Lươn Nhật vẫn đắt đỏ dẫu nguồn cung phục hồi

Bài: Ciro
Jul 27, 2023

Nguồn: Nippon

Lươn là loại thực phẩm truyền thống vào mùa hè ở đất nước mặt trời mọc, nhưng việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến việc lươn Nhật Bản được coi là loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Giá lươn trung bình trên thị trường tại Nhật Bản vào tháng 5 năm 2023 là 5.553 yên/kg (khoảng 900.000 đồng/kg) theo thống kê dựa trên báo cáo hàng tháng và hàng năm của hệ thống chợ trung tâm Tokyo. 

Trước đây, giai đoạn từ năm 2009 và 2010, giá lươn vào khoảng 2.300 yên, sau đó tăng mạnh, đạt mức 4.000 đến 5.000 yên vào năm 2012 và vượt quá 5.000 yên vào năm 2019. Trong 5 năm qua, giá trung bình duy trì trong phạm vi khoảng 5.000 yên, vào năm 2022 là 4.998 yên.  

lươn có giá đắt đỏ tại nhật bản
Ảnh: globaltimes.cn

Trong tiếng Nhật, lươn được gọi là Unagi, một nguyên liệu tinh túy và tiêu biểu của văn hóa ẩm thực xứ Phù Tang. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009 đến 2012, sản lượng cá thể con ở Nhật Bản giảm mạnh. Sản lượng đánh bắt đạt 200.000 đến 300.000 tấn trước đó, nhưng đã giảm xuống chỉ còn dưới 100.000 tấn.

lươn là một nguyên liệu tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực nhật bản
Ảnh: experiences.japancrate.com

Vì vậy vào tháng 2 năm 2013, Bộ Môi trường đã xếp loài lươn Nhật Bản vào danh sách nguy cấp (Loại IB trong danh sách đỏ, nghĩa là chúng có khả năng tuyệt chủng trong tương lai). Vào tháng 6 năm 2014, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã thêm lươn Nhật Bản vào Danh sách đỏ các loài bị đe dọa.

Kể từ đó, đã có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn nguồn lươn ở Nhật Bản, chẳng hạn như đưa ra quy định cấp phép cho người nuôi lươn, nhằm hạn chế việc đánh bắt các cá thể đang trong giai đoạn sinh sản.

Đã 10 năm kể từ khi lươn Nhật Bản được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn cung từng giảm xuống khoảng 32.000 tấn vào năm 2013 đang dần phục hồi và đạt hơn 60.000 tấn vào năm 2021.

Hiện nay, chỉ có khoảng 60 tấn lươn ở Nhật đến từ nguồn đánh bắt trong nước. Vào năm 2021, 42.000 tấn - tương đương 2/3 tổng nguồn cung, được nhập khẩu từ các quốc gia và khu vực khác như Trung Quốc, Đài Loan; và 20.000 tấn – 1/3 còn lại đến từ nuôi trồng thủy sản trong nước.

Nguồn lươn từ nuôi trồng thủy sản hiện tại đều là các cá thể được đánh bắt ngoài tự nhiên rồi sau đó nuôi nhốt. Hệ sinh thái của lươn vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến, mặt khác chúng lại có giá thành cao vì vậy nên nếu không được quản lý đúng cách, nguồn lợi có thể bị cạn kiệt. 

Hiện nay, các nhà khoa học ở Nhật đang thực hiện nghiên cứu để tìm cách sinh sản nhân tạo loài lươn và nuôi trồng chúng.

Xem thêm: Lươn bí ẩn đánh lừa vị giác của bạn

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU