Ai sẽ chịu tổn thất nhiều nhất khi lùi Olympic Tokyo 2020?

Bài: Thảo Trần
Apr 7, 2020

Theo Japantoday
Ảnh bìa: Japantoday

Một trong những câu hỏi được đặt ra khi thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn đến năm 2021 chính là: “Ai sẽ là người đứng ra chịu tổn thất? Và số tiền tổn thất thật sự lớn đến mức nào?

Theo Japan Today, câu trả lời rất có thể chủ yếu là người nộp thuế Nhật Bản.

CEO của ban tổ chức Thế vận hội, ông Toshiro Muto cho biết: "Khi việc hoãn Olympic Tokyo 2020 được công bố tất nhiên sẽ có phát sinh các khoản phí trì hoãn". Đây cũng có thể lý do khiến Nhật bản chần chừ việc đưa ra quyết định hoãn Olympic. 

Những khoản phí phải đối diện

Một trong những lo lắng lớn nhất khi hoãn thế vận hội Tokyo 2020 chính là những khoản phí mà Nhật Bản phải đối diện, chẳng hạn như:

  • Đàm phán lại các hợp đồng thuê mới tại các địa điểm
  • Trả tiền bảo trì cho những đấu trường các môn thi đấu ở nhiều lĩnh vực khác nhau
  • Đối phó với các nhà phát triển bất động sản - những người đã bán hết hàng ngàn căn hộ tại làng vận động viên Athletes Village Plaza.

Bên cạnh đó, thông qua Dentsu Inc - "ông lớn" trong ngành quảng cáo ở Nhật Bản, chính quyền Tokyo đã bán được khoảng 3,3 tỷ đô (khoảng 77,3 nghìn tỷ VND) tiền quảng cáo cho các tập đoàn trong mùa Thế vận hội 2020, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ thế vận hội nào trước đó. Khi thông báo về việc hoãn Olympic Tokyo 2020 được đưa ra, những tập đoàn này sẽ kêu gọi quyền lợi để biết được họ sẽ nhận lại những gì từ số tiền mà họ đã bỏ ra đầu tư, như hoàn tiền, giao dịch tốt hơn hay hợp đồng mới?

Ông Toshiro Muto - CEO của ban tổ chức - thừa nhận những khó khăn khi trong cuộc đàm phán với Ủy ban Olympic Quốc tế, nơi kiểm soát thế vận hội nhưng khiến nước chủ nhà phải nhận hầu hết các chi phí.

ông Toshiro Muto - CEO của ban tổ chức
Ông Toshiro Muto - CEO của ban tổ chức (ảnh: olympic.org).

Những việc liên quan đến tài chính

Các nhà tổ chức địa phương và các cơ quan chính phủ Nhật Bản cho biết họ đang chi khoảng 12,6 tỷ đô (khoảng 295 nghìn tỷ VND) để đưa vào thế vận hội. Tuy nhiên, một báo cáo kiểm toán của chính phủ quốc gia vào tháng 12 đã đặt chi phí ở mức 28 tỷ đô (khoảng 656,18 nghìn tỷ VND). Dù khi Tokyo thắng thầu Olympic năm 2013, họ cho biết tổng chi phí sẽ chỉ ở khoảng 7,3 tỷ đô (khoảng 171 nghìn tỷ VND).

Nguồn vốn tư nhân có thể trám khoảng 5,6 tỷ đô (khoảng 131,236 nghìn tỷ VND) trong tổng ngân sách hiện tại. Phần còn lại là tiền công quỹ.

Tokyo đã chi gần 7 tỷ đô (khoảng 164,045 nghìn tỷ VND) cho các cơ sở vật chất tạm thời và dài hạn, chiếm khoảng 85% từ các quỹ công cộng. Địa điểm đắt nhất là sân vận động quốc gia mới, một dự án của chính phủ quốc gia có giá trị 1,43 tỷ đô (hơn 33,5 nghìn tỷ VND).

sân vận động quốc gia mới
Sân vận động Quốc gia Mới (Tokyo) (ảnh: PIXTA)

Theo tờ báo tài chính Nhật Bản Nikkei, ước tính chi phí tăng thêm khi hoãn Olympic là ở mức 2,7 tỷ đô (khoảng 63,2 nghìn tỷ VND).

