Đây là ca phẫu thuật ghép phổi khác nhóm máu đầu tiên thành công trên thế giới.
Vào ngày 12/04, bệnh viện Đại học Kyoto thông báo thực hiện thành công ca ghép phổi không tương thích nhóm máu đầu tiên. Cụ thể, họ đã cấy ghép một phần phổi từ người bố mang nhóm máu B và một phần phổi của người mẹ mang nhóm O cho cô con gái 10 tuổi mang nhóm máu O.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 16/02 và hiện tại, bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục ổn định. Tính đến nay, các ca cấy ghép thận và gan từ người hiến tặng còn sống có nhóm máu không tương thích đã được thực hiện, nhưng cấy ghép phổi thì vẫn chưa có bệnh viện nào trên thế giới tiến hành.
Nguyên nhân là khả năng bị đào thải và mắc các bệnh truyền nhiễm khi ghép phối không cùng nhóm máu cao hơn so với ca cấy ghép nội tạng khác.
Theo Bệnh viện Đại học Kyoto, bệnh nhân nhỏ tuổi đang sống tại vùng Kanto và ngay từ khi còn bé đã mắc bệnh bạch cầu. Sau khi được điều trị bằng nhiều phương pháp, bao gồm cả ghép tủy, bệnh nhi mắc thêm bệnh viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (bệnh phổi tắc nghẽn không phục hồi, đặc trưng bởi viêm thượng biểu mô và hẹp xơ hóa các tiểu phế quản).
Cô bé bắt đầu sống bằng máy thở từ tháng 9/2021 và bệnh viện đã tiến hành ca cấy ghép phổi sau khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Để tiến hành được ca ghép phổi cần có hai người hiến tặng. Do vậy, bệnh nhi đã nhận một phần phổi từ cha, người khác nhóm máu với cô, và một phần từ người mẹ có cùng nhóm máu. Hai phụ huynh đều đang ở độ tuổi 40.
Để ngăn tình trạng đào thải phổi cấy ghép, bệnh nhi được bác sĩ kê thuốc uống và áp dụng một số phương pháp điều trị khác từ khoảng 3 tuần trước khi phẫu thuật. Mặc dù ngay sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có biểu hiện đào thải cấp tính, nhưng tình trạng được khắc phục ngay thông qua phương pháp điều trị bằng steroid.
Hiện tại, bệnh nhân không còn cần đến máy thở và có thể tự đi bộ. Đến ngày 11/04, cô bé được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
kilala.vn