Top 10 từ lóng thịnh hành của Gen Z Nhật đầu năm 2022

Bài: Rin
Feb 9, 2022

Nguồn: soranews24

Gen Z Nhật nói gì? Dưới đây là danh sách 10 từ lóng được các thanh thiếu niên Nhật Bản sử dụng nhiều nhất đầu năm nay và ý nghĩa của chúng.

Để tìm ra danh sách từ lóng đang “làm mưa, làm gió” trong giới trẻ Nhật Bản, một công ty marketing có tên là ING đã tiến hành khảo sát trên 200 học sinh trung học tại vùng Kanto.

tiếng lóng nhật bản thịnh hành đầu năm 2022
10 từ tiếng lóng thịnh hành trong giới trẻ Nhật Bản đầu năm 2022. Ảnh: soranews24.com

Hạng 10: 天最高 – Tensaikou

Đây là cụm từ được sáng tạo bởi Daigo Nishihata, nam thần tượng của nhóm nhạc Naniwa Danshi trực thuộc Johnny & Associates.

Daigo Nishihata
Daigo Nishihata là thành viên của nhóm nhạc thần tượng Naniwa Danshi. Ảnh: Vanilla

Từ “Tensaikou” là sự kết hợp giữa “天才 – Tensai – Thiên tài” và “最高 – Saikou – Tốt nhất, tuyệt nhất”. Do vậy, Tensaikou dùng để diễn tả điều gì đó ấn tượng, tuyệt vời, về cơ bản là một lời khen.

Hạng 9: “~してもろて – Shitemorote”

Đây là cách nói không trang trọng của cụm “してもらって – Shite moratte”, sử dụng khi muốn nhờ vả ai đó.

Cụm từ này do bộ đôi Youtuber Nhật Bản Paparapys (パパラピーズ) nghĩ ra, nhờ sự nổi tiếng của họ mà cụm từ này trở nên phổ biến.

Nhóm Paparapys gồm thành viên nam là Jinjin (sinh năm 1994) và thành viên nữ Tanakaga (sinh năm 1999), bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2018 với nội dung xoay quanh mukbang, nhảy, camera ẩn để trêu chọc đối phương.

Họ nhanh chóng nổi tiếng với thế hệ Gen Z của Nhật. Cùng với độ nổi tiếng của mình, nhóm cũng ra mắt sách, thương hiệu quần áo “GABGAB”, “JINCL”, thương hiệu mỹ phẩm “GABME”.

Hạng 8: “超チル/チルい – Chouchiru/chirui”

Hai cụm từ này xuất phát từ “Chill – Thư giãn” trong tiếng Anh, do vậy, chúng dùng để thể hiện trạng thái thư giãn, thả lỏng.

Từ “超 – Chou” nghĩa “siêu, vãi”, do vậy có thể sử dụng Chouchiru hoặc Chouchirui khi muốn diễn tả bạn cảm thấy vô cùng thư giãn.

Hạng 7: “はにゃ/はにゃり – Hanya/ Hanyari”

Là một từ thay thế cho từ “Hả, Gì?”, “Hanya” là thán từ được sử dụng khi bạn boăn khoăn, bối rối bởi một điều gì đó. Tương tự với ý nghĩa trên, Hanyari chỉ trạng thái bị bối rối.

Cả hai từ này trở nên phổ biến nhờ diễn viên hài Rei Maruyama, người thường xuyên sử dụng chúng trong các tiết mục tấu hài của mình và Youtuber Chiaki Inoue.

Hạng 6: “大丈夫そ? – Daijoubuso?”

Đây cũng là một từ được nghĩ ra bởi cặp đôi Youtuber Paparapys. “Daijoubuso?” là cách nói hài hước và suồng sã khi hỏi một ai đó hay việc nào đó có ổn không. Do vậy, chỉ nên dùng với những người thân thiết lúc trêu đùa.

Cụm từ này được tạo nên từ “Daijoubu – Ổn” và “そう – Sou” mang nghĩa “dường như”, sau đó bỏ đi trường âm ở cuối để tạo nên âm thanh vui tai hơn.

Hạng 5: “しんど – Shindo”

“Shindo” là dạng rút gọn của tính từ “しんどい” mang nghĩa “mệt mỏi, phiền hà, rắc rối” do gen Z Nhật Bản sáng tạo ra. Trái với nghĩa gốc, Shindo lại mang nghĩa là “vui vẻ” hay “hấp dẫn”. Có lẽ vì nó quá thú vị nên tiêu hao khá nhiều năng lượng chăng?

Hạng 4: “きまず – Kimazu”

Từ Kimazu là dạng rút gọn của “気不味い – Kimazui”, nghĩa là khó xử, gượng gạo. Kimazu bắt đầu trở nên nổi tiếng nhờ vào một Youtuber khác của Nhật là Aya Nakamichi, người có thói quen nói “Kimazui kimazui” để diễn tả một tình huống gượng gạo.

Aya Nakamichi
Aya Nakamichi và anh trai Nakamichi JP cùng thành lập kênh Youtube "中町綾・中町兄弟の切り抜き"  với hơn 1,6 triệu follower. Ảnh: modelpress

Vào năm 2021, cụm “Kimazui kimazui” cũng đã được xếp hạng là từ phổ biến nhất vào mùa hè. Có vẻ năm nay, nó đã được rút gọn lại để tiện hơn khi dùng.

Hạng 3: “生きるwww – Ikiru www”

Đây là hashtag được một kênh TikTok nghĩ ra nhằm khuyên mọi người nên sử dụng nó thay vì cụm “氏ぬwww – Shinu www” khi chuyện xấu xảy ra.

Trong khi “Ikiru www” mang nghĩa là “Tôi sẽ sống” thì cụm “Shinu www” lại có ý nghĩa “Tôi sắp chết rồi”. Có lẽ chính cách dùng đảo ngược đã khiến nó trở nên thịnh hành.

Còn “www” là một từ lóng trong tiếng Nhật thay cho từ “LOL - laughing out loud" trong tiếng Anh, với chữ w là viết tắt của từ “笑う – Warau – Cười”.

Xem thêm: "Riaru nitouryuu" và "Shou taimu" được chọn là từ của năm 2021

Hạng 2: “きまZ – KimaZ”

Từ này được phát âm là “Kimazetto”. Giống với cách dùng “Kimazui kimazui”, “KimaZ” cũng có nghĩa là “khó xử, gượng gạo”. Nó được sáng tạo ra bởi Youtuber Toua, người thường xuyên sử dụng KimaZ trong các tình huống khó xử.

Hạng 1: “あせあせ – Ase-Ase”

Đây là một từ khác được phổ biến bởi nữ Youtuber Aya Nakamichi. Ase ase được sử dụng một cách hài hước khi ai đó đang gặp khó khăn, lo lắng hay bị một điều gì đó làm cho "toát mồ hôi hột".

Giới trẻ Nhật Bản hiện nay thường sử dụng Ase ase trong văn nói lẫn văn viết, nhưng khi viết, nó được viết theo kiểu Hankaku Katakana (nửa chiều rộng thông thường) là “アセアセ”.

Có thể thấy hầu hết những cụm từ phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản hiện nay đều lấy cảm hứng từ những influencer như Youtuber, TikToker nổi tiếng. Phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất nhiều đến Gen Z, điều này thể hiện qua cách ăn mặc cũng như cách nói chuyện của thế hệ trẻ ngày nay.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU