Liệu Nhật Bản có thể tiếp tục duy trì thành tựu về giải Nobel?

Nguồn: NikkeiMar 17, 2023

Với sự khan hiếm thành tựu học thuật kể từ những năm 2010, Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến số người đoạt giải Nobel giảm mạnh từ những năm 2030.

Tờ Nikkei trích dẫn chia sẻ của Takuzo Aida*, giáo sư tại Đại học Tokyo, rằng Nhật Bản không còn được các mạng lưới nghiên cứu khoa học quan tâm như trước. Số lượng học giả kiểm duyệt đến từ các viện nghiên cứu của Nhật đã giảm từ 6 vào năm 2010 xuống còn 1, con số quá thấp so với các viện nghiên cứu của Trung Quốc và Hàn Quốc.

*Giáo sư Aida là thành viên của đội ngũ biên tập, đánh giá và phê duyệt những bài nghiên cứu tại “Science” – tạp chí của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ (American Association for the Advancement of Science – AAAS).

giáo sư Aida

Giáo sư Takuzo Aida. Ảnh: Scce.sjtu

Sự hiện diện của giới học thuật Nhật Bản trong lĩnh vực hóa học và vật liệu - hai thế mạnh truyền thống của đất nước, cũng đang giảm dần. Các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản chiếm chưa đến 4% trong số những người được mời làm giảng viên tham dự hội nghị quốc tế của Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu vào năm 2019, giảm mạnh so với khoảng 10% vào năm 1996, theo Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Vào năm 2022, có 54 nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều (HCR) của Nhật Bản - hoặc những người đã viết nhiều bài báo về một trong 21 lĩnh vực, giảm một nửa so với năm 2014, theo nghiên cứu của công ty Clarivate, Vương quốc Anh. Có thể thấy, Nhật Bản là quốc gia lớn duy nhất trải qua sự suy giảm mạnh như vậy.

Trong khi đó, số lượng HCR Trung Quốc tăng gấp bốn lần trong cùng thời kỳ, trong khi các nhà nghiên cứu Úc tăng gấp ba lần và các học giả Hàn Quốc tăng gấp đôi.

Yoshinori Ohsumi

Giáo sư Yoshinori Ohsumi thuộc Viện Công nghệ Tokyo đã giành giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 2016. Ảnh: Npr

Về số lượng bài báo được trích dẫn trong top 10%, Nhật Bản đứng thứ ba sau Mỹ và Anh từ nửa đầu những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Nhưng quốc gia này đã bị Đức vượt qua vào cuối thập kỷ và Trung Quốc vào năm 2006, tụt xuống vị trí thứ 12 vào năm 2019. Số lượng các bài báo như vậy đã giảm xuống còn khoảng 3.800 – giảm gần 20% so với mức đỉnh.

Thông thường phải mất 20 - 25 năm để các nhà khoa học và các học giả khác nhận được giải thưởng Nobel sau những thành tựu lớn của họ. Kể từ năm 2000, Nhật Bản đã có 19 người đoạt giải Nobel - chỉ đứng sau Mỹ, chủ yếu là nhờ những thành tựu đạt được trong những năm 1980 và 1990. Xem xét sự khan hiếm của nghiên cứu đáng chú ý kể từ những năm 2010, những người đoạt giải Nobel Nhật Bản có thể sẽ giảm mạnh từ những năm 2030.

Nobel văn học

Năm 1968, Yasunari Kawabata (ngoài cùng, bên phải) trở thành tác giả Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel văn học. Ảnh: aboutjapan

Việc cắt giảm chi tiêu nghiên cứu của chính phủ được xem là nguyên nhân chính. Nagayasu Toyoda, chủ tịch Đại học Khoa học Y khoa Suzuka, cho biết số lượng HCR có xu hướng tăng ở các quốc gia nơi chi tiêu của chính phủ cho nghiên cứu đại học tăng lên.

Sau khi các trường đại học quốc gia ở Nhật Bản được chuyển đổi thành các tập đoàn công vào năm 2004, chính phủ đã cắt giảm trợ cấp 1% hàng năm trong khi trao cho các trường nhiều quyền hơn trong việc quản lý các vấn đề học thuật. Động thái này nhằm khuyến khích cạnh tranh để nâng cao chất lượng nghiên cứu nhưng chính sách này dường như đã thất bại.

Trên thực tế, bức tranh trở nên ảm đạm hơn đối với các học giả trẻ. Trong năm tài chính 2019, những người từ 25 - 39 tuổi chiếm 22% số vị trí được tuyển dụng tại các trường đại học, giảm từ hơn 30% trong những năm 1990. Những người trẻ tuổi đã bắt đầu không mặn mà với các khóa học tiến sĩ do các vị trí được thuê ngày càng giảm. Trong năm tài chính 2019, có 15.100 người nhận bằng tiến sĩ ở Nhật Bản, ít hơn con số 15.300 ở Hàn Quốc, quốc gia có dân số chưa bằng một nửa Nhật Bản. Số người tốt nghiệp tiến sĩ đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ và Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.

số lượng bài nghiên cứu khoa học

Biểu đồ về số lượng bài nghiên cứu khoa học cho thấy sự tăng trưởng phi mã của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei. Asia

Kei Igarashi, phó giáo sư tại Đại học California, Irvine cho biết: “Cơ hội và ngân sách dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia vào các nghiên cứu độc lập ở Nhật Bản hạn chế hơn nhiều so với ở Mỹ và các nơi khác”.

Để tận dụng tốt hơn tài năng sau tiến sĩ, Nhật Bản cũng cần làm cho nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn. Ở Mỹ và các nước khác, những người có bằng tiến sĩ thường được trả lương cao hơn và những phúc lợi tốt hơn những người chỉ có bằng cử nhân. Ở Nhật Bản, bằng cấp cao hơn không dẫn đến thăng tiến nghề nghiệp. Trên thực tế, tỷ lệ các học giả sau tiến sĩ làm công việc tạm thời và các công việc ngẫu nhiên khác cao hơn so với những người có bằng đại học.

Manabe

Nhà khoa học Syukuro Manabe, người gần nhất nhận giải Nobel về Vật lý 2021. Ảnh: Princeton

Trong nỗ lực khắc phục tình hình, chính phủ Nhật Bản đã thành lập quỹ "đại học" trị giá 10 nghìn tỷ yên (73 tỷ USD) với 300 tỷ yên mỗi năm để phân phối cho các trường được chọn. Chính phủ cũng sẽ lên kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho các học giả trẻ và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức Nhật Bản và nước ngoài.

Nhưng với Nhật Bản thì thời gian không quá dư giả, Kazuhito Hashimoto, chủ tịch Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, cơ quan được ủy thác quản lý quỹ, cho biết quỹ này mang đến "cơ hội cuối cùng để khôi phục năng lực nghiên cứu của Nhật Bản".

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU