Nhật phát triển khẩu trang phát sáng khi nhiễm COVID-19
Bài: Rin
Dec 10, 2021
Nguồn: mainichi.jp
Khẩu trang giúp phát hiện nhiễm virus COVID-19 dự kiến sẽ được bán ra thị trường vào năm 2022, sau khi có được sự chấp thuận của Chính phủ Nhật Bản.
Loại khẩu trang này được nghiên cứu bởi một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Kyoto Prefectural University (gọi tắt: Fudai) với trưởng nhóm là ông Yasuhiro Tsukamoto, 52 tuổi. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng khẩu trang sẽ giúp việc xác định nhiễm virus COVID-19 trở nên đơn giản hơn trong bối cảnh đại dịch tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Khẩu trang đặc biệt này hoạt động theo cơ chế sẽ phát sáng khi tiếp xúc với tia cực tím nếu trên bề mặt khẩu trang có chứa bất kỳ dấu vết nào của virus COVID-19. Để tạo nên phát minh mới này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kháng thể chiết xuất từ trứng đà điểu. Theo các nhà khoa học tại Đại học Fudai, đà điểu có khả năng tạo ra một số loại kháng thể hoặc protein khác nhau để vô hiệu hóa các thực thể lạ trong cơ thể.
Được biết, nhóm các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu vào tháng 02/2020. Họ tiến hành tiêm virus COVID-19 ở dạng bất hoạt không gây nguy hiểm vào cơ thể của đà điểu cái. Sau đó, họ tiến hành chiết xuất thành công một lượng lớn kháng thể từ những quả trứng được đà điểu cái sinh ra. Tiếp tục, nhóm nghiên cứu phát triển một bộ lọc đặc biệt và đặt vào bên trong khẩu trang. Bộ lọc này có thể được lấy ra và phun thuốc nhuộm huỳnh quang có chứa kháng thể virus COVID-19 từ trứng đà điểu. Theo đó, nếu có virus COVID-19, bộ lọc sẽ phát sáng khi được chiếu dưới tia cực tím.
Trong 10 ngày liên tiếp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm khẩu trang với 32 người đã bị nhiễm COVID-19 và thu được kết quả khả quan khi tất cả khẩu trang mà họ đeo đã phát sáng dưới tia cực tím. Điều đặc biệt là ánh sáng mà loại khẩu trang phát ra sẽ mờ dần theo thời gian và khi lượng virus COVID-19 giảm. Sắp tới, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu sẽ mở rộng thử nghiệm với 150 người tham gia.
Hiệu quả của khẩu trang cũng một lần nữa được chứng thực khi hiệu trưởng của Đại học Fudai đã phát hiện ra ông bị nhiễm virus COVID-19 sau khi đeo một trong những chiếc khẩu trang thí nghiệm. Sau đó, ông đã làm xét nghiệm PCR và có kết quả dương tính với virus COVID-19.
Trưởng nhóm nghiên cứu Yasuhiro Tsukamoto chia sẻ: “Chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt kháng thể từ đà điểu với chi phí thấp. Trong tương lai, tôi muốn biến nó nó thành dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đơn giản mà ai cũng có thể sử dụng”. Nhóm nghiên cứu cũng đang đặt mục tiêu cố gắng đạt được sự chấp thuận của Chính phủ để bán loại khẩu trang này ra thị trường trong năm 2022.
kilala.vn