IOC có hỗ trợ Nhật Bản không?

IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) có trụ sở tại Thụy Sĩ đã đóng góp 1,3 tỷ đô ( khoảng 30,4 nghìn tỷ VND) để tài trợ cho Thế vận hội Tokyo - một phần nhỏ trong tổng chi phí. IOC có thu nhập 5,7 tỷ đô (khoảng 133,5 nghìn tỷ VND) cho chu kỳ Olympic bốn năm qua (2013-2016). Trong đó, gần ba phần tư thu nhập là từ việc bán bản quyền phát sóng và 18% từ các nhà tài trợ.

IOC cũng có quỹ dự phòng khoảng 2 tỷ đô (khoảng 46,8 nghìn tỷ VND) và bảo hiểm để đền bù tổn thất.

Theo nhiều báo cáo, IOC sẽ đóng góp khoảng 830,25 triệu đô (khoảng 1,95 nghìn tỷ VND) còn Nhật Bản sẽ chịu 1,476 tỷ đô (khoảng 34,6 nghìn tỷ VND). Con số lớn này cũng chính là lý do khiến Nhật Bản chần chừ khi quyết định có hoãn Olympic hay không.

Các vấn đền liên quan

Tokyo đã lên kế hoạch thuê 42 địa điểm thi đấu cho 33 môn thể thao và 1 địa điểm bổ sung cho Paralympic. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo rằng những địa điểm này vẫn còn trống lịch cho thuê vào năm sau – cụ thể là vào khoảng thời gian mà Olympic Tokyo 2020 được dời lại. Vì vậy, ông Muto cho biết có thể BTC sẽ phải tiếp tục kéo dài thời hạn thuê những địa điểm thi đấu này cho đến năm sau, đồng với việc sẽ có phát sinh thêm chi phí.

Vấn đề tài chính đau đầu nhất có thể là Làng vận động viên, nơi ở của 11.000 vận động viên Olympic cùng 4.400 vận động viên Paralympic và các nhân viên. Làng vận động viên được xây dựng trên vịnh Tokyo có khoảng 5.632 căn hộ, sẽ được bán hết sau khi thế vận hội diễn ra và một phần tư trong đó đã được bán. Một vài căn hộ có giá khoảng 1 triệu đô (khoảng 23,4 tỷ VND).

làng vận động viên
Làng vận động viên ở vịnh Tokyo (ảnh: PIXTA).

Bên cạnh đó, ngay cả việc kêu gọi lại 80.000 tình nguyện viên một lần nữa cũng rất tốn kém. Chưa dừng lại ở đó, thành phố Tokyo cũng đã lên kế hoạch sử dụng thêm 30.000 tình nguyện viên để giúp người hâm mộ tìm thấy các tuyến xe lửa, địa chỉ đường phố và trợ giúp cho những người không biết tiếng Nhật.

Đã có khoảng 4,5 triệu vé bán ra ở Nhật Bản trong tổng số 7,8 triệu vé, 20-30% trong số đó là vé bán quốc tế. Tuy vậy, tất cả các vé bán ra đều có điều khoản bất khả kháng, điều này sẽ có lợi cho ban tổ chức nếu không muốn hoàn trả tiền vì COVID-19 được coi là vượt ngoài tầm kiểm soát và cũng là lý do hợp lý khi hoãn Olympic Tokyo 2020. Tuy ban tổ chức hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về chính sách đối với những người mua vé nhưng họ vẫn mong muốn đảm bảo rằng, những người đã mua vé sẽ được xem xét và đưa ra quyền lợi hợp lý.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU