Khủng hoảng máy chơi game tại Nhật

Nguồn: JapantodayJul 8, 2022

Việc đứt gãy nguồn cung linh kiện do các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Nếu thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự lên giá bất ngờ ở các đại lý xe đối với dòng xe Vision do thiếu nguồn cung linh kiện trầm trọng, thì ở Nhật tình trạng này cũng xảy ra đối với nhiều ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất máy chơi game.

Trời vẫn còn tối khi một hàng dài người bắt đầu hình thành bên ngoài một cửa hàng điện tử ở Tokyo, khi những người chơi nỗ lực tuyệt vọng để mua PlayStation hoặc Xbox mới nhất, bất chấp tình trạng khan hiếm kéo dài ở Nhật Bản. Đây dường như là cảnh tượng quen thuộc trong khoảng 2 năm trở lại đây.

PlayStation

PS5 là một trong những sản phẩm được "săn lùng" nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây. Ảnh: AFP

Các máy chơi game phát hành từ tháng 11/2020 do Sony và Microsoft sản xuất đã trở nên khan hiếm, tương tự như Switch của Nintendo. Lý do là các vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng khi nhà máy ở Trung Quốc nhiều lần đóng cửa do các biện pháp phòng bệnh.

Tình trạng thiếu hụt đã xảy ra trên toàn thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản vì Sony và Microsoft đã ưu tiên các thị trường khác.

Điều đó khiến người mua và các cửa hàng rơi vào “một cuộc chiến” khi nhu cầu của khách hàng tăng cao, và người bán phải “chiến đấu” với sự hỗn loạn mà đôi khi phải cần đến cảnh sát can thiệp.

Ông Tetsuya đã cố gắng mua một chiếc máy chơi game từ tháng 2 và xếp hàng trước 6h30 sáng cùng với hàng chục người khác bên ngoài một cửa hàng ở khu điện tử Akihabara. Nhưng đến khoảng 8 giờ sáng, một nhân viên xuất hiện để thông báo rằng cửa hàng chưa nhập được PS5 hay Xbox, và đám đông nhanh chóng giải tán. "Thật tiếc, nhưng tôi sẽ tiếp tục thử vận may của mình nếu có thể", ông Tetsuya cho biết.

Hết hàng máy chơi game

Thông báo hết hàng các máy chơi game tại một cửa hàng ở Tokyo vào ngày 28/06. Ảnh: JapanTimes

Nhằm hạn chế việc tụ tập đông người, các cửa hàng đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau như bán hàng trực tuyến, sử dụng hệ thống xổ số, trong khi nhiều nơi khác chuyển sang bán hàng theo lịch ngẫu nhiên mà không thông báo trước.

Hiện tượng trên được gọi là "bán hàng du kích" ở Nhật Bản. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên khi bảng điều khiển Nintendo DS ra mắt và gây “sốt” tại Nhật vào những năm 2000.

Đối phó với chiến lược bán hàng du kích, một số game thủ cũng có chiến thuật của riêng họ. Trong đó, một người nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã thiết lập trang web thu thập thông tin từ cộng đồng về việc khi nào “hàng về”.

"Mùa hè năm ngoái, tôi đã dành ba tháng để săn một chiếc PlayStation 5, nhưng lần nào đến cửa hàng thì chúng cũng đã được bán hết", người đàn ông Nhật Bản này cho biết.

Nintendo

Cảnh tượng đông đúc tại một cửa hàng vào đầu năm 2021. Ảnh: @CIEL_00

Ông nói với AFP: “Lựa chọn duy nhất là gọi điện cho từng cửa hàng hoặc tìm thông tin trên Twitter. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều gặp cùng một vấn đề và việc tạo ra một trang web để chia sẻ thông tin sẽ giúp ích cho cộng đồng". Người tạo ra trang web cho biết ông dành nhiều giờ vào cuối tuần để phân loại và xác minh tới 500 tin nhắn được đăng trên diễn đàn mỗi ngày.

Xbox của Microsoft chưa bao giờ phổ biến ở Nhật Bản như những nơi khác, vì vậy trong thời điểm nguồn cung thiếu hụt, quốc gia này không phải là một thị trường ưu tiên. Và Sony đã nhắm mục tiêu bán PS5 ở châu Âu, Bắc Mỹ. Theo ước tính, chỉ 5 - 8% trong số 20 triệu máy PS5 được bán trên toàn thế giới là ở Nhật Bản.

game

Cảnh sát được điều đến để giữ ổn định. Ảnh: videogameschronicle

Khi PS4 ra mắt vào năm 2013, thị trường trò chơi trên điện thoại thông minh ở Nhật Bản đang bùng nổ trong khi thị trường máy chơi game cầm tay đã chững lại. Chính vì thế, Nhật cũng không phải thị trường tiềm năng cho sản phẩm này. 

Tuy nhiên, việc ít tiêu thụ sản phẩm không có nghĩa là không có người mua. Do đó, khi việc sản xuất nhỏ giọt và thị trường không được ưu tiên sẽ dễ dàng xảy ra tình trạng nâng giá cao hơn giá niêm yết. Ví dụ như, một chiếc PS5 được mua với giá 55.000 yên giờ đây có thể dễ dàng bán lại với giá 80.000 - 100.000 yên, và thậm chí đã có những vụ ẩu đả liên quan đến việc mua đi bán lại bất hợp pháp tại các cửa hàng.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU