Nhật Bản thực hiện thành công ca phẫu thuật tim cho thai nhi
Bài: Rin
Dec 15, 2021
Nguồn: mainichi.jp
Đây là ca phẫu thuật tim cho thai nhi đầu tiên thành công tại Nhật Bản, đánh dấu một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành y khoa tại quốc gia này.
Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Nhật Bản (National Center for Child Health and Development – NCCHD) vừa thông báo một ca phẫu thuật tim thành công cho thai nhi ngay trong tử cung của người mẹ đang mang thai 25 tuần để điều trị bệnh tim bẩm sinh cho bé.
Trong số các dị tật tim bẩm sinh, hẹp van động mạch chủ là bệnh thường gặp, xảy ra ở khoảng 3 đến 4 trẻ trên 10.000 trẻ sơ sinh. Đây là căn bệnh gây ra bởi độ hẹp của van động mạch chủ, nằm giữa động mạch chủ và tâm thất trái, nơi bơm máu ra toàn bộ cơ thể, gây ra tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu. Một số trường hợp dị tật tim bẩm sinh nghiêm trọng, thai nhi có tâm thất trái phát triển không bình thường và đứa trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong ngay sau sinh vì suy tim. Trong một số trường hợp khác, tâm thất trái của thai nhi trở nên nhỏ và không thể hoạt động. Chính vì vậy, các bác sĩ hy vọng rằng việc điều trị bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi ngay ở giai đoạn còn trong bụng mẹ sẽ thúc đẩy sự hoạt động bình thường của tim, cũng như giúp tim có thể lưu thông máu qua tâm thất trái và tâm thất phải sau khi sinh.
Trung tâm NCCHD đã lên kế hoạch cho ca phẫu thuật như một nghiên cứu lâm sàng. Vào tháng 7, trung tâm đã tiến hành nong van động mạch chủ cho thai nhi ở tuần thứ 25 của thai kỳ. Sau ca phẫu thuật thành công, sự phát triển của tâm thất trái đã được kích thích. Cuối cùng, bé được sinh ra an toàn bằng phương pháp mổ. Theo trung tâm NCCHD, sức khỏe của trẻ sơ sinh và thai phụ đều rất tốt và họ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng lưu thông máu ở bé.
Theo trung tâm NCCHD, ở Mỹ và châu Âu, những quốc gia tiên phong trong việc phẫu thuật tim cho thai nhi ngay trong bụng mẹ, tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật này là từ khoảng 70% đến 90%, trong đó, khoảng 30 đến 50% ca phục hồi được chức năng của tâm thất trái, cho phép máu lưu thông trên toàn bộ cơ thể.
NCCHD đặt mục tiêu thực hiện tổng cộng 5 ca phẫu thuật như vậy cho mục tiêu nghiên cứu lâm sàng đến năm 2025. Ông Haruhiko Sago, Phó Giám đốc trung tâm NCCHD cho biết: “Việc thấy được khả năng điều trị các ca bệnh tim bẩm sinh nguy kịch trong bụng mẹ mang ý nghĩa rất to lớn. Chúng tôi muốn đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của nghiên cứu lâm sàng trong tương lai và thiết lập nên một phương pháp điều trị mang đến hy vọng cho các bậc phụ huynh đang rất lo lắng cho tình trạng của thai nhi”.
kilala.vn