Người lao động Nhật Bản hạnh phúc khi được làm việc từ xa
Bài: Happy
Oct 31, 2022
Nguồn: Sora News
Từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, làm việc từ xa hay làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến và được dự đoán sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Thời gian làm việc kéo dài và sự mất cân bằng giữa công việc - cuộc sống là những vấn đề mà người lao động Nhật Bản đang phải đối mặt, dẫu cho thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách như sửa đổi luật để tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ thai sản nhằm chia sẻ gánh nặng với người phụ nữ...
Theo “Sách Trắng về Karoshi” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào ngày 21/10, hiện nay nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chính sách cho phép nhân viên làm việc từ xa một phần, đây cũng là hệ quả mà đại dịch COVID-19 để lại.
Để điều tra ảnh hưởng tiềm tàng của “làm việc từ xa” đối với hạnh phúc của người lao động, Bộ đã tiến hành khảo sát 10.000 người đang làm việc trên toàn quốc về tần suất làm việc từ xa và mức độ hạnh phúc của họ từ tháng 10/2021.
Trên thang điểm 10 (với 10 là mức độ hạnh phúc cao nhất), những người không làm việc từ xa đều đánh giá mức độ hạnh phúc của họ ở mức trung bình, với nam giới là 6,2 và ở nữ giới là 6,4. Con số này đối với những người trả lời rằng họ làm việc từ xa một ngày một tuần lần lượt là 6,6 (nam giới) và 6,8 (nữ giới). Cuối cùng đối với những người làm việc từ xa hai đến ba ngày một tuần, con số trung bình ở cả hai giới là 6,7.
Bộ cũng cho biết thêm, xu hướng gia tăng mức độ hạnh phúc của người lao động khi được làm việc từ xa có liên quan đến việc giảm bớt những căng thẳng trong lúc phải làm việc tại công ty, có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và việc ngủ.
Mặt khác, báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng số lượng bệnh tâm thần như trầm cảm ở người lao động có liên quan trực tiếp đến áp lực công việc đã chính thức được phân loại là thương vong hoặc chấn thương nghề nghiệp.
Số trường hợp được chẩn đoán như trên hiện nay là 629, con số cao nhất từng được ghi nhận và gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Các ngành có tỷ lệ các trường hợp cao nhất là ngành y tế và dịch vụ xã hội (22,6%), ngành sản xuất (16,9%).
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiếp tục nâng cao nhận thức để ngăn ngừa vấn đề này bằng cách ban hành các chính sách bảo vệ người lao động chống lại sự quấy rối quyền lực tại nơi làm việc và thời gian làm việc kéo dài.
Bên cạnh việc các công ty cho phép nhân viên của mình duy trì các thỏa thuận làm việc từ xa linh hoạt, một bước tiến tiếp theo khác đối với các doanh nghiệp là thực sự cho phép người lao động có những kỳ nghỉ mà họ xứng đáng được hưởng.
Xem thêm: Yahoo! Nhật Bản cho phép nhân viên làm việc từ xa ở bất kỳ đâu
kilala.vn