Được biết, nam sinh này có cha gốc là người Mỹ gốc Phi và cậu muốn tôn vinh nền văn hóa này, tuy nhiên phía nhà trường lại phản đối.
Ngày 27/02, một trường trung học công lập ở Himeji, tỉnh Hyogođ đã từ chối cho phép một học sinh chính thức tham dự lễ tốt nghiệp vì để tóc cornrow - một kiểu tóc phổ biến của người Mỹ gốc Phi. Thay vào đó, trường bắt nam sinh 18 tuổi ngồi một mình ở ban công phía sau địa điểm và yêu cầu cậu không được trả lời ngay cả khi tên của cậu được xướng lên tại buổi lễ.
Theo báo Mainichi, học sinh này có cha là người Mỹ gốc Phi và mẹ là người Nhật Bản. Nhà trường báo cáo với hội đồng giáo dục rằng học sinh đã không giải thích "nền tảng dân tộc của mình và lý do để tóc cornrow”.
Sau vụ việc, câu học sinh này đã bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng của nhà trường "Tôi đã không thể tạo ra những kỷ niệm để kết thúc ba năm ở trường với bạn bè của mình".
Cậu bé coi lễ tốt nghiệp là một dịp đặc biệt và quyết định tết mái tóc của mình theo kiểu "cornrow" để nó trông gọn gàng so với mái tóc xoăn bẩm sinh. Cậu đã nghiên cứu trên mạng và biết rằng kiểu tóc này là một truyền thống văn hóa của người da đen có nguồn gốc từ châu Phi, và cha cậu cũng xác nhận điều đó.
Tuy nhiên, nhà trường không chấp thuận kiểu tóc và cậu ấy đã về nhà giữa buổi lễ, sau đó quay lại để nhận bằng tốt nghiệp và các vật kỷ niệm khác, nhưng được đưa đến một căn phòng không có học sinh và một giáo viên đã theo sát từng hoạt động của cậu ngay cả khi đi vệ sinh. Trong khi đợi bạn bè ở trường sau khi nhận bằng tốt nghiệp và các vật phẩm khác, giáo viên đã yêu cầu cậu rời khỏi trường.
Cha mẹ của học sinh, những người rất mong chờ ngày trọng đại của con trai họ, cũng đặt câu hỏi về phản ứng của nhà trường. Vào ngày diễn ra buổi lễ, phó hiệu trưởng nói với phụ huynh rằng: "Chúng tôi không thể cho phép con trai bà tham gia vì kiểu tóc của nó". Khi phụ huynh hỏi lý do, hiệu phó chỉ nhắc lại "Cậu ấy nên biết các quy tắc" và không đưa ra lý do rõ ràng.
Quy định của trường quy định rằng kiểu tóc phải "sạch sẽ và phù hợp với học sinh trung học". Các quy tắc đề cập việc cấm nhuộm, tẩy hoặc sử dụng máy sấy tóc để tạo kiểu, nhưng không quy định việc tết tóc.
Mainichi Shimbun đã hỏi khía cạnh nào trong kiểu tóc của học sinh là vi phạm, nhưng phó hiệu trưởng chỉ trả lời: "Điều đó có nghĩa là nó khác với những gì chúng tôi đã dạy".
Cha của cậu bé là một nhà nghiên cứu đến từ New York, đã gặp mẹ người Nhật của cậu khi bà đến thăm Hoa Kỳ. Sau đó, họ kết hôn và cậu sinh ra ở Trung Quốc, mang hai quốc tịch Mỹ-Nhật. Cậu đã sống ở Nhật Bản với mẹ và anh chị em của mình kể từ năm 2018.
Số lượng trẻ em có nguồn gốc nước ngoài ở Nhật Bản ngày càng tăng. Theo Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, cứ 24 trẻ em sinh ra ở Nhật Bản vào năm 2020 thì có một trẻ em, tương đương 4,1%, có một hoặc cả hai cha mẹ là người nước ngoài. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy thêm rằng số lượng cư dân nước ngoài tại Nhật Bản tính đến cuối tháng 12/2021 là khoảng 2,76 triệu người, tăng gấp 2,5 lần trong ba thập kỷ qua.
Tại Mỹ, đạo luật CROWN cấm phân biệt đối xử dựa trên mái tóc đang lan rộng. Luật này ra đời từ lịch sử đối xử bất công với người da đen ở nơi làm việc và ở trường vì kiểu tóc của họ. Tên của luật này là từ viết tắt của "Tạo ra một thế giới tôn trọng và cởi mở cho tóc tự nhiên - Creating a Respectful and Open World for Natural Hair", lần đầu tiên được ban hành ở California vào năm 2019 và nhiều tiểu bang, bao gồm New Jersey và Connecticut, đã ban hành luật tương đương.
Tại Nhật Bản, đã có những động thái rà soát lại những nội quy bất hợp lý của trường học, trong đó có những quy định liên quan đến kiểu tóc. Điều này bắt nguồn từ một vụ kiện vào năm 2017 của một nữ sinh tại một trường trung học ở tỉnh Osaka, cô bị ép nhuộm đen mái tóc nâu tự nhiên của mình. Quy định của trường là học sinh phải để tóc màu tự nhiên, cấm buộc tóc đuôi ngựa, yêu cầu giấy chứng nhận chứng minh màu tóc tự nhiên (đối với những học sinh sở hữu màu tóc khác màu đen) và chỉ định màu đồ lót, cũng được coi là có vấn đề.
Vào tháng 06/2021, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đã thông báo cho hội đồng giáo dục của chính quyền cấp tỉnh rằng "các quy định của nhà trường phải được xem xét liên tục và tích cực để đảm bảo rằng chúng dựa trên điều kiện thực tế của học sinh, ý thức chung của xã hội và sự tiến bộ của thời đại".
Ryo Uchida, giáo sư tại trường sau đại học của Đại học Nagoya và là chuyên gia về các vấn đề nội quy trường học, cho biết: "Có nhiều quy tắc mơ hồ trong nội quy trường học không được nêu rõ ràng, chẳng hạn như những quy tắc chỉ được đưa ra bằng lời nói. Các quy tắc hiện tại của trường học yêu cầu một hình ảnh duy nhất của một đứa trẻ, chẳng hạn như tóc đen thẳng, mặc dù có những đứa trẻ mang quốc tịch nước ngoài và nguồn gốc đa dạng. Khi quá trình quốc tế hóa tiến triển, chúng tôi hy vọng rằng nhà trường sẽ không đàn áp trẻ em mà thay vào đó tạo ra một mối quan hệ cho phép đối thoại trên cơ sở bình đẳng và nên có hình thức tôn trọng tự do và nhân quyền”.
Xem thêm: Tokyo bãi bỏ hàng loạt nội quy gây tranh cãi tại trường học
kilala.vn