Sự phân chia giới tính trong ngôn ngữ Nhật

Bài: Niji
Jul 13, 2021

Ảnh: savvy tokyo

Khi học tiếng Nhật, bạn sẽ được dạy cách chia thể, sử dụng tôn kính ngữ, sự khác nhau giữa văn nói và văn viết... Tuy nhiên, tiếng Nhật còn tồn tại sự khác biệt giữa ngôn ngữ của nam giới và nữ giới mà không phải ai cũng nắm rõ.

Ngôn ngữ của nam giới (男性語)

“男性語  Danseigo" hay "ngôn ngữ của nam giới” là thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng sử dụng từ hoặc cụm từ thể hiện sự nam tính (男らしい Otokorashii), bao gồm cách nói thẳng hoặc thậm chí có chiều hướng đe dọa giữa nam giới đối với các mối quan hệ bạn bè thân thiết. Nguồn gốc của Danseigo được cho là xuất phát từ lối nói chuyện của các Samurai, ngôn ngữ phổ biến trong tầng lớp hầu cận của gia đình Samurai thời đầu cận đại, cách giao tiếp của nam sinh từ cuối thời Edo đến thời kỳ Minh Trị và ngôn ngữ dùng trong quân đội Nhật Bản. Nhưng tùy thuộc vào phương ngữ, nhiều khu vực gần như không có sự khác biệt về giới tính trong từ ngữ sử dụng.

danseigo2
Danseigo là lối nói chuyện dành cho nam giới. Ảnh: freepik 

Một trong những đặc điểm của Danseigo là sự đa dạng của cách biểu thị ngôi thứ nhất, chẳng hạn như "俺  Ore", "僕  Boku", "私  Watashi", "儂  Washi", "己等  Oira" và "自分  Jibun". Họ có thể tùy chọn một kiểu xưng hô phù hợp với bản thân. 

Ngôi thứ hai là "貴方  Anata"(貴男, 貴女, あなた) nhưng nếu là bạn thân, nam giới Nhật có thể sử dụng "お前  Omae" (御前) hoặc "君  Kimi" để thay thế. Ngoài ra, còn một kiểu xưng hô có phần hơi thô bạo là "手前  Temae".  Đối với quân nhân, họ sẽ gọi đối phương là "貴様 – Kisama".

Ngôi thứ ba thường có các kiểu gọi là "彼奴", đọc là Aitsu hoặc Kyatsu, "奴 – Yatsu" hay "連中  Renchuu".

Đàn ông Nhật cũng hay thêm các tiền tố để nhấn mạnh bằng những từ như "ぶん  Bun", "ぶっ  Buttsu", "糞  Kuso" hay "馬鹿  Baka". Ví dụ như "ぶん投げる  Bunnageru" (ném, quẳng, vứt), "ぶっ叩く –  Buttataku" (đánh mạnh, đập mạnh), "くそ暑い – Kusoatsui" (rất nóng) hay “ばかでかい  Bakadekai" (khổng lồ). Đặc biệt, họ hay sử dụng thể mệnh lệnh trong các cuộc trò chuyện như là "しろう  Shirou", "見ろう  Mirou", hoặc chợt gọi “おい  Oi” như một cách để đối phương chú ý đến. 

Ngôn ngữ của phụ nữ (女性語)

"女性語  Joseigo" hay ngôn ngữ của phụ nữ có phần nhẹ nhàng, lịch sự hơn và phần nào thể hiện sự mềm yếu của phái nữ (女らしい – Onnarashii). Ở Nhật Bản trước thời cận đại, ngôn ngữ nói của phụ nữ có sự khác biệt rất nhiều theo khu vực và cấp bậc. 

