Sách giáo khoa tiểu học Nhật đề cao bình đẳng và đa dạng giới

Bài: Happy
Mar 31, 2023

Nguồn: The Mainichi

Nam sinh cắm hoa, nữ sinh chơi bóng chày là một số ví dụ trong sách giáo khoa tiểu học sẽ được sử dụng ở Nhật Bản từ năm học 2024 trở đi, thể hiện xu hướng ngày càng tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng giới.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản ngày 28/3 đã công bố kết quả kiểm tra sách giáo khoa sẽ sử dụng ở các trường tiểu học từ năm học 2024. Trong sách, các mô tả với nhận thức về đa dạng tính dục, giới và sự chung sống trong xã hội là những điểm đáng chú ý.

sách giáo khoa tiểu học nhật bản
SGK tiểu học Nhật Bản với những mô tả về bình đẳng giới và sự chung sống trong xã hội. Ảnh: The Mainichi

NXB Bunkyosya đã đưa hình ảnh minh họa về một cậu bé cắm hoa, một cô bé chơi bóng chày cùng một nữ tài xế xe tải vào sách giáo khoa giáo dục thể chất và sức khỏe của lớp ba và lớp bốn, cùng với đoạn văn: "Sống cuộc sống của chính mình là rất quan trọng, bất kể bạn là nam hay nữ."

Sách cũng cung cấp một danh sách các tên được sắp xếp không phân biệt giới tính và ba lô học sinh có nhiều màu sắc khác nhau, không giới hạn ở màu đỏ cho bé gái và màu đen cho bé trai.

Sách giáo khoa giáo dục đạo đức dành cho học sinh lớp 4 do công ty Kyoiku-Shuppan xuất bản có một phần về sự áp đặt nam tính và nữ tính. NXB Kobunshoin đã mời chuyên gia giáo dục giới tính chỉnh sửa sách. Đơn vị này cũng giới thiệu "đồng phục học sinh phi giới tính", trong đó cả nam và nữ có thể tự do chọn váy và quần, như một nỗ lực nhằm xóa bỏ định kiến giới và tôn trọng "cá tính" trong giáo dục đạo đức cho học sinh lớp sáu.

Trong khi đó, NXB Kairyudo lần đầu tiên sử dụng hình ảnh một cậu bé ngồi trên xe lăn và một cô gái gốc ngoại quốc làm nhân vật chính trong sách kỹ năng nội trợ lớp năm và lớp sáu. 

sgk tiểu học nhật bản
SGK sử dụng hình ảnh trẻ em khiếm khuyết và trẻ em ngoại quốc làm nhân vật chính. Ảnh: The Mainichi 

Đại diện Kairyudo cho biết, NXB muốn học sinh mở rộng tầm nhìn rằng xã hội có đa đạng cá thể và điều đó là bình thường. Ngoài các nhân vật chính, Kairyudo cố gắng đại diện cho một xã hội mà mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc hoặc sự khiếm khuyết, tất cả cùng tồn tại trong hình minh họa của sách giáo khoa.

Nhiều nhà xuất bản khác cũng đã đưa vào các hình minh họa mới với trẻ em khiếm khuyết và những người nước ngoài. Một nhà xuất bản đã phát biểu: "Thời đại đang chuyển sang xu hướng tôn trọng sự đa dạng. Sách giáo khoa sẽ tiếp tục phản ánh thời đại."

Xem thêm:Manga thể hiện góc nhìn của các bé gái trên thế giới về sự phân biệt

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU