Anki Cafe, nơi người lớn tuổi đãng trí được yêu thương

Bài: Rin
Oct 3, 2022

Nguồn: Kyodo

Một quán cà phê tại trung tâm tỉnh Aichi được lập ra để phục vụ những người lớn tuổi mắc chứng đãng trí, tạo ra một cộng đồng thân thiện giữa khách hàng lớn tuổi, người chăm sóc họ và cả các nhân viên nhí .

Tại Anki Cafe ở thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi, không ai cảm thấy phiền hà ngay cả khi một khách hàng bỗng nhiên cất tiếng hát hoặc đi vòng quanh cửa hàng. Đây đều là những hành vi liên quan đến chứng đãng trí ở người lớn tuổi.

Anki - tên của quán được đặt theo tiếng địa phương ở Toyohashi, có nghĩa là “sự thoải mái”. Bà Eiko Hosokawa, 59 tuổi, sống ở Gamagori, tỉnh Aichi đã một mình chăm sóc người mẹ đãng trí 83 tuổi trong suốt một thập kỷ. Cùng mẹ đến Anki Cafe, bà Hosokawa chia sẻ: “Lúc mẹ tôi trò chuyện với những người bạn của mình, trông bà rất hạnh phúc”. 

bà Eiko Hosokawa và mẹ tại Anki Cafe
Bà Eiko Hosokawa và mẹ đang trò chuyện với nhân viên "nhí" của Anki Cafe. Ảnh: Kyodo 

Quan sát mẹ nói chuyện với một người phụ nữ trạc tuổi và cố gắng giao tiếp với các phục vụ nhí ở quán, Hosokawa cảm thấy rất thoải mái và nhận định đây chính là nơi dành cho mẹ mình, đồng thời cũng là một nơi để bản thân nghỉ ngơi. 

Trước khi tìm thấy quán cà phê này vào tháng 7 năm ngoái, bà Hosokawa chưa bao giờ để mẹ ở nhà một mình để ra ngoài hay đi cà phê thư giãn. Tuy nhiên, nếu đưa mẹ đi cùng, bà lo rằng mẹ có thể đột nhiên hét lên.

chủ quán Tomoka Sugino
Chủ quán Tomoka Sugino và các nhân viên "nhí" của Anki Cafe. Ảnh: Kyodo 

Anki Cafe được điều hành bởi bà Tomoka Sugino, 52 tuổi, hiện đang chăm sóc người cha bị tai nạn lao động. Vào khoảng tháng 4/2020, ông Masamachi trong lúc đang lau dọn tại một công ty xây dựng đã không may bị kẹt dưới một chiếc máy lớn.

Khi học khóa điều dưỡng tại nhà để chăm sóc cha, bà Sugino đã bị thu hút bởi một bức ảnh hai người lớn tuổi đang mỉm cười trong lúc uống nước ép. Từ đó, bà nghĩ: “Chăm sóc dĩ nhiên là quan trọng, nhưng một nơi mà người lớn tuổi có thể cười nói thoải mái cũng rất cần thiết”.

Từ ý nghĩ này, bà mở Anki Cafe vào tháng 06/2021 dưới sự giúp đỡ của cha Masamichi, 82 tuổi, người đã dần hồi phục vào thời điểm đó. 

Sugino mong muốn tạo nên một nơi mà mọi người ở những lứa tuổi khác nhau có thể trò chuyện, bởi trong thời hiện đại, trẻ em có rất ít cơ hội được tâm sự với chính ông bà của mình. Giống như những nơi khác trên thế giới, cấu trúc gia đình truyền thống của Nhật Bản đã thay đổi và hiếm thấy việc cả ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. 

Với hy vọng việc dành thời gian bên cạnh những người lớn tuổi sẽ giúp nuôi dưỡng lòng nhân ái ở trẻ và bản thân các em nhỏ cũng có thể giúp người già khi họ cần, Sugino đã nhờ khoảng 40 em ở trường tiểu học, mầm non gần đó tham gia phụ giúp và trở thành nhân viên của quán. 

Xem thêm: Khi trẻ em trở thành nhân viên trong viện dưỡng lão

Vào một ngày tháng 9/2022, bé  Koharu Ono, 7 tuổi, đang phụ giúp tại Anki Cafe chia sẻ: “Thỉnh thoảng con cũng thấy lo lắng chút xíu nhưng thật vui khi hỏi mọi người muốn gì và mang đồ uống đến cho họ. Thỉnh thoảng, con còn chơi trò chơi thẻ bài với một số vị khách nữa”.

Trong xu hướng già hóa dân số tại Nhật, bệnh đãng trí đã trở thành một vấn đề cấp bách. Chính phủ Nhật ước tính có khoảng 7 triệu người (chiếm 1/5 số người từ 65 tuổi trở lên) sẽ mắc căn bệnh này vào năm 2025. Bà Sugino bộc bạch: “Sẽ đến một lúc nào đó mà những nơi như Anki Cafe sẽ trở nên cần thiết trên khắp nước Nhật. Tôi sẽ rất vui khi nhìn thấy nhiều nơi thực hiện dự án tương tự như tôi”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU