Một bác sĩ nội trú qua đời do làm thêm 207 giờ trong một tháng. Trường hợp của anh làm nổi bật vấn đề Karoshi vẫn đang tiếp diễn ở Nhật Bản.
Vào ngày 17/08, truyền thông Nhật Bản đưa tin phán quyết về cái chết của một bác sĩ nội trú vào tháng 05/2022 là tai nạn lao động, cụ thể hơn là “Karoshi - 過労死”, chết do làm việc quá sức.
Theo Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động, anh Takashima Shingo đã làm việc ngoài giờ hơn 207 giờ trong một tháng trước khi qua đời. Anh không có ngày nghỉ phép nào kể từ tháng 02. Trung tâm y tế Konan ở thành phố Kobe nơi Shingo làm việc phủ nhận việc anh làm việc quá sức.
Bác sĩ nội trú Takashima Shingo, khi đó 26 tuổi, được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở Thành phố Kobe vào ngày 17/05/2022. Cảnh sát tỉnh Hyogo đã phán quyết vụ việc là một vụ tự sát.
Đến tháng 9, gia đình Shingo đệ đơn yêu cầu công nhận cái chết của anh là một “tai nạn lao động” hay Rosai trong tiếng Nhật.
Một cuộc điều tra tiết lộ hồ sơ bệnh viện cho thấy Shingo đã làm việc ngoài giờ hơn 207 giờ trong tháng tại Trung tâm Y tế Konan. Anh ấy đã làm thêm trung bình 185 giờ trong vòng ba tháng.
Thời gian làm thêm giờ của Shingo vượt xa quy định của chính phủ Nhật Bản đối với một trường hợp đủ điều kiện công nhận là tai nạn tại nơi làm việc (làm thêm từ 160 giờ trở lên trong một tháng, hoặc trung bình từ 100 giờ trở lên trong khoảng thời gian ba tháng).
Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động Nishinomiya cho biết: “Shingo được phân bổ khối lượng công việc giống như các bác sĩ lâu năm vì anh ấy vừa được thăng chức bác sĩ nội trú cao cấp, trùng hợp thời điểm này anh phải chuẩn bị cho một bài thuyết trình tại hội nghị dẫn đến việc phải làm thêm giờ nhiều hơn”.
Vào ngày 05/06/2023, Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động Nishinomiya đã chấp thuận yêu cầu của gia đình và chính thức công nhận cái chết của Shingo là một tai nạn lao động, điều này cho phép gia đình nạn nhân nhận được tiền bồi thường.
Trung tâm Y tế Konan đã bồi thường cho gia đình Takashima bằng cách trả cho họ số tiền mà Shingo lẽ ra sẽ nhận được nếu làm việc 207 giờ 50 phút ngoài giờ trong một tháng trước khi anh qua đời.
Tuy nhiên bệnh viện phủ nhận việc bắt Shingo làm thêm giờ trong bài phỏng vấn với The Yomiuri Shimbun: “Thời gian Shingo ở bệnh viện không chỉ bao gồm thời gian làm việc mà còn cả 'thời gian học tập cá nhân' của anh ấy. Bệnh viện không yêu cầu anh ấy làm bài thuyết trình tại hội nghị. Khối lượng công việc mà bệnh viện của chúng tôi giao cho anh ấy nằm trong giới hạn phù hợp”.
Theo lời khai của nhân chứng, khối lượng công việc của Shingo tăng lên vào tháng 5 khi anh chuẩn bị tài liệu để trình bày tại một hội nghị y tế.
Chính phủ Nhật Bản quy định “giờ làm việc” cho các bác sĩ bao gồm thời gian dành cho việc tư vấn cho bệnh nhân, xem xét các ca phẫu thuật và tham dự các hội nghị y tế cần thiết để thăng tiến trong sự nghiệp. Thời gian tự nguyện viết bài báo y tế không được tính là “giờ làm việc”.
Bất chấp những tuyên bố của bệnh viện, Junko (mẹ của Shingo) vẫn tin rằng con trai bà bị buộc phải làm thêm giờ. Bà cũng nghi ngờ rằng văn hóa làm việc khiến nhân viên gặp khó khăn trong việc báo cáo số giờ làm thêm của họ.
Theo chia sẻ của Junko, bà nhận thấy có điều gì đó ở con trai không ổn vào tháng 4. Nhà của anh bắt đầu đầy rác và anh dần ít giao tiếp hơn, thậm chí lịch trình còn bận rộn hơn nữa vào tháng 05 khi chuẩn bị tài liệu cho hội nghị.
Junko đi đón con trai tại nơi làm việc vào ngày 15/05, hai ngày trước khi anh tự tử. Junko nhớ Shingo đã nói: “Tuần này con không thể đáp ứng thời hạn cho các tài liệu hội nghị. Điều này thật tồi tệ, điều này thật tồi tệ”. Ngày hôm sau, Junko đề nghị Shingo nghỉ phép nhưng anh từ chối.
Vào ngày 17/05, Shingo nhắn tin cho mẹ mình vào khoảng giữa trưa: “Con sẽ không làm điều gì ngu ngốc đâu”. Sau đó, Shingo ngừng trả lời tin nhắn và cuộc gọi. Mẹ anh là người đã tìm thấy anh: “Con trai tôi bị đẩy tới bờ vực và tôi không thể cứu nó. Tôi không biết phải nói gì để xin lỗi con trai mình”.
kilala.vn