Phụ nữ Nhật thời xưa rất hiếm khi thẳng thắn xưng "わたし  Watashi  Tôi", mà họ sẽ dùng "あたし  Atashi" như một cách nói có phần mềm mỏng hơn. Ở khu vực phía Tây Nhật Bản, "うち  Uchi" cũng được sử dụng như ngôi thứ nhất, mặc dù trong ngôn ngữ thường ngày, từ này còn có nghĩa là "công ty của chúng tôi", "nhà tôi"...

joseigo2
Ngôn ngữ nói của phụ nữ Nhật nhẹ nhàng và thanh lịch hơn so với ngôn ngữ của nam giới. Ảnh: freepik

Ngôi thứ hai thường là "あなた  Anata". Thi thoảng, một số phụ nữ Nhật cũng dùng "きみ  Kimi", "あんた  Anta", "あーた  Aata" cho đồng nghiệp có chức vụ ngang bằng hoặc thấp hơn mình. Ngoài ra, cũng còn một cách gọi khác là "おまえさん  Omaesan", "おまいさん  Omaisan" nhưng rất ít được sử dụng bởi nó có phần khiếm nhã và không thích hợp cho phụ nữ. 

Việc sử dụng thể lịch sự theo sau bằng các vĩ tố (từ kết thúc câu) như "わ – Wa", "のよ –  Noyo", "かしら  Kashira", "もの  Mono" được xem là cách nói của những cô gái trẻ giàu có hoặc các quý phu nhân. Nhìn chung, thể lịch sự thường được phụ nữ Nhật chuộng sử dụng khi nói vì nó toát lên sự nhẹ nhàng, lễ phép và dịu dàng đặc trưng ở phái đẹp.

Tại sao lại có sự phân chia này?

Sự phân chia ngôn ngữ theo giới này một phần xuất phát từ tư tưởng phụ nữ là phái yếu, thường làm hậu phương cổ vũ cho chồng (người nam) nên họ sẽ dùng từ ngữ mềm mỏng, nhu mì hơn. Trong khi nam giới được xem là phái mạnh, trở thành trụ cột của gia đình nên ngôn từ cần kiên quyết, cứng rắn hơn để thể hiện quyền lực.

danseigo-joseigo
Do ảnh hưởng bởi Nho giáo, tiếng Nhật có sự phân chia thành Danseigo và Joseigo. Ảnh: savvy tokyo

Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo nên tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng ăn sâu vào văn hóa. Dù trong xã hội hiện đại, tư tưởng này đã ít nhiều phai nhạt nhưng ngôn ngữ thứ được hình thành theo dòng văn hóa và lịch sử nghìn năm – lại không dễ thay đổi như vậy. Vì vậy, phần nào người Nhật cũng sử dụng một cách vô thức ngôn ngữ theo hướng ngầm áp đặt phụ nữ luôn phải mềm yếu hơn đàn ông.

Từ khoảng những năm 1980, cả nam giới và phụ nữ Nhật bắt đầu thích dùng các cụm từ dành cho cả nam và nữ như "だよ  Dayo", "だね – Dane", "てよ  Teyo", "じゃん – Jan"... Tuy nhiên, vẫn còn có một nhận thức mạnh mẽ về sự khác biệt giới tính liên quan đến đại từ ngôi thứ nhất, do vậy số lượng phụ nữ thường xuyên sử dụng "僕  Boku" hay "俺  Ore" là rất ít. 

Mặc dù Joseigo đang được sử dụng ít đi trong ngôn ngữ nói thường ngày, nhưng nó vẫn thường được dùng với vai trò làm người nói nổi bật với tư cách là phụ nữ. Trong nhiều tác phẩm của các nhà văn, đối thoại của phụ nữ thường là đơn tính, phản ánh cách diễn đạt thực tế, nhưng đôi khi Joseigo cũng được sử dụng nhiều. Thời nay, phụ nữ thỉnh thoảng cũng dùng Danseigo nhưng cánh đàn ông lại hiếm khi chấp nhận Joseigo, dù trong phương ngữ Kinki, từ xa xưa nam giới đã từng sử dụng các cụm từ Joseigo như "〜やん – 〜 Yan", "〜やんか –  〜 Yanka". Nhìn chung, chúng ta sẽ dễ bắt gặp Danseigo và Joseigo trong tiểu thuyết, phim, manga và anime hơn là trong thực tế hằng ngày.

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU