Nhật nghiên cứu gạo biến đổi gen làm vaccine ngừa bệnh tả

Bài: Rin
Dec 1, 2021

Nguồn: asahi
Ảnh bìa: newatlas.com

Gạo được xay nhuyễn thành bột mịn rồi cho vào cốc nước và uống một ngụm, như vậy, người sử dụng đã có thể ngay lập tức phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như bệnh tả. Đây là tiền đề cơ bản phía sau một nghiên cứu đang được các nhà khoa học Nhật Bản đến từ Đại học Tokyo thử nghiệm. 

Với mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người tại Nhật Bản là 50kg mỗi năm, gạo trở thành nguồn lương thực chính, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Nhật. Từ một loại lương thực quen thuộc hằng ngày, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo (IMSUT) đã phát triển dòng lúa gạo chứa một loại protein đặc biệt có tác dụng làm vaccine phòng chống sự khởi phát của các triệu chứng bệnh tả, bao gồm cả tiêu chảy.

gao-bien-doi-gen-1
Lúa gạo biến đổi gen được trồng để làm vaccine phòng bệnh tả. Ảnh: asahi

Bệnh tả lây lan chủ yếu do sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn tả Vibrio Cholerae, ngoài ra, hải sản chưa nấu chín cũng được xem là một nguồn gây bệnh. Hiện tại, bệnh tả gây ảnh hưởng đến 4 triệu người với 140.000 ca tử vong mỗi năm, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. 

Dù vaccine phòng bệnh tả dạng uống đã có sẵn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế để sử dụng rộng rãi như cần phải bảo quản lạnh. Do vậy, nhóm nghiên cứu IMSUT do giáo sư Hiroshi Kiyono làm trưởng nhóm đặt mục tiêu phát triển một loại gạo biến đổi gen, vốn dễ dàng bảo quản ở nhiệt độ phòng, trở thành loại vaccine thay thế. 

Loại gạo này có chứa một loại protein vốn được sử dụng trong quá trình hấp thụ độc tố từ vi khuẩn tả của đường ruột, nhưng hoàn toàn vô hại với cơ thể. Sau khi được trồng và thu hoạch, chúng được nghiền thành bột, trộn với dung dịch nước muối sinh lý. Từ đó, những thành phần quan trọng của loại gạo này được hấp thụ bởi đường ruột, tạo ra kháng thể giúp người sử dụng miễn dịch được với bệnh tả. 

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xác minh tính an toàn cùng hiệu quả của vaccine gạo trên các loài vật như chuột, lợn và khỉ. Sau đó, vào năm 2015 và 2016, nhóm tiếp tục thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trên 60 nam giới trưởng thành tại Bệnh viện IMSUT. Kết quả thu được rất khả quan khi những người dùng thử đã không xuất hiện bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Các kháng thể đã được tạo ra trong máu của 40 đến 75% đối tượng thử nghiệm. Nhóm phát hiện ra rằng nếu liều lượng vaccine gạo càng lớn thì càng nhiều kháng thể được tạo ra. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng đã được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet Microbe. 

gao-bien-doi-gen-2

Sau khi thu hoạch, loại gạo này sẽ được xay nhuyễn và hoà cùng dung dịch nước muối sinh lý để uống làm vaccine phòng bệnh tả. Ảnh: asahi

Nhóm nghiên cứu hiện đang trồng giống lúa biến đổi gen tại khu phức hợp IMST ở quận Shirokanedai, Tokyo. Họ cũng lên kế hoạch làm việc với Đại học Chiba cùng các đơn vị khác để nhân rộng mô hình trồng loại gạo biến đổi gen này. Trưởng nhóm Kiyono cho biết các thử nghiệm trên động vật đã thành công khi sử dụng gạo được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 3 năm. Ông cũng nói thêm, loại vaccine gạo dạng uống này cũng có tiềm năng để phát triển thành loại vaccine phòng coronavirus. 

Hiện tại, nhóm đang hy vọng có thể hợp tác với doanh nghiệp để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng bổ sung trên quy mô lớn hơn nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine chính xác nhất, hướng tới mục tiêu cuối cùng là đưa vào sử dụng trong tương lai. Ông Kiyono bày tỏ: “Gạo không cần dùng đến kim tiêm hay tủ lạnh, do vậy, nó có thể trở thành một loại vaccine tối ưu. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa loại vaccine này vào sử dụng càng sớm càng tốt”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU