Vĩnh biệt bà Nakamura Nobuko, vợ của Giáo sư Lương Định Của
Bài: Rin
May 14, 2022
Nguồn: tuoitre.vn, nongnghiep.vn
Là người vợ hiền đức của nhà nông học Lương Định Của, bà Nakamura Nobukovừa tạ thế vào ngày 10/05/2022, hưởng thọ 100 tuổi.
Sáng ngày 14/05, gia đình đã làm lễ truy điệu và hỏa táng cụ bà Nakamura Nobuko. Sự ra đi của bà khiến nhiều trái tim Việt đau xót, vòng hoa từ những người trong ngành nông nghiệp Việt Nam đã được gửi đến viếng bà từ Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, kỹ sư Hồ Quang Cua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng tỉnh Đồng Tháp, Viện Nông học, đến Đài tiếng nói Việt Nam, Hội hữu nghị Việt – Nhật...
Lương duyên giữa bà Nakamura và Giáo sư Lương Định Của
Bà Nakamura Nobuka gặp gỡ với Giáo sư Lương Định Của vào năm 1940 khi ông buộc phải dừng học ngành Kinh tế tại Thượng Hải do chiến tranh và chuyển sang Nhật, thi vào Khoa Sinh vật thực nghiệm của Đại học Kyushu.
Nhờ thành tích thi vượt trội, ông Lương Định Của đã được nhận vào học và trở thành sinh viên năm 3 thay vì học lại từ đầu. Dù nhỏ hơn ông 2 tuổi, bà Nakamura Nobuko đã học cùng khóa với ông và bén duyên với nhau từ đây.
Trong một cuộc giao lưu, Lương Định Của đã ngâm những vần thơ của nhà thơ Haiku Basho nổi tiếng xứ Phù Tang, từ đây, chàng thanh niên Việt với phong thái nghệ sĩ đã lọt vào mắt xanh của cô gái Nhật Nakamura.
Tuy nhiên, tình yêu của họ không hề thuận buồm xuôi gió mà có rất nhiều người ngăn cấm, bạn bè của bà còn cho rằng tương lai sẽ không có gì sáng sủa nếu Nakamura gắn bó lâu dài với Lương Định Của. Tin tưởng vào tình cảm của bản thân, bà Nakamura đã đưa ông về ra mắt gia đình, và mẹ của bà vô cùng hài lòng trước thái độ cầu tiến, khiêm tốn của Lương Định Của.
Tình yêu của họ đơm trái ngọt khi vào cuối năm 1945, cả hai đã tổ chức một đám cưới giản dị trên đất Nhật. Sau khi kết hôn một năm, đến năm 1946, bà Nakamura đã cùng chồng dọn lên sống ở Tokyo để ông tiếp tục theo học khoa Di truyền chọn giống. Không phụ tấm lòng của vợ, ông đã đạt được học vị Tiến sĩ và trở thành Giáo sư tại Đại học Tokyo.
Theo chồng trở về Việt Nam
Dù ở hải ngoại, nhưng tấm lòng của Lương Định Của vẫn hướng về quê hương với khao khát cống hiến cho nước nhà. Ông đã bàn bạc với vợ ý định trở về Việt Nam và được sự ủng hộ nhiệt tình từ vợ, đến mùa thu năm 1952, bà cùng hai con nhỏ theo chồng sang Hồng Kông để tìm đường về Việt Nam.
Nhưng không may, trong lúc chờ máy bay nối chuyến Hồng Kông – Sài Gòn thì gia đình Lương Định Của đã bị mất trộm toàn bộ hành lý. May thay, túi nhỏ đựng các công trình nghiên cứu của ông không bị lấy đi vì ông vẫn mang theo bên mình. Bạn học Trương Văn Hi của ông đã giúp đỡ gia đình tiếp tục hành trình về Việt Nam.
Gia đình sau cùng cũng về được Sài Gòn. Tại đây, ông làm việc cho Viện Khảo cứu Bộ Canh nông. Kết thúc 2 năm sống tại Sài Gòn, vào năm 1954, cả gia đình tập kết ra Bắc, bà Nakamura với tình yêu tha thiết dành cho Việt Nam đã trở thành phát thanh viên tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam, còn Giáo sư Lương Định Của ngày đêm nghiên cứu cải tạo giống cây trồng cho nông dân Việt Nam tại Viện khảo cứu Nông lâm, trường Đại học Nông nghiệp và Viện Cây lương thực và thực phẩm.
Với rất nhiều đóng góp to lớn cho nông nghiệp Việt Nam, Lương Định Của đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1967 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên vào năm 1996.
Những dấu ấn của bà Nakamura
Trong những năm tháng sống cùng chồng và các con tại mảnh đất thủ đô, bà Nakamura đã viết nên cuốn hồi ký “Cơn gió thổi từ Hà Nội” thấm đẫm tình yêu với nước Việt.
Ước mong lớn nhất của nhà nông học Lương Định Của được bà Nakamura thổ lộ là đưa vợ con về thăm cái xóm nghèo ở Sóc Trăng mà ông từng trải qua thời thơ ấu khốn khó. Nhưng mong ước đã không thành hiện thực khi vào ngày 28/12/1975, ông Lương Định Của qua đời đột ngột vì cơn nhồi máu cơ tim vào lúc nửa đêm.
Sau sự ra đi của chồng, bà và các con đã chuyển vào Sài Gòn sống dù người thân bên Nhật nhiều lần khuyên quay trở về Nhật. Từ đây, bà cùng con trai thường xuyên trở về quê hương chồng ở Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng để lo việc họ hàng, cũng như đi khắp nơi đồng hành cùng Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn sáng lập, dành cho các thanh niên có đóng góp sáng tạo trong nông nghiệp.
Tự nguyện làm nàng dâu Việt, dành tất thảy tình yêu thương cho Việt Nam, bà Nakamura Nobuko từng bộc bạch rằng sống ở Việt Nam rất dễ chịu, cả thời tiết, thức ăn và con người đều dễ chịu. Bà rất thích mặc áo dài, vừa nhẹ nhàng, lại vừa thanh lịch.
Bà còn nói rằng: “Bạn bè tôi ở Nhật Bản rất ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam vì họ cho rằng đây là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, không an toàn để sống. Tôi khuyên họ đến Việt Nam một chuyến vì giá du lịch rẻ, thế là họ đã đi và sau đó, ai cũng muốn quay trở lại lần nữa”.
Vào ngày 30/04/1975 lịch sử, phát thanh viên Nakamura đã đọc bản tin thắng trận bằng tiếng Nhật với cả tình yêu dành cho đất nước hình chữ S và chồng con người Việt của mình: “Tiếng pháo chúc mừng thắng lợi to lớn trong giây phút này đang vang dội khắp thủ đô Hà Nội và cả nước. Bất kể già trẻ hay trai gái, ai ai cũng xuống đường chia sẻ thắng lợi. Họ đang chúc mừng đại thắng lợi của dân tộc.
Nhân dịp này, nhân dân Việt Nam xin được chia sẻ niềm vui vô bờ bến này đến bạn bè quốc tế. Nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến các bạn và anh em quốc tế năm châu. Các bạn thính giả thân mến, chúng tôi mong muốn các bạn cùng nhau chúc mừng niềm vui to lớn này…".
Được biết, vào ngày 30/04 vừa qua, chị Hà Gia, con dâu thứ của bà đã mở lại đoạn ghi âm ngày ấy cho bà nghe. Nhớ lại tiếng reo vui của chính mình năm ấy, nằm trên giường bệnh vài tháng nay, bà trở nên tươi hẳn, mở mắt nhìn con cháu rồi gật đầu. Đến ngày 10/05, khi con cháu đã tề tựu đầy đủ, bà đã ra đi trong thanh thản, khép lại một cuộc đời đầy ý nghĩa. Tình cảm bà Nakamura dành cho nước Việt sẽ còn sống mãi trong ký ức người Việt.
kilala.vn