Sự khác biệt về từ vựng giữa vùng Kanto và Kansai
Bài: Rin
Jan 12, 2023
Nguồn: blog.gaijinpot.com
Ngoài văn hóa, ẩm thực, giữa hai khu vực lớn của xứ sở hoa anh đào – Kanto và Kansai với hai đại diện lần lượt là Tokyo và Osaka, ngôn ngữ cũng có sự tương phản thú vị.
Theo chiều dài lịch sử Nhật Bản, ngôn ngữ nói đã phát triển thành nhiều kiểu khác nhau, cụ thể là sinh ra phương ngữ ở từng vùng, trong đó phương ngữ Edo (Tokyo ngày nay) và Kinai (vùng Kansai ngày nay) là phổ biến hơn cả.
Vào thời Minh Trị Duy Tân, nhiều cải cách chính trị và giáo dục sâu rộng đã diễn ra. Nhiều phương ngữ bị xóa bỏ, nhường chỗ cho phương ngữ Edo nhằm thúc đẩy sự thống nhất, gắn kết văn hóa toàn nước Nhật. Tuy nhiên, dấu vết của các phương ngữ vẫn có thể tìm thấy, đáng chú ý nhất là phương ngữ Kansai kế thừa từ phương ngữ Kinai nổi tiếng. Dưới đây là 5 từ lóng đặc trưng khác biệt giữa phương ngữ Kanto và Kansai.
Arigatou và Ookini
Mở đầu danh sách là cách nói cảm ơn khác biệt của vùng Kansai. Thay vì dùng “ありがとう – Arigatou” thông dụng như ở Kanto, tại Kansai, từ “おおきに – Ookini” lại được sử dụng.
Ookini là viết tắt của cụm từ “おおきにありがとう – Ookini arigatou – Cảm ơn rất nhiều”, được sử dụng phổ biến ở Kansai như từ thay thế cho Arigatou. Theo thời gian, từ viết tắt này trở thành hình ảnh thu nhỏ cho văn hóa bình dân, gần gũi của Kansai so với Tokyo, đến mức nên tránh dùng trong quan hệ đối tác kinh doanh quan trọng. Bởi ở bất kỳ tình huống nào, Ookini cũng bị xem là cách nói quá suồng sã.
Xem thêm: Những điểm khác nhau thú vị giữa vùng Kanto và Kansai
Totemo và Metcha
"めっちゃ – Metcha" với nghĩa “rất” là một từ khá phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ ở vùng Kansai, được dùng làm trạng từ thay thế cho "とても – Totemo" trong phương ngữ Kanto. Trong khi Totemo có ba âm tiết, thì Metcha chỉ có hai, giúp cho câu nói trở nên trôi chảy hơn.
Đây là một từ khá vui để ghi nhớ với ai mới bắt đầu học tiếng Nhật. Mang ý nghĩa đơn giản và có thể linh hoạt sử dụng trong hầu hết các cuộc hội thoại, sử dụng Metcha còn giúp bạn thể hiện thành ý sẵn sàng học hỏi phương ngữ Kansai khi có dịp giao tiếp với người bản xứ.
Hontou và Honma
Ở Kanto, "ほんとう – Hontou" với nghĩa “sự thật, thật sự” là một trong những từ căn bản dùng trong giao tiếp, đây cũng là một cách tuyệt vời để bày tỏ rõ ràng cảm xúc của bạn về một vấn đề gì đó. Tuy nhiên, tại Kansai, nhiều người sẽ cho rằng bạn đang nói chuyện khá trang trọng khi dùng từ này, thay vào đó, cách hay nhất vẫn là chuyển sang từ "ほんま – Honma" cho các cuộc hội thoại thông thường.
Tương tự như Metcha, Honma cũng là một trạng từ ít trang trọng trong phương ngữ Kansai. Hiểu rõ điều này phần nào giúp bạn đạt hiệu quả giao tiếp tốt hơn với người dân bản địa.
Xem thêm: Kansai, Kinki, Kinai: Nguồn gốc và ý nghĩa của các tên gọi
Ikura và Nanbo
"いくら – Ikura" là từ quan trọng mà bất kỳ ai có ý định đến Nhật cũng nên nằm lòng. Tuy nhiên, bạn sẽ khá ngạc nhiên khi nó là từ hoàn toàn khác ở vùng Kansai.
"なんぼ – Nanbo" là biến thể của từ “なにほど – Nanihodo" mang nghĩa “bao nhiêu” nhưng lại được dùng để hỏi giá cả tại cửa hàng hay giá món ăn trong thực đơn nhà hàng tại Kansai. Nếu có dịp ghé đến các con đường ở khu phố ẩm thực Dotonbori với các quầy Yatai bán Takoyaki, đừng quên dùng từ “Nanbo” nếu muốn hỏi giá nhé!
Shouganai và Shaanai
"しょうがない – Shouganai" có khá nhiều nghĩa như vô vọng, việc không thể tránh khỏi hay không thể kiểm soát. Đôi khi, nó còn có nghĩa là tiêu rồi, không thể làm được và khó khăn.
Mặt khác, từ này trong phiên bản tiếng Kansai là "しゃあない – Shaanai" có nghĩa chính là “không thể khác được” hay “nó là vậy đó”. Có thể thấy, ý nghĩa bi quan của Shouganai trong phương ngữ Kansai đã được thay bằng tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi thứ - một đặc trưng của người Osaka: luôn nhìn về tương lai thay vì boăn khoăn về hiện tại.
Trên đây là một số từ điển hình mà bạn dễ nghe thấy khi du ngoạn đến vùng Kansai. Đừng bỏ qua cơ hội lắng nghe người dân địa phương trò chuyện bởi qua đó, bạn có thể khám phá cả chân trời nét đẹp trong ngôn ngữ giữa Kansai và Kanto – hai khu vực lớn của nước Nhật.
kilala.vn