Điều chỉnh mới trong Công ước CITES sẽ thay đổi ngành đánh bắt cá mập của Nhật?

Bài: Happy
Nov 29, 2022

Nguồn: Asahi

Quyết định mang tính bước ngoặt nhằm điều chỉnh việc buôn bán cá mập chắc chắn sẽ có những tác động đối với Nhật Bản, quốc gia nằm trong top đầu về xuất khẩu mặt hàng này.

Cá mập xanh nằm trong số 54 loài thuộc Họ Cá mập mắt trắng (Carcharhinidae) được đưa vào danh sách Phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (được biết đến với tên viết tắt là CITES hoặc Công ước Washington) tại hội nghị ở Panama.

cá mập xanh
Ảnh: oceana.org

Theo danh sách Phụ lục II, được ban hành vào ngày 25/11, buôn bán thương mại không bị cấm, nhưng phải có giấy phép của chính phủ để xuất khẩu.

Sản lượng đánh bắt cá mập hàng năm của ngư dân Nhật Bản đạt từ 20.000 đến 30.000 tấn, trong đó cá mập xanh chiếm tới 10.000 đến 15.000 tấn. Chúng được đánh bắt chủ yếu để lấy vây, và số lượng lớn cá mập được xuất khẩu sang Trung Quốc cùng các khu vực khác. Thịt của chúng được sử dụng để chế biến món chả cá hấp.

Khi một mẻ cá đánh bắt ngoài khơi cập cảng Nhật Bản là lúc cá mập được “nhập khẩu” vào Nhật Bản an toàn. Theo Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, các cơ quan chức năng sẽ khó cấp giấy phép nhập khẩu kịp thời trong những trường hợp như vậy.

Nếu Nhật Bản ủng hộ quyết định của CITES, xếp 54 loài thuộc Họ Cá mập mắt trắng vào Phụ lục II, thì thực tế sẽ không thể tiếp tục đánh bắt cá mập xanh ngoài biển khơi. Thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi, nơi đánh bắt cá mập xanh lớn nhất nước, cho biết 70-80% loài này được đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi. 

đánh bắt cá mập
Ảnh: theguardian.com

Cá mập xanh đã được chuyển sang danh sách Phụ lục II với lý do khó phân biệt chúng với các loài cá mập khác đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Điều chỉnh trong Phụ lục II sẽ có hiệu lực sau một năm. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ trì hoãn việc thực thi để không bị ràng buộc bởi quyết định của CITES. Một quan chức của Cơ quan Thủy sản đặt nghi vấn về tính hợp lý của danh sách Phụ lục II: “Có rất nhiều dữ liệu khoa học cho thấy cá mập xanh không có nguy cơ tuyệt chủng và loài này có quần thể khỏe mạnh."

Nhưng ngư dân Nhật Bản vẫn cần xin giấy phép xuất khẩu cá mập nếu quốc gia nhập khẩu chúng từ nước này tôn trọng động thái mới nhất của CITES, làm dấy lên lo ngại về việc buôn bán cá mập trong tương lai.

Một quan chức ở Kesennuma cho biết: “Giá cá mập xuất khẩu có thể giảm vì sẽ mất nhiều thời gian hơn trước để xuất khẩu cá mập do các bước bổ sung cần thiết”.

Xem thêm: Nhật Bản và văn hóa săn bắt cá voi

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU