Tái hiện diện mạo người phụ nữ Nhật cổ đại bằng đồ họa

Bài: Rin
Dec 6, 2022

Nguồn: Mainichi

Nhiều viện nghiên cứu tại Nhật đã nỗ lực để tái hiện ngoại hình của một người phụ nữ cổ đại sống cách đây 1.600 năm bằng đồ họa máy tính và công nghệ DNA.

Vào ngày 04/11 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã công bố hình ảnh và video về người phụ nữ cổ đại tên là Himiko đến từ vùng Okitama xưa (nay thuộc tỉnh Yamagata). Qua đó, có thể thấy khi còn sống, bà sở hữu đôi mắt sụp mí, mũi thấp và mái tóc đen thẳng. Với những đặc điểm này, bà được xem là tổ tiên trực tiếp của người Nhật hiện đại.

Còn làn da và kiểu tóc được mô phỏng dựa trên dữ liệu di truyền thu thập từ hài cốt của bà, được tìm thấy vào năm 1982 tại khu gò mộ Totsukayama, quận Asagawa, thành phố Yonezawa, tỉnh Yamagata.

diện mạo của phụ nữ Nhật cổ đại
Diện mạo của người phụ nữ Nhật cổ đại. Ảnh: Asahi

Tổng cộng bảy viện nghiên cứu, bao gồm Đại học Tohoku đã hợp tác với Hội đồng giáo dục của thành phố Yonezawa để tái hiện toàn bộ cơ thể của người phụ nữ cổ đại thông qua nhiều phương pháp như phân tích DNA và tái cấu trúc gương mặt bằng khoa học pháp y.

Có khoảng 200 ngôi mộ nằm dưới chân núi Totsukayama ở Yonezawa, thuộc một phần của lãnh thổ Okitama xưa. Bộ xương của Himiko được phát hiện trong một quan tài bằng đá kiểu hộp tại ngôi mộ Totsukayama số 137, được xây dựng từ nửa sau thế kỷ 5. Bà được chôn cất cùng một chiếc lược răng dài và con dao nhỏ.

Theo nghiên cứu của Đại học Y Dokkyo, bà Himiko có chiều cao từ 143-145cm và qua đời khi ở tuổi 40. Dự án tái hiện người phụ nữ cổ đại này được bắt đầu sau khi Đại học Tohoku Gakuin tiến hành khai quật khu gò mộ Haizukayama tại thành phố Kitakata, tỉnh Fukushima trong năm tài chính 2017. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của một người đàn ông tầm 50 tuổi hoặc hơn được chôn cất ở đây.

Yuka Hatano
Bà Yuka Hatano cùng những nhà nghiên cứu khác đang giải thích quá trình tái hiện lại khuôn mặt của người phụ nữ cổ đại. Ảnh: Asahi

DNA nhân (Nuclear DNA) được lấy mẫu từ răng của bà Himiko để so sánh với hài cốt người đàn ông. Kết quả cho thấy 96-97% thông tin di truyền của bà Himiko được lưu giữ tốt.

Hideto Tsuji, Giáo sư ngành khảo cổ học Nhật Bản tại Đại học Tohoku Gakuin, trưởng dự án cho biết: “Chúng tôi đã thu thập được gần như toàn bộ DNA nhân hay bản đồ di truyền của loài người. Những thông tin di truyền phong phú như vậy hiếm khi còn sót lại trong hài cốt của người cổ xưa".

Trong năm tài chính 2021, Yuka Hatano, Trợ lý Giáo sư tại Khoa Pháp y của trường cao học Nha khoa thuộc Đại học Tohoku và Toshihiko Suzuki, Phó Giáo sư Pháp y của trường đã bắt đầu tái kiểm tra hài cốt của người phụ nữ và dựng lại các đặc điểm trên khuôn mặt của bà. Còn Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học quốc gia tại Tokyo đảm nhận nhiệm vụ phân tích DNA nhân. Phần não bên phải của Himiko không còn, còn xương mũi cũng chưa tìm thấy.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ có thể tái hiện cách bà nghiến răng như thế nào, từ đó giúp hiểu rõ thói quen ăn uống và sinh hoạt của bà. Hatano chia sẻ: “Răng của Himiko được phát hiện bị mòn với các dấu hiệu rõ ràng của chứng rối loạn khớp thái dương hàm. Nó dường như là kết quả do cách nhai và các thói quen khác của Himiko, đồng thời, hàm của bà cũng bị lệch sang trái một ít”.

hài cốt của Himiko
Hài cốt của người phụ nữ và khuôn mặt được phục dựng. Ảnh: Asahi

Đôi mắt sụp mí của Himiko được tái hiện dựa trên độ dày của da. Phân tích từ Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học quốc gia cho thấy tóc của bà thẳng và đen, còn làn da có màu nâu hoặc nâu đen, đôi mắt có màu pha trộn giữa đen và nâu.

Bà Himiko được cho là hậu duệ của nhóm người đã di cư từ Trung Quốc đến Nhật vào thời kỳ Văn hóa đồ gốm (1.000 TCN – 250 SCN). Tuy vậy, những đặc điểm điển hình của loài người xuất hiện trong thời kỳ đồ gốm Jomon (14.500 TCN – 1.000 TCN) cũng đã được tìm thấy trong hài cốt của Himiko.

Hatano phân tích: “Người Jomon được cho là sở hữu gương mặt góc cạnh hơn với chiếc mũi cao, còn mũi của bà lại thấp. Đôi mắt tương đối to và mắt một mí cũng đã được thêm vào tạo hình của Himiko”.

Giáo sư Tsuji của Đại học Tohoku Gakuin cho biết vẫn có khả năng Himiko và người đàn ông kia có thể quen biết nhau: “Nhờ công nghệ xác định niên đại bằng carbon phóng xạ C14, nghiên cứu từ hài cốt của người đàn ông ở khu mộ Haizukayama và di cốt của bà Himiko tại khu mộ Totsukayama tiết lộ cả hai sinh sống cùng một thời. Himiko giống chúng ta, cho thấy bà chính là tổ tiên trực tiếp của người Nhật hiện đại. Kết quả nghiên cứu này vô cùng quan trọng và chúng tôi muốn chia sẻ nó với người dân thông qua hình ảnh theo một cách dễ hiểu".

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU