Nhật Bản sản xuất phụ đề âm thanh dành cho người khiếm thính
Bài: Rin
May 17, 2022
Nguồn: Mainichi
Xã hội Nhật Bản luôn thể hiện sự quan tâm đến người khuyết tật khi không chỉ phát minh ra gạch xúc giác (khối Kenji) cho người khiếm thị khi tham gia giao thông, ra mắt báo chữ nổi từ 100 năm trước, họ còn sản xuất phụ đề phim "không rào cản" dành cho những người khiếm thính.
Phụ đề của các đoạn hội thoại trong phim ảnh đã quá quen thuộc với cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, đối với những người khiếm thính, có lẽ đó là chưa đủ để họ thưởng thức trọn vẹn một bộ phim. Vì thế mà có sự xuất hiện của SDH (Subtitles for the Deaf and Hard of Hearing - phụ đề dành cho người khiếm thính), nơi những đoạn phi hội thoại, bao gồm hiệu ứng âm thanh đến tông nhạc được phát trong phim, cũng được diễn giải ra để mang đến trải nghiệm xem phim mượt mà và dễ dàng hơn dành cho họ.
Phụ đề chi tiết này được cung cấp bởi Trung tâm Hỗ trợ tiếp cận phương tiện truyền thông MASC, một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản có trụ sở tại Shibuya, Tokyo. Trung tâm cũng sản xuất audio guide - thiết bị thuyết minh tai nghe điện tử dành cho người khiếm thị hoặc người có khả năng nhìn bị giới hạn.
Ông Koji Kawano, 58 tuổi, Tổng thư ký của trung tâm đã làm công việc sản xuất phụ đề này suốt 30 năm qua. Trong lúc làm việc, ông chăm chú quan sát và lắng nghe để không bỏ sót dù chỉ là một âm thanh nhỏ nhất, rồi nhanh chóng gõ ra thành chữ cả các chuyển động của nhân vật, chẳng hạn như “đang ở cửa soát vé”, hay “siêu nhanh”.
Chỉ sử dụng kịch bản phim với tính chất tham khảo, Kawano tập trung vào lắng nghe từng âm thanh trong phim và chuyển chúng thành chữ. Ông cố gắng tránh tóm tắt thoại thành những câu ngắn như phụ đề phim nước ngoài thường làm, vì biết rằng nhiều người khiếm thính sẽ muốn biết chính xác từng câu chữ.
Kawano cũng tránh miêu tả những âm thanh gây khó hiểu với người chưa từng nghe chúng. Chẳng hạn, thay vì viết là “ton – ton” (âm thanh gõ cửa trong tiếng Nhật) thì ông ghĩ rõ là “gõ cửa”.
Thêm vào đó, ông còn thay đổi những chữ được viết bằng Kanji sang chữ cái Katakana để dễ đọc hơn, và thêm cách đọc Hán tự tên của nhân vật ở lần xuất hiện đầu tiên. Chính sự tỉ mỉ này mà phụ đề của một bộ phim phải mất đến 2 tuần để hoàn thành.
Xem thêm: HANDSIGN và những ca khúc ý nghĩa dành cho người khiếm thính
Nhận xét về công việc của mình, ông Kawano nói rằng nó mang lại lợi ích cho mọi người và phá vỡ rào cản với tất cả mọi đối tượng xem phim. Ngay cả những cha mẹ đang xem phim cùng con nhỏ cũng có thể nắm bắt được những gì đang diễn ra bằng cách xem phụ đề, trong trường hợp con của họ chơi đùa, nói chuyện làm át đi âm thanh của phim.
Ngoài ra, ông Kawano cũng đặt mục tiêu giải quyết nhu cầu cho người lớn tuổi ở Nhật. Những kiểu phụ đề không rào cản do trung tâm sản xuất giàu tiềm năng để trở thành một công cụ quan trọng giúp người lớn tuổi gặp tình trạng lãng tai vẫn có thể thưởng thức bộ phim trọn vẹn.
kilala.vn