Hóng cung đường Soba tại Lễ hội tam giác mạch
Bài: Phương Anh/ Cover: Báo Hà GiangNov 23, 2017
Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ III sẽ diễn ra trong thời gian từ 24/11– 31/12 tại 4 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và thành phố Hà Giang. Tham quan lễ hội này, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn từ hạt tam giác mạch: Mì soba kiểu Nhật, bánh xèo Nhật, bánh cookie...
Thu hút hơn 100.000 du khách mỗi năm
Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa, vẻ đẹp của những cánh đồng tam giác mạch từ Đồng Văn, Hà Giang đến Lũng Cú, Mèo Vạc Tham gia vào lễ hội năm nay, du khách không chỉ được thưởng lãm vẻ đẹp của những đồng hoa tuyệt đẹp mà còn có dịp tham quan Cung đường Soba, thưởng thức những món làm từ hạt tam giác mạch (kiều mạch) như mì soba (giá chỉ 10.000/bát), cookie, bánh xèo… Văn hoá Soba Nhật Bản hoà quyện trong không gian tuyệt đẹp của Đồng Văn và niềm hứng khởi của người dân với lễ hội năm nayLễ hội “Hoa Tam giác mạch” 2017 sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức hoạt động dù bay trên mùa hoa tam giác mạch; hòa nhạc dưới chân cột cở Lũng Cú với chủ đề “Âm vang Lũng Cú”; chương trình ẩm thực ăn thịt bò trên Cao nguyên đá cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm như trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc...
Tam giác mạch – Thức ăn kiêm thuốc bổ
Ở Việt Nam thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước thường nói tam giác mạch là "thức ăn của người nghèo và là thuốc của người giàu" vì đây là loại hạt chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ và rất dễ trồng, có thể sinh trưởng tốt cả trong môi trường khắc nghiệt. Món mì soba làm từ hạt tam giác mạch được Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng từ thời Edo. Đặc biệt nhất là món mỳ Toshikoshi soba được ăn vào đêm giao thừa chào đón năm mới - biểu tượng cho sự may mắn, sức khỏe và trường thọ.Món mì Soba làm từ hạt tam giác mạch Hà Giang rất tốt cho sức khoẻ. (Ảnh: SOBA LBC230 )
Hạt kiều mạch đóng một vai trò quan trọng trong việc chế biến các món mỳ sợi không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Hàn Quốc và Italia. Người Pháp có thể dùng hạt tam giác mạch để sản xuất rượu whisky. Tại Mỹ, bột tam giác mạch được sử dụng để làm các loại bánh được người dân ưa thích, đặc biệt là những người bị dị ứng với lúa mỳ.
Các sản phẩm như: mì, bánh, rượu, trà tam giác mạch... đã được người dân Hà Giang sản xuất với số lượng lớn, đóng gói bao bì, bày bán tại các điểm du lịch và được đông đảo du khách ưa thích, đón nhận.
Từ lợi thế của tam giác mạch, vài năm gần đây, huyện Đồng Văn đã được Dự án mì Soba LBC từ Nhật Bản hỗ trợ sẽ tạo đầu ra cho tam giác mạch, bên cạnh lúa và ngô, giúp người dân có thêm thu nhập. Hạt hoa tam giác mạch ở Đồng Văn còn được lựa chọn làm nguyên liệu chế biến những món ăn mang phong cách Nhật Bản như: mì soba, bánh xèo Nhật,... tại chuỗi nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội và các địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người bản địa.
kilala.vn