Cô gái Việt đạt chứng chỉ chế biến cá nóc Nhật Bản

Bài: kirin
Jun 17, 2021

Nguồn: Kyodo News

Vu Thuy Linh (30 tuổi), một người Việt hiện đang nghiên cứu về ẩm thực tại Đại học Jumonji, đã nhận được chứng chỉ chế biến cá nóc Nhật Bản.

Cá nóc (Fugu) là một trong những món ăn mùa đông nổi tiếng và đắt tiền tại Nhật Bản, nhưng vì nội tạng của nó có độc, chỉ những đầu bếp giàu kinh nghiệm được cấp phép đặc biệt mới có thể chế biến món này. Dù không phải món ăn quen thuộc tại nhiều quốc gia, nhưng Thuy Linh hy vọng sẽ hoàn thiện kỹ thuật chế biến cá nóc tại Việt Nam để tạo cầu nối giữa hai quốc gia.

vu-thuy-linh-nhan-chung-chi-che-bien-ca-noc
Vu Thuy Linh (trái) và ông Shigeru Yamamoto (phải) - Giáo sư dinh dưỡng quốc tế tại Đại học Jumonji. Ảnh: Kyodo

Tại nước ta hiện có khoảng 60 loài cá nóc sinh sống, nhưng luật pháp đã quy định cấm buôn bán và tiêu thụ cá nóc từ năm 2013, sau khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc cá nóc. Do đó, Thuy Linh hy vọng sẽ áp dụng được những kiến thức về quy trình và kỹ thuật chế biến cá nóc đã học được tại Nhật để người dân Việt Nam có thể an toàn thưởng thức món ăn này. Cô cho biết: "Tại Việt Nam, ngư dân thường vứt bỏ cá nóc vì luật không cho phép tiêu thụ. Tuy nhiên, đây là nguồn cung cấp protein dồi dào, cũng là cơ hội để làm giàu cho đất nước".

Khi đang học tiếng Nhật tại trường đại học ở Việt Nam, Thuy Linh rất ngạc nhiên khi biết cá nóc được coi là món ăn đắt đỏ tại đất nước Mặt trời mọc với giá 10.000 yen (hơn 2 triệu đồng) một đĩa. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc hai năm tại Mitsui Suisan, một công ty chế biến thủy sản ở tỉnh Miyazaki, tây nam Nhật Bản, phụ trách việc làm sạch, phi lê và chế biến cá nóc.

Tại Nhật Bản, bất kỳ đầu bếp nào muốn chế biến cá nóc đều phải vượt qua kỳ thi lấy giấy phép để chứng minh họ biết cách loại bỏ độc tố từ các bộ phận của cá như gan và ruột. Bộ Y tế quy định nghiêm ngặt bộ phận thịt, da và tinh hoàn nào có thể ăn được ở từng loại cá nóc. Linh nhận được giấy phép hồi tháng 3, sau khi vượt qua kỳ thi gồm phần lý thuyết và thực hành, trong đó bao gồm bài kiểm tra loại bỏ nội tạng chứa chất độc của cá mà không làm hỏng chúng trong vòng 20 phút. Theo cơ quan cấp phép, rất ít người nước ngoài lấy được chứng chỉ này vì ứng viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác như có giấy phép nấu ăn ở Nhật Bản.

ca-noc-fugu
Đặc sản cá nóc Fugu của Nhật Bản. Ảnh: beauty.biglobe.ne.jp

Vào năm 2017, Linh từng thực hiện một khảo sát về cá nóc Fugu tại Hà Nội và Đà Nẵng. Cô đã hỏi 107 người, bao gồm cả quan chức chính phủ, những người chưa từng ăn cá nóc, đánh giá món Fugu do đầu bếp Nhật chế biến. Để so sánh, Linh chuẩn bị hai món ăn Việt Nam phổ biến khác là là cá mú và cá thu Tây Ban Nha. Kết quả, món sashimi cá nóc được chấm điểm cao nhất, dù người Việt Nam không có truyền thống ăn cá sống. 80% người được hỏi đều bày tỏ "muốn ăn nhiều cá nóc hơn".

Linh tin rằng người Việt Nam sẽ yêu thích món cá nóc, tuy ban đầu có thể vẫn e ngại do loài cá này mang độc tính. "Chúng tôi cần lập ra quy trình chế biến cá nóc giống Nhật Bản, để mọi người có thể yên tâm ăn khi nó". Cô cũng đã chuyển ngữ video cách chế biến cá nóc của công ty Mitsu Suisan sang tiếng Việt nhằm phổ biến kiến thức cho người dân Việt Nam về các biện pháp bảo đảm an toàn.

Nhật Bản hiện đang nhập khẩu cá nóc từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Thuy Linh, "Nếu Việt Nam bãi bỏ luật cấm và thiết lập quy trình xử lý cá nóc, rất có thể sẽ có cơ hội xuất khẩu sang Nhật". Cô cho biết thêm: "Ước mơ của tôi là nuôi dưỡng nghệ thuật ẩm thực Fugu ở Việt Nam và giúp đỡ những ngư dân địa phương kiếm được lợi nhuận từ nó."

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU