Những xưởng phim hoạt hình từng được xem là nơi kiến tạo những giấc mơ, nhưng trên thực tế, các nghệ sĩ tuyến đầu trong ngành công nghiệp anime thường phải làm việc cực nhọc trong điều kiện “ác mộng”.
Nippon Anime & Film Culture Association (NAFCA) được thành lập với mục đích giải quyết các khó khăn tồn tại trong ngành công nghiệp anime. Hiệp hội do nhà sản xuất phim hoạt hình Masuo Ueda dẫn dắt, ông từng là giám đốc điều hành của studio Sunrise Inc. (nay là Bandai Namco Filmworks Inc.), là chủ tịch của cả A-1 Pictures Inc. và Aniplex Inc.
“Các xưởng sản xuất còn lâu mới là công xưởng dệt nên những giấc mơ. Việc sản xuất hiện được thực hiện bởi những nhà sáng tạo bị đẩy vào tình thế vượt quá giới hạn bản thân nhưng vẫn làm việc chăm chỉ vì yêu công việc này. Có thể nói rằng những người ở tuyến đầu đang trên bờ vực kiệt sức”, Ueda chia sẻ.
Năm 2021, thị trường anime của Nhật Bản trị giá 2,7 nghìn tỷ yên (19,2 tỷ USD), nhưng hiện nay nhiều họa sĩ diễn hoạt (animator), đặc biệt là những người trẻ, vẫn làm việc nhiều giờ với mức lương thấp, trong khi các hãng phim vừa và nhỏ hoạt động trong điều kiện không ổn định. Các nhà sáng tạo phải sống trong cảnh nghèo khó trước khi có cơ hội hoạt động trong ngành.
Chính vì vậy, ông Masuo Ueda quyết định thành lập NAFCA để thay đổi môi trường cho nghề này. Một trong những hoạt động chính của hiệp hội là nuôi dưỡng nhân tài trong ngành.
Theo nhà sản xuất Naomichi Yamato, thành viên hội đồng NAFCA, các kỹ thuật sản xuất anime đã được truyền lại từ nhân viên cấp cao cho đồng nghiệp trẻ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, với sự gia tăng mạnh về số lượng sản phẩm trong những năm gần đây, việc truyền đạt kỹ năng như vậy tại nơi làm việc trở nên khó khăn.
“Những công ty sản xuất đối mặt với tình trạng thiếu lao động đang tuyển dụng animator thông qua mạng xã hội. Các nghệ sĩ bị ném vào những nơi làm việc không được đào tạo và không biết liệu họ có làm đúng công việc của mình hay không,” Yamato nói.
Việc những tân binh được giao nhiệm vụ dành cho nhân viên có kinh nghiệm khiến các hãng phim rơi vào vòng luẩn quẩn tồi tệ nhất: mất chất lượng, phải sửa đổi, chậm tiến độ và trễ hạn.
Hiệp hội dự định sẽ giới thiệu một “bài kiểm tra chứng chỉ kỹ năng làm phim hoạt hình” hướng tới đối tượng tìm việc muốn học những kiến thức cơ bản. Chương trình cũng sẽ tạo cơ hội được học tập lần nữa cho những animator chuyên nghiệp.
Xem thêm: Hiện thực tàn khốc của ngành công nghiệp anime Nhật Bản
kilala.vn