khi chia sẻ với đài NHK về sự kiện này: “Tôi có một chút lo lắng về hành trình này. Như các bạn đã biết, tuyến đường rước đuốc sẽ đi qua khu vực Đông Nam Á, trong đó có những nước chịu ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh ác liệt giữa Quân đội Hoàng gia Nhật Bản và lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2”. Nhưng những lo lắng của bà đã tan biến ngay khi cuộc chạy tiếp sức bắt đầu. Rất đông người đứng bên đường và chật kín các sân vận động. Bà nói rằng có những nơi đám đông quá lớn khiến người chạy phải cố gắng lắm mới qua được. 
olympic
Bà Kuno Akiko là phiên dịch cho đoàn Nhật Bản rước đuốc Olympic qua châu Á. Ảnh: NHK
Ở họ không có sự giận dữ mà tràn ngập nhiệt huyết và hào hứng đối với thế thao. Không chỉ Akiko mà các thành viên trong đoàn Nhật Bản đã quyết tâm giữ ngọn lửa liên tục cháy cho đến khi về đến Nhật Bản. Đối với họ, nó tượng trưng cho việc duy trì hy vọng của mọi người, niềm tin về một tương lai mới tốt đẹp hơn.

Okinawa

Ngọn lửa Olympic về tới Nhật Bản vào ngày 07/09/1964 và đến Okinawa, nơi khi đó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Vào thời điểm đó, người dân sống ở Okinawa bị cấm treo cờ Nhật Bản, trừ những ngày nghỉ lễ quốc gia. Nhưng điều ngạc nhiên là ở hai bên đường, dòng người Okinawa đã phủ kín con đường bằng những lá cờ Nhật Bản, cho thấy sự nhượng bộ và ngoại lệ của Mỹ dành cho cuộc chạy tiếp sức này. Đây cũng là hình ảnh mang lại hi vọng về sự thống nhất trên khắp các vùng miền tại Nhật.
olympic
Người dân Okinawa được phép treo cờ Nhật Bản trong lễ rước đuốc, điều hiếm thấy khi quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Ảnh: NHK

Hiroshima

Ngọn lửa cuối cùng đến Sân vận động Quốc gia ở Tokyo vào ngày 10/10/1964. Người đảm nhiệm cầm ngọn đuốc ở chặng này là Sakai Yoshinori, thành viên câu lạc bộ chạy bộ của Đại học Waseda. Ông sinh ra ở tỉnh Hiroshima vào ngày 06/08/1945, đúng ngày thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử. Bà Akiko chia sẻ: “Có thể các bạn trẻ cười và nói là “Chuyện gì to tát đâu? Chỉ là một ngọn lửa thôi mà”. Nhưng đối với thế hệ của tôi, ngọn lửa Olympic tượng trưng cho một hy vọng mạnh mẽ về hòa bình và quyết tâm rằng chúng ta sẽ không bao giờ tham gia chiến tranh".
olympic
Người chạy cuối cùng trong lễ rước đuốc năm 1964 là Sakai Yoshinori, sinh ra ở tỉnh Hiroshima vào ngày 6/8/1945, ngày thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử. Ảnh: NHK

Sự chuyển đổi đô thị đáng kinh ngạc

Robert Whiting, một nhà văn người Mỹ, tác giả của cuốn hồi ký “Tokyo Junkie”  cho biết trước Olympic 1964, “Tokyo là một vùng đất ô nhiễm và nhiều khói bụi. Dòng người bất tận xếp hàng để nhận trợ cấp thực phẩm”, điều này phần nào do ảnh hưởng của chiến tranh Thế giới thứ hai. Chính vì thế, việc đăng cai Olympic mùa hè 1964 là một quyết định mạo hiểm của Chính phủ Nhật Bản. Liệu Tokyo đã đủ sẵn sàng cho một sự kiện tiêu hao tiền của và tài lực đến thế không? Đó là câu hỏi của nhiều người dân Nhật lúc bấy giờ. 
olympic
Ngã tư Shibuya vào năm 1952. Ảnh: Ichiban-japan

Trên thực tế, để có thể giành quyền đăng cai Olympic, Chính phủ Nhật đã lên kế hoạch trong nhiều năm liền. Và sau chiến thắng tuyệt đối với 34 phiếu so với các đối thủ Detroit (Mỹ, 10 phiếu), Vienna (Áo, 9 phiếu) và Brussels (Bỉ, 5 phiếu), Nhật Bản đã dành 5 năm cật lực để thay đổi diện mạo Tokyo. 

Những dự án được xây dựng ngày đêm mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là "sự chuyển đổi đô thị vĩ đại nhất trong lịch sử" đã giúp Tokyo chào đón thế giới với cảm giác tự hào và thành tựu mà ít người tin rằng có thể thực hiện được chỉ  trong vài năm. 10.000 tòa nhà mới đã được xây dựng nên, bao gồm: khách sạn 5 sao, 8 đường cao tốc trên cao, 2 tuyến tàu điện ngầm và 1 tuyến tàu điện nối sân bay Haneda (Tokyo) với trung tâm thành phố. Chất lượng nước và hệ thống toilet hiện đại của phương Tây cũng được cải thiện. Những ngôi nhà cũ kĩ quanh các nhà thi đấu quốc gia cũng được chuyển mình thành chung cư. 

olympic
Một đoàn tàu cao tốc Shinkansen chạy về phía ga Tokyo đang đi qua Ga vận chuyển hàng hóa Shiodome trong quá trình chạy thử nghiệm vào tháng 07/1964. Ảnh: The Guardian

Các địa điểm thể thao mới bao gồm nhà thi đấu quốc gia do KTS Kenzo Tange thiết kế, từng đoạt giải Pritzker về kiến trúc, và Nippon Budokan, được xây dựng để tổ chức cuộc thi Judo. Ngày nay, Nippon Budokan đã trở thành một địa điểm võ thuật lớn của Nhật Bản. Vào năm 1966, nơi đây đã được chọn để tổ chức buổi hòa nhạc của The Beatles.

olympic
Nippon Budokan. Ảnh: Tokyo Cheapo

Thế vận hội Olympic ở Tokyo là chất xúc tác trong quá trình phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ thể thao sau đó tại Nhật Bản. Nhờ có Thế vận hội mà thể thao đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật. Robert Whiting nhận định “Olympic Tokyo 1964 thể hiện sự tái gia nhập của Nhật Bản sau thời gian ngụp lặn trong chiến tranh, cho thế giới thấy một nước Nhật hồi sinh mạnh mẽ”.

olympic
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, bỏ lại Thế vận hội thành công năm xưa, việc tổ chức Olympic 2020 trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp đã hứng chịu phản ứng mạnh mẽ từ người dân, với khoảng hơn 70% người không đồng tình với việc này. Đây là lý do khiến số lượng tình nguyện viên tại Olympic Tokyo giảm mạnh trước thềm Thế vận hội. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn cương quyết tổ chức Olympic Tokyo và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tối đa dịch bệnh bùng phát, kể cả việc không cho khán giả đến cổ vũ các trận thi đấu. Liệu Nhật Bản có thể bứt phá, đưa quốc gia thoát khỏi "mớ bòng bong" do Covid-19 gây ra hay không? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU