Số lượng người học tiến sĩ ở Nhật giảm

Nguồn: NHK News, Hachima KikoOct 11, 2020

Theo thống kê, số lượng người học lên Tiến sĩ tại Nhật Bản đã giảm một nửa kể từ khi đạt đỉnh vào 17 năm trước (năm 2003). Đây được xem là một điều đáng lo ngại đối với các ngành khoa học của Nhật Bản vì những sinh viên tốt nghiệp đại học được xem là mạch máu của nghiên cứu và phát triển khoa học Nhật Bản.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, số lượng sinh viên tốt nghiệp Tiến sĩ là 11.637 vào năm 2003. Nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2020 chỉ còn 5.963, giảm gần một nửa so với 17 năm trước. Nhiều người cho rằng việc số lượng người tốt nghiệp tiến sĩ giảm là do tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm liên tục trong suốt những năm qua. Nhưng trên thực tế, số liệu thống kê lại cho thấy: tỉ lệ người tốt nghiệp tiến sĩ trên một triệu người cũng giảm, năm 2017 là 119 trong khi năm 2008 là 131. Trong khi ở quốc gia phát triển khác như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, tỷ lệ này đều tăng qua mỗi năm.

nghiên cứu sinh tiến sĩ
Số lượng Thạc sĩ học lên Tiến sĩ tại Nhật giảm. (Ảnh: Asahi)

Các chuyên gia trong ngành khoa học và học thuật cho rằng, nguyên nhân khiến số lượng người học và tốt nghiệp tiến sĩ giảm là do tại Nhật Bản, chi phí để có được học vị này lớn hơn lợi ích thu được khi có học vị. Ông Akira Yoshino - người từng đoạt giải Nobel hóa học - chỉ ra rằng: "Những người học tiến sĩ lo ngại về triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp. Mặc dù có được tấm bằng tiến sĩ có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm việc làm ở hầu hết các quốc gia, nhưng tại Nhật thì không."

người đoạt giải nobel
Ông Akira Yoshino - người từng đoạt giải Nobel hóa học. (Ảnh: AsiaNews)

Ông Hirotaka Sakaue, Phó giáo sư ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Notre Dame, đồng ý rằng việc có bằng tiến sĩ gần như không được đánh giá cao trong mắt các công ty Nhật Bản. Ông Sakaue đã đạt được bằng Tiến sĩ tại Đại học Purdue, Mỹ, nhưng khi ông tìm việc ở Nhật Bản, tất cả các công việc đó đều được trả lương dựa trên tuổi tác thay vì thành tích. Thậm chí những kinh nghiệm ông có được thông qua quá trình học Tiến sĩ thậm chí còn không được xem xét. Ông nói: “Ở Mỹ, một khi bạn có bằng tiến sĩ, mức lương hàng năm của bạn sẽ thay đổi rất nhiều. Trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí hàng không vũ trụ của tôi, có bằng tiến sĩ sẽ chẳng tác động mấy đến mức lương tại Nhật. Vậy nên không có bất kỳ sự hấp dẫn nào về việc lấy học vị tiến sĩ cả.”

Nhiều chương trình học tiến sĩ về khoa học của Mỹ sẽ cung cấp một khoản trợ cấp cho nghiên cứu sinh, nhưng ở Nhật, đa số các nghiên cứu sinh phải vừa làm vừa học trong ba năm, nên có thể không nhiều thạc sĩ cảm thấy nên học tiếp để lấy bằng tiến sĩ. Ông Sakaue tin rằng nếu có chế độ hỗ trợ tạo điều kiện cho sinh viên học lên cao hơn sau đại học thì số lượng thạc sĩ học lên tiến sĩ có thể sẽ tăng trở lại.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU