Vào ngày 06/06, Nhật Bản công bố phát hiện hơn 20 loại axit amin trong các mẫu vật do tàu thăm dò không gian Hayabusa2 mang về từ một tiểu hành tinh. Đây cũng là lần đầu tiên các hợp chất hữu cơ xuất hiện ở các tiểu hành tinh ở ngoài không gian.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, axit amin là thành phần cấu tạo nên protein cần thiết cho mọi sự sống trên Trái Đất nên phát hiện này có thể nắm giữ bằng chứng quan trọng để hiểu về nguồn gốc của sự sống.
Vào tháng 12/2020, sau 6 năm thực hiện nhiệm vụ thám hiểm không gian, tàu vũ trụ Hayabusa2 đã mang về một khoang chứa hơn 5,4 gram vật chất thu thập được ở tiểu hành tinh Ryugu (nằm cách Trái Đất hơn 300 triệu km).
Chuyến thăm dò tiểu hành tinh Ryugu nhằm mục đích làm sáng tỏ những bí ẩn về nguồn gốc của sự sống và hệ mặt trời. Các phân tích trước đây từ mẫu vật thu được ở Ryugu cho thấy có sự hiện diện của nước và các chất hữu cơ.
Được biết, nghiên cứu chính thức về mẫu vật của Ryugu được bắt đầu từ năm 2021 bởi Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và các viện nghiên cứu trên toàn nước Nhật, bao gồm Đại học Tokyo và Đại học Hiroshima.
Mặc dù không ai biết bằng cách nào mà axit amin xuất hiện ở Trái Đất thời cổ đại, nhưng có một giả thuyết cho rằng chúng được đưa đến nhờ các thiên thạch, bởi đã phát hiện được axit amin trong một thiên thạch tìm thấy ở Trái Đất. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chúng có sẵn trên mặt đất.
Khi thiên thạch rơi xuống Trái Đất, chúng sẽ nổ tung khi chạm vào bầu khí quyển và nhanh chóng bị các vi sinh vật của Trái Đất xâm chiếm.
Xem thêm: Chiaki Mukai: Người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ
Tàu thăm dò không gian Hayabusa2 đã tạo nên bước đột phá khi thu thập được vật chất trên bề mặt của Ryugu mà không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời hoặc bức xạ vũ trụ, không tiếp xúc với không khí bên ngoài khi vận chuyển về Trái Đất.
Kensei Kobayashi, Giáo sư danh dự ngành Sinh vật học vũ trụ tại Đại học Quốc gia Yokohama cho biết khám phá đầu tiên về nhiều loại axit amin trên tiểu hành tinh ngoài vũ trụ có thể chính là gợi ý về sự tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất.
Ông Kobayashi cho biết: “Việc chứng minh được các axit amin tồn tại trên bề mặt tiểu hành tinh củng cố khả năng các hợp chất này được đưa đến Trái Đất từ không gian." Điều này cũng có nghĩa là các axit amin có thể được tìm thấy ở các hành tinh khác và vệ tinh tự nhiên, ám chỉ "sự sống có thể xuất hiện ở nhiều nơi trong vũ trụ hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây”.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 rời Trái Đất vào năm 2014 và đạt được vị trí đứng yên phía trên tiểu hành tinh Ryugu vào tháng 06/2018 sau khi di chuyển qua 3,2 triệu km theo quỹ đạo hình elip quanh Mặt trời trong hơn ba năm. Vào năm 2019, tàu đã tiếp đất xuống Ryugu hai lần để thu thập lớp mẫu vật đầu tiên trên tiểu hành tinh này.
kilala.vn