Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, “Buổi giới thiệu Lịch sử Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ” đã được tổ chức với mong muốn giới thiệu đến các bạn Nhật Bản một nét văn hóa của Việt Nam.
Nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa nhân dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 3 chi hội hữu nghị Việt – Nhật là Bảo tàng Áo dài, Đại học Công nghệ TPHCM-HUTEC và Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh tổ chức “Buổi giới thiệu Lịch sử Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ”.
Chương trình nhằm giới thiệu đến các bạn Nhật Bản đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh lịch sử phát triển của Áo dài truyền thống Việt Nam và thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân ca quan họ. Đây là loại hình hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ. Người nam gọi là “liền anh”, nữ là “liền chị”. Năm 2009, Quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các bài dân ca quan họ do các nghệ sĩ của Câu lạc bộ Quan họ Sen vàng biểu diễn.
Đến tham dự chương trình có sự hiện diện của: ông Watanabe Nobuhiro - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Shiraishi Hideyuki - Trưởng Ban Văn hóa Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM; ông Mizushima Kozo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM – JCCH; ông Ida Koji - Phó Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản – JETRO- tại TPHCM; ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM; ông Nguyễn Công Tánh - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TPHCM; bà Huỳnh Thị Ngọc Vân - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật TPHCM, Giám đốc Bảo tàng Áo dài; Họa sĩ, NTK áo dài Lê Sĩ Hoàng - Chủ tịch Viện Trang phục Việt, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Nhật TPHCM...
Trong khuôn khổ sự kiện là phần trình diễn “Lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ” với 7 mẫu áo dài đại diện cho các thời kỳ: Áo tứ thân; Áo dài Năm thân; Áo dài vương triều nhà Nguyễn vào thế kỷ 19; Áo dài tân thời hay áo dài Lemur; Áo dài cổ cao; Áo dài ráp tay raglan xéo vai; Áo dài cổ thuyền.
Điểm nhấn có thể kể đến hai tác phẩm của NTK Sĩ Hoàng, kết hợp vẻ đẹp độc đáo của hoa vải Tsumami với vẻ đẹp thuần khiết của áo dài Việt Nam. Được biết, Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, vào tháng 3 - Tháng Lễ hội Áo dài lần thứ V của TP.HCM, Cố Nghệ nhân Takahashi Masayuki và các nghệ nhân Nhật Bản đã giới thiệu về nghệ thuật hoa vải truyền thống Tsumami đến với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân dịp đó, NTK Sĩ Hoàng, với tình cảm đặc biệt với đất nước Nhật Bản, đã vẽ lại một số tranh khắc gỗ Ukiyo-e và thiết kế một bộ sưu tập Áo dài kết hợp với tranh Ukiyo-e.
Chia sẻ về thiết kế của mình, NTK Sĩ Hoàng cho biết, khi có dịp đến Nhật mùa hoa anh đào, anh đã bị say đắm bởi những cành hoa anh đào đầy mong manh và thơ mộng. Xúc cảm ấy đã khiến anh tạo nên bộ áo dài với họa tiết chủ đạo là cành hoa anh đào, với phần cành được vẽ tay còn những bông hoa được đính lên. Điểm đặc biệt của bộ áo dài này theo anh tiết lộ là sự sáng tạo của người mặc. Khi mang áo dài đi giặt, hấp, thì chúng ta sẽ gỡ những bông hoa trên áo dài ra (chúng vốn được gắn bởi một cái chốt). Và khi mặc, chủ nhân của chiếc áo dài có thể tự do sáng tạo, gắn hoa ở bất kì đâu mà họ mong muốn, tạo nên bộ áo dài độc bản.
Sau khi được xem phần trình diễn quan họ và áo dài, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh Watanabe Nobuhiro chia sẻ rằng ông thật sự cảm thấy hào hứng và yêu thích sự mềm mại, thanh tao của tà áo dài Việt. Ông cũng cho biết thêm rằng ở trong những văn tự cổ của Nhật có nhắc đến một loại hình hát đối đáp của người Nhật, tương đồng với dân ca quan họ. Đây có lẽ là minh chứng cho sự tương đồng và thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi giới thiệu, ông Hồ Xuân Lâm mong muốn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ nhiều hơn nữa của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng người Nhật đang sống, làm việc và học tập tại TPHCM cùng tổ chức hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, thiết thực và có ý nghĩa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị của hai nước nói chung, giữa TP.HCM và các tỉnh thành ở Nhật Bản nói riêng.
kilala.vn