Rái cá biển có thể biến mất khỏi thủy cung Nhật Bản

Bài: Rin
Feb 27, 2023

Nguồn: Kyodo

Loài rái cá biển thông minh với khả năng dùng đá đập vỡ vỏ trai - một trong những điều hấp dẫn du khách đến với các thủy cung ở Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Hiện nay chỉ còn lại ba cá thể rái cá biển được nuôi nhốt ở thủy cung tại xứ sở hoa anh đào, nhưng chúng lại quá lớn tuổi để sinh sản. Trong khi đó, việc nhập khẩu rái cá biển từ Hoa Kỳ - môi trường sống chính của chúng đã bị ngừng lại do những quy định nghiêm ngặt, đẩy các thủy cung ở Nhật vào thế khó.

Ở thời kỳ huy hoàng vào năm 1994, có khoảng 122 cá thể rái cá biển sinh sống ở 28 thủy cung trên khắp Nhật Bản. Nhưng hiện tại, chỉ còn hai cá thể cái và một cá thể đực ở hai cơ sở thủy cung. 

kira và may
Kira (bên trái) và May (bên phải) tại thủy cung Toba. Ảnh: Kyodo 

Hai chú rái cá biển cái đang cư ngụ ở thủy cung Toba, thành phố Toba, tỉnh Mie. Thủy cung Toba bắt đầu nhân giống rái cá biển vào năm 1983 và từng nuôi lớn được 6 chú rái cá biển, thế nhưng nay chỉ còn May (18 tuổi) và Kira (14 tuổi). Nếu xét tuổi thọ trung bình khi được nuôi nhốt của rái cá là tầm 20 năm, thì hai chú chẳng còn sống được bao lâu nữa. 

Chú rái cá biển đực còn lại là Riro được nuôi ở thủy cung Marine World Uminonakamichi, thành phố Fukuoka. Riro là anh của Kira và đã được 15 năm tuổi. 

Ngắm nhìn những chú rái cá ở thủy cung Toba, chị Megumi Iha, 29 tuổi, làm việc tại Yokohama chia sẻ: “Rái cá  biển trông rất đáng yêu, tôi cảm thấy thật thư giãn khi được ngắm nhìn chúng”. Còn Nao Matsuda, một bà nội trợ ở 46 tuổi tại tỉnh Mie cũng cho biết: “Tôi cảm thấy thật tiếc cho trẻ em nếu không còn rái cá biển ở các thủy cung”. 

Theo Hiệp hội Sở thú và Thủy cung Nhật Bản, cơ sở đầu tiên nhân giống rái cá biển tại Nhật là Izu Mito Sea Paradise ở Numazu, tỉnh Shizuoka, họ đã tiến hành hoạt động nhân giống vào năm 1982. Sau đó, rái cá biển trở thành “ngôi sao” lớn thu hút đông đảo du khách ghé thăm nên các thủy cung khác tại xứ sở hoa anh đào đã quyết định nuôi và chăm sóc chúng chu đáo. 

rái cá biển kira
Rái cá biển Kira đáng yêu bên cạnh người chăm sóc. Ảnh: Kyodo 

Hiệp hội cũng cho biết thêm, số lượng rái cá nuôi nhốt tại Nhật bị giảm xuống là do những khó khăn trong việc nhân giống và chăm sóc. Vào năm 2021, hy vọng nhân giống loài này tại Nhật đã tan thành mây khói khi rái cá cái trong cặp giao phối đã qua đời. 

Đồng thời, nạn săn bắt lấy lông và thảm họa tàu chở dầu Exxon Valdez của Mỹ làm đổ hơn 35.400 tấn dầu ra vùng biển ngoài khơi Alaska vào năm 1989 cũng góp phần làm giảm số lượng rái cá biển hoang dã. 

Kể từ năm 2000, Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) đã liệt rái cá biển vào loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trong Sách đỏ. Tại Nhật Bản, việc săn bắt rái cá biển đã bị cấm và đợt nhập khẩu chúng lần cuối cùng cũng đã dừng lại vào năm 2003. 

Ông Yoshihiro Ishihara, 61 tuổi, chịu trách nhiệm nhân giống rái cá biển tại thủy cung Toba cho biết, chưa rõ lý do vì sao loài này lại gặp khó khăn trong nhân giống, nhưng có thể là khả năng sinh sản của con đực đã bị giảm sút. 

asuka
Rái cá biển Asuka đã qua đời ở tuổi 23. Ảnh: kobe-sumasui.jp

Ông Ishihara giải thích thêm, vì rái cá đực thường tấn công hoặc thậm chí giao phối với chính con của mình nên chúng được nuôi trong bể riêng tách biệt với các con khác, có lẽ điều này đã dẫn tới kết quả làm bản năng của chúng bị suy yếu. 

Rái cá biển nuôi nhốt tại thủy cung Nhật Bản qua đời gần đây nhất là Asuka. Chú sống ở công viên Suma Aqualife Kobe, tỉnh Hyogo và mất ở tuổi 23. 

Momoyo Muramoto, 40 tuổi, từng làm công việc chăm sóc rái cá biển cho biết: “Một yếu tố góp phần vào tuổi thọ của Asuka chính là cho rái cá ăn đa dạng các loại thức ăn”. 

Giữa những tin tức ảm đạm về loài rái cá biển ở Nhật, may mắn thay, đã quan sát được sự xuất hiện trở lại của rái cá hoang dã ở bờ biển Hokkaido. 

Ông Ishihara nhắn nhủ: “Tôi mong mọi người dừng vứt rác xuống biển, mà thay vào đó, hãy bảo vệ môi trường để rái cá biển có thể sống bình yên”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU