Sau đám cưới gây tranh cãi của cựu Công chúa Mako, Thái tử Fumihito đã có những chia sẻ thẳng thắn với cánh báo chí về cô con gái lớn và cuộc hôn nhân của cô.
Tại một cuộc họp báo với bộ phận báo chí của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản vào ngày 25/11, trước sinh nhật lần thứ 56 của mình (30/11), Thái tử Fumihito đã lên tiếng rằng ông chính là người đưa ra quyết định bãi bỏ các nghi lễ truyền thống trong đám cưới của cựu Công chúa Mako với chồng Kei Komuro.
Vì sao nghi lễ truyền thống trong đám cưới bị bãi bỏ?
Sau những tranh cãi liên quan đến vấn đề tài chính kéo dài suốt 4 năm kể từ 2017 giữa mẹ của Kei Komuro với hôn phu, vào ngày 26/10 vừa qua, đám cưới giữa cựu Công chúa Mako và bạn trai thường dân Kei Komuro đã diễn ra. Tuy nhiên, các lễ nghi truyền thống liên quan đến hôn lễ hoàng gia như “Nosai no Gi” đã không được tổ chức. Ngoài việc mất đi tước hiệu hoàng gia như quy tắc hiện hành, cựu Công chúa Mako cũng đã từ chối nhận khoản tiền hồi môn 152,5 triệu yên (khoảng 31 tỷ đồng).
Sau nhiều đồn đoán cho rằng cựu Công chúa Mako là người đưa ra yêu cầu không tổ chức đám cưới theo quy tắc hoàng gia, tại buổi phỏng vấn vào ngày 25/11, Thái tử Fumihito xóa tan nghi vấn khi khẳng định ông mới chính là người đã đưa ra quyết định này. Lý do là bởi dư luận bất bình trước tranh chấp tài chính của gia đình Kei Komuro, cũng như vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nó chỉ kết thúc êm thấm khi Komuro trao 4 triệu yên cho hôn phu cũ của mẹ ngay sau đám cưới với cựu Công chúa. Thái tử Fumihito cũng gửi lời xin lỗi đến những người có thể vì điều này mà bị ảnh hưởng, bởi việc thiếu đi các lễ nghi trong đám cưới của Mako khiến nhiều người có thể cảm thấy sự kiện mất đi tính trang trọng.
Khi được hỏi về báo cáo mà Komuro đã trình vào tháng 4 để giải thích nguyên nhân phía sau tranh chấp tài chính, Fumihito cho biết ông cảm thấy nó chưa đủ thuyết phục để gác lại những vấn đề trong quá khứ, ông cảm thấy sẽ tốt hơn nếu Komuro có những phản hồi trực tiếp đối với các câu hỏi về tranh chấp tài chính tại cuộc họp báo mà anh và cựu Công chúa Mako tham dự, diễn ra vào ngày hôn lễ được tổ chức (26/10).
Xem thêm: Mako: Nàng công chúa cao quý từ bỏ tất cả vì tình yêu
Sự thật phía sau tin tức từ báo giới
Cũng trong buổi họp báo, Thái tử Fumihito khẳng định những điều báo chí viết về Mako và cuộc hôn nhân của cô là không đúng sự thật. Trước đó, Fumihito chưa bao giờ lên tiếng đính chính, phản đối bất kỳ bài báo hoặc bình luận nào về chính ông hay gia đình, bởi “việc chỉ ra đâu là bài báo đúng sự thật, đâu là bài báo sai sự thật đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều công sức”. Ông nói thêm, nếu chỉ ra sự khác biệt trong một bài viết nào đó, thì những bài viết khác không đề cập đến điểm này sẽ được cho là chính xác.
Trước những bất mãn của công chúng về cuộc hôn nhân, cựu Công chúa Mako và chồng thường xuyên hứng chịu nhiều bình luận mang tính chất tiêu cực, xúc phạm trên mạng xã hội. Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo vào tháng 10 rằng cựu Công chúa đã mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Do vậy, Thái tử Fumihito cho biết trong tương lai, Hoàng gia sẽ đưa ra các phản hồi chống lại những bài viết sai sự thật về gia đình Hoàng gia. Ông nhấn mạnh: “Dù là trên tạp chí hay Internet, những từ gây tổn thương sâu sắc cho bất kỳ ai đều không thể được chấp nhận”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ rõ những lo ngại rằng các cuộc tấn công trên mạng xã hội tương tự có thể xảy ra trong tương lai chống lại con gái thứ hai, Công chúa Kako và con trai út, Hoàng tử Hisahito.
Tại buổi họp báo vào ngày 26/10, cựu Công chúa Mako và hôn phu Komuro chỉ phát biểu vài lời mở đầu, gửi lại phần trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi đã được báo giới gửi trước đó và không hề nhận thêm bất kỳ câu hỏi nào từ phóng viên. Trước những áp đặt của giới truyền thông cho rằng Mako đã chọn cuộc sống riêng tư thay vì tước vị Công chúa, Thái tử đã lên tiếng bảo vệ con gái và nói rằng Mako luôn ưu tiên tước vị Công chúa.
Hideya Kawanishi, Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Nagoya cho biết lý do ông Fumihito đã bày tỏ việc cần những chuẩn mực để đáp lại các bài viết của giới truyền thông là vì đã có những thay đổi trong cách truyền thông ứng xử với gia đình Hoàng gia từ khi có sự xuất hiện của Internet. Kể từ thời Heisei (1989 – 2019), các thành viên của Hoàng gia được đối xử giống như những người nổi tiếng, trở thành chủ đề để bàn tán hoặc đối tượng bị công chúng chỉ trích. Ông Kawanishi cũng bày tỏ rằng Cơ quan Nội chính Hoàng gia nên đẩy mạnh việc truyền tải thông tin về các thành viên của gia đình Hoàng gia, không chỉ việc chống lại các chỉ trích, mà còn giúp công chúng có thể hiểu hơn về gia đình Hoàng gia.
kilala.vn