Công nghệ sàng lọc ung thư tuyến tụy nhờ giun

Bài: Happy
Dec 9, 2022

Nguồn: Asahi

Hirotsu Bio Science, một công ty công nghệ sinh học Nhật Bản cho biết họ đã phát triển phương pháp xét nghiệm sàng lọc sớm sử dụng “chiếc mũi nhạy bén” của loài giun để nhận diện dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tụy từ nước tiểu con người.

Trong tháng này, Hirotsu Bio Science đã ra mắt xét nghiệm tuyến tụy N-NOSE, tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng ở Nhật Bản và hướng đến mục tiêu đưa xét nghiệm này đến Hoa Kỳ vào năm 2023.

sàng lọc ung thư
Ảnh: Reuters

Những người muốn chẩn đoán ung thư tuyến tụy sẽ gửi mẫu nước tiểu qua một bì thư đặc biệt đến phòng thí nghiệm, nơi mẫu được đặt trong đĩa petri với một loài tuyến trùng. 

Công ty cho biết những sinh vật này, có tên khoa học là C. Elegans (một loài giun tròn), sở hữu khứu giác mạnh hơn nhiều so với loài chó, có khả năng phát giác và đi về phía các tế bào ung thư. Chính điều đó đã biến những sinh vật có kích thước chỉ 1mm này trở thành một công cụ chẩn đoán hiệu quả.

giun chẩn đoán ung thư
Loài giun tròn C. Elegans được sử dụng cho xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tụy. Ảnh: Asahi

Takaaki Hirotsu, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty, người đã dành 28 năm để nghiên cứu cho biết, trong chẩn đoán, có thể sớm phát hiện sớm ung thư dù chỉ với một lượng rất nhỏ tế bào ung thư là điều vô cùng quan trọng. Theo ông Hirotsu, máy móc không có khả năng tương tự các sinh vật sống.

Vào tháng 1/2020, Hirotsu Bio Science đã ra mắt thử nghiệm N-NOSE đầu tiên, khoảng 250.000 người đã tiếp nhận kiểm tra ban đầu, với khoảng 5 đến 6 phần trăm nhận được kết quả có rủi ro cao.

Trong phiên bản mới nhất, công ty đã điều chỉnh mã di truyền của loài giun tròn để chúng bơi ra khỏi các mẫu ung thư tuyến tụy. Hirotsu Bio bắt đầu với bệnh ung thư tuyến tụy do đây là loại ung thư khó chẩn đoán và có tốc độ tiến triển nhanh. Công ty dự kiến sẽ triển khai các xét nghiệm đối với bệnh ung thư gan, cũng như ung thư cổ tử cung và ung thư vú trong thời gian tới.

xét nghiệm ung thư
N-NOSE vấp phải sự nghi ngờ về tính hữu ích. Ảnh: thestar.com 

Bộ xét nghiệm tuyến tụy có giá lên tới 70.000 yên (khoảng hơn 12 triệu đồng), tương đối cao so với xét nghiệm chẩn đoán ở Nhật Bản, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe được nhà nước trực tiếp quản lý với giá cố định cho thuốc và các thủ tục. Tuy nhiên, trong tương lai khi công ty mở rộng quy mô, giá của bộ xét nghiệm có thể được xem xét điều chỉnh.

Một số bác sĩ bày tỏ nghi ngờ tính hữu ích về mặt y tế của kết quả dựa trên xét nghiệm này. Masahiro Kami, người đứng đầu Viện nghiên cứu quản trị y tế ở Tokyo, cho biết số ca dương tính giả có thể cao hơn rất nhiều so với các trường hợp ung thư tuyến tụy thực tế, khiến kết quả “không thể sử dụng được”.

Trong khi Hirotsu Bio cho rằng độ chính xác của N-NOSE vượt trội hơn so với các xét nghiệm chẩn đoán khác và được coi là công cụ sàng lọc sớm có thể cảnh báo bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm sâu hơn và điều trị sớm hơn.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU