Việc đưa vào thử nghiệm robot hỗ trợ y tá di chuyển các giường bệnh được kỳ vọng giúp giảm tải gánh nặng công việc cho nhân viên y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan nhanh.
Thông thường, giường bệnh của bệnh nhân được di chuyển bởi hai người. Nhưng điều này tạo áp lực lên lên lưng và các bộ phận cơ thể khác của nhân viên bệnh viện. Thậm chí, đây còn là một trong những nguyên do khiến một số y tá ở bệnh viện nghỉ việc.
Hiểu được vấn đề trên, ngày 21/03 vừa qua, một robot hỗ trợ di chuyển giường bệnh đã được đưa vào thử nghiệm tại bệnh viện Yahata, nằm ở quận Yahatahigashi, thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka.
Đây là sáng kiến được phát triển bởi công ty Reif Co., đặt trụ sở tại quận Kokurakita, chuyên phát triển và sản xuất các thiết bị y tế. Với sự hợp tác của bệnh viện, công ty đang hướng tới mục tiêu nhanh chóng đưa robot vào sử dụng thực tế.
Robot phiên bản mẫu cao 95cm, chiều rộng 45cm, chiều dài 42cm và nặng 50kg. Với cơ chế vận hành dựa trên pin và động cơ tích hợp, robot giúp nâng khung giường nhằm hỗ trợ cho y tá trong lúc di chuyển giường bệnh.
Một chiếc giường bệnh với một bệnh nhân và các thiết bị y tế đi kèm có thể nặng tới 300kg. Theo công ty Reif, robot mới này sẽ giúp giảm đi khoảng 90% lực cần thiết để di chuyển giường. Điều này có nghĩa là với robot, chỉ cần một người để di chuyển được một giường bệnh.
Trong cuộc thử nghiệm vào ngày 21/03, được tài trợ bởi chính quyền thành phố Kitakyushu, năm y tá đã tham gia di chuyển một giường bệnh khoảng 60m, trong tình huống một bệnh nhân cần phải được chuyển đi để kiểm tra sức khỏe. Nhịp tim của y tá và thời gian di chuyển giường đã được ghi lại nhằm kiểm tra sức nặng dồn lên cơ thể của họ như thế nào.
Koji Okamoto, Phó giám đốc bệnh viện Yahata chia sẻ: “Các thiết bị y tế như robot này cho phép bác sĩ và y tá tập trung vào việc chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi mong muốn các bên hợp tác cùng nhau cải thiện khía cạnh an toàn của robot bởi vì nó cũng rất quan trọng”.
Masao Mori, Chủ tịch của công ty Reif nhận xét: “Đại dịch COVID-19 thúc đẩy mối quan tâm đến việc ứng dụng các thiết bị y tế mới. Chúng tôi hướng tới mục tiêu thương mại hóa thiết bị robot sớm nhất vào năm 2023 hoặc trễ hơn”.
Đây không phải là lần đầu Nhật Bản ứng dụng robot vào lĩnh vực y tế, trước đó, đã có “điều dưỡng” robot chăm sóc ca đêm tại viện dưỡng lão Nhật hay các robot chăm sóc sức khỏe.
kilala.vn