Cầu đá Tsujun ở Kumamoto được đề xuất là Bảo vật quốc gia
Bài: Kilala
Jun 26, 2023
Nguồn: The Japan News
Một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản vào ngày 23/6 đã đề xuất công nhận Cầu Tsujun, một trong những cây cầu đá hình vòm lớn nhất Nhật Bản được xây dựng trong thời hiện đại, trở thành Bảo vật quốc gia.
Theo đề xuất được đệ trình lên Bộ trưởng Văn hóa, Hội đồng các vấn đề về văn hóa đã đề nghị chỉ định cây cầu đá ở thị trấn Yamato, tỉnh Kumamoto là Bảo vật quốc gia, cùng với 8 công trình kiến trúc khác được thêm vào danh sách tài sản văn hóa quan trọng của nước này.
Các danh hiệu dự kiến sẽ sớm được công bố, nâng tổng số tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản lên con số 2.565, trong đó có 231 Bảo vật quốc gia.
Được xây dựng vào năm 1854 vào cuối thời Edo, Cầu Tsujun là cây cầu vòm dẫn nước bằng đá lớn nhất Nhật Bản. Công trình được xây dựng vào năm 1854 bởi một quan chức địa phương có tên là Yasunosuke Futa ở Yabe nhằm cung cấp nước cho Cao nguyên Shiraito, nơi gặp tình trạng thiếu nước vào thời điểm đó.
Nguồn cung cấp nước đến từ thượng nguồn sông Sasahara cách đó khoảng 6km. Tổng chiều dài của đường dẫn nước là khoảng 30km, cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 100ha đất.
Cây cầu đã từng bị hư hại bởi trận động đất lớn vào năm 2016 và trận mưa lớn vào năm 2018, nhưng sau đó đã được khắc phục và tiếp tục phục vụ cho công tác nông nghiệp địa phương.
Trong số các công trình được Hội đồng đề xuất công nhận là tài sản văn hóa quan trọng còn có Hệ thống tưới tiêu Shichikayosui sông Tedori ở thành phố Hakusan, tỉnh Ishikawa, được xây dựng vào năm 1901 trong thời kỳ Minh Trị.
Một biệt thự của kiến trúc sư Antonin Raymond ở Karuizawa, tỉnh Nagano, cũng nằm trong số tám công trình kiến trúc khác được đề cử. Biệt thự nghỉ hè này nổi tiếng với việc ứng dụng các kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản vào phong cách kiến trúc hiện đại.
kilala.vn