Quyết định xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp phản ứng mạnh mẽ
Bài: Ciro
Aug 23, 2023
Nguồn: Mainichi
Ngư dân và những người dân địa phương khác ở khu vực đông bắc Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối trước quyết định của chính phủ Nhật Bản về việc bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vào cuối tuần này.
Một người lao động trong ngành ngư nghiệp ở tỉnh ven biển Fukushima cho biết quyết định bắt đầu xả nước vào thứ Năm là một "cuộc tấn công bất ngờ" vì được đưa ra mà không thông báo trước cho liên đoàn nghề cá quốc gia. Tại Tokyo cũng vậy, các nhà hoạt động đã ra đường phản đối động thái này.
Takashi Nakajima (67 tuổi), người điều hành một siêu thị ở Soma chuyên bán hải sản địa phương, bày tỏ sự tức giận, nói: “Việc này như một kế hoạch xả nước trước khi sự phản đối của công chúng bùng lên”.
Thông báo về việc xả nước được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Fumio Kishida gặp gỡ người đứng đầu Liên đoàn Hợp tác xã Nghề cá quốc gia Nhật Bản trong nỗ lực tìm hiểu về các kế hoạch. Quyết định được đưa ra bất chấp những lo ngại rằng vùng Tohoku phía đông bắc Nhật Bản sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Nakajima cho biết ông không bao giờ có thể quên cách khách hàng thẳng thừng từ chối bạch tuộc được đánh bắt vào năm 2012, khi hoạt động khai thác được tái khởi động sau sự cố hạt nhân gây ra bởi trận động đất và sóng thần tàn khốc vào ngày 11/03/2011.
“Sản phẩm đánh bắt từ khu vực này sẽ không bán được, nó sẽ lặp lại tình trạng như trước đây”, ông nói.
Ông Masanobu Sakamoto, người đứng đầu Liên đoàn Hợp tác xã Nghề cá quốc gia Nhật Bản cho biết sự phản đối của tổ chức cũng không làm thay đổi kế hoạch xả nước thải ra biển.
Để giải quyết những lo ngại của cộng đồng ngư dân, chính phủ đã thành lập hai quỹ riêng trị giá 30 tỷ yên và 50 tỷ yên để ứng phó với mọi tin đồn có hại và hỗ trợ ngư dân địa phương duy trì hoạt động kinh doanh của họ.
Trước quyết định của chính phủ, các nhà hoạt động chống hạt nhân đã tập trung bên ngoài văn phòng thủ tướng ở Tokyo để phản đối. Họ kêu gọi chính phủ “lắng nghe tiếng nói của ngư dân” và không xả “nước ô nhiễm ra biển”.
"Chúng tôi không biết việc xả nước sẽ kéo dài bao lâu và nó sẽ để lại món nợ cho các thế hệ tương lai", Masashi Tani, người đứng đầu tổ chức chống bom A và H của Nhật Bản phát biểu trước những người biểu tình.
Miwako Kitamura, một cư dân 55 tuổi của tỉnh Chiba, người đã tham gia cuộc biểu tình, bày tỏ: "Thật không thể chấp nhận được rằng quyết định này đã bị ép buộc thông qua ngay cả khi có sự phản đối của nhiều người dân và ngành đánh bắt cá ở Tohoku".
kilala.vn