Áp dụng công nghệ để duy trì nghệ thuật trà đạo

Nguồn: NikkeiApr 8, 2023

Một đơn vị của tập đoàn Sony đang áp dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến để giúp hướng dẫn chi tiết các bước truyền thống trà đạo hàng thế kỷ của Nhật Bản.

Trà đạo là nghệ thuật thưởng trà truyền thống của người Nhật, xuất hiện từ những năm của thế kỷ XII. Tuy vậy, trong xã hội hiện đại, văn hóa này dần thu hẹp lại bởi nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, một trong số đó là việc nhiều người gặp khó khăn trong việc học ghi nhớ những bước thực hiện tỉ mỉ của trà đạo.

tra-dao

Để pha và thưởng trà cần có nhiều kỹ năng. Ảnh: peninsula

Các nghi lễ trà đạo Nhật Bản có nhiều quy tắc như chỉ định chỗ ngồi, cách uống trà, khi nào ăn đồ ngọt được phục vụ trong buổi lễ và cách nói chuyện với chủ nhà cùng những vị khách khác. Những điểm chi tiết về nghi thức này rất khó để tiếp thu tất cả cùng một lúc.

trà đạo

Reijiro Izumi (trái) - Chủ tịch của Viện Văn hóa Sabie, ngồi trong phòng trà Jakuin ở Kyoto. Ảnh: Nikkei

Chính vì thế, một đơn vị thuộc tập đoàn Sony đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trong việc tái hiện lại những bước thực hành trà đạo một cách chi tiết nhất. Một phòng trà truyền thống với tên gọi Jakuin đã được dựng tại trung tâm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính Sony ở Kyodo nhằm “hướng đến một tương lai mới cho văn hóa trà đạo (Chanoyu hay Chado)”. Sony CSL hiện hợp tác với Viện Văn hóa Sabie, cơ quan trực thuộc trường phái trà đạo nổi tiếng Urasenke.

Trần nhà của Jakuin được trang bị bốn cảm biến ToF, đo thời gian bay của một vật thể (ánh sáng, đèn, chất lỏng, hạt khí) khi di chuyển một khoảng cách nhất định. 

cảm biến ToF

Bốn cảm biến trên trần phòng trà ghi lại chuyển động của con người và vị trí của dụng cụ uống trà. Ảnh: Nikkei

Những cảm biến này ghi lại chuyển động của những người tham gia và vị trí của các dụng cụ uống trà trong suốt buổi lễ, dữ liệu sau đó có thể được tái tạo bằng kỹ thuật số và được quan sát tự do với sự trợ giúp của tai nghe thực tế ảo.

Dự án của Sony CSL sẽ cho phép những ai có nhu cầu có thể xem và học theo một người hướng dẫn, sau đó quan sát hiệu suất của chính họ từ góc nhìn của người thứ ba để xem liệu họ có thực hiện đúng động tác và sắp xếp đồ dùng hợp lý hay không.

Các truyền thống văn hóa như trà đạo chủ yếu được truyền từ thầy sang trò thông qua thực hành trực tiếp. Công nghệ mới này sẽ mở ra một cách tiếp cận rộng lớn hơn nhiều. Nó cũng có thể được sử dụng theo những cách khác, chẳng hạn như tham gia các buổi lễ ảo.

Giám đốc Sony CSL Jun Rekimoto, một nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu giao diện người dùng và là giáo sư nghiên cứu thông tin tại Đại học Tokyo, cho biết: "Chúng tôi muốn vượt qua thời gian và không gian để giúp truyền lại nền văn hóa này".

quay cận cảnh

Công nghệ của Sony CSL có thể tạo ra hình ảnh 3D của dụng cụ pha trà, cho phép người xem chiêm ngưỡng các chi tiết nhỏ. Ảnh: Nikkei

Sony CSL cũng tìm cách số hóa một yếu tố khác của nghi lễ trà đạo: hồ sơ mô tả dụng cụ nào được sử dụng và những món ăn được phục vụ trong các nghi lễ cụ thể, có niên đại từ 490 năm trước.

Hệ thống công nghệ của công ty có thể chụp ảnh đồ dùng, chẳng hạn như bát uống trà, từ nhiều góc độ khác nhau và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tái tạo nó trên màn hình ở chế độ 3D. Màn hình có thể theo dõi góc nhìn của người xem và xoay hình ảnh tương ứng, cho phép những người quan sát trong tương lai có thể chiêm ngưỡng họa tiết cho đến kết cấu của vật liệu.

Reijiro Izumi, chủ tịch Viện Văn hóa Sabie cho biết: “Chúng tôi muốn tham gia xây dựng văn hóa trà đạo đang phát triển và tương tác một cách tích cực” với công nghệ tiên tiến.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU