Những từ vựng tiếng Nhật bị “xóa sổ” khỏi từ điển
Bài: Happy
Sep 10, 2022
Nguồn: Spoon & Tamago
Những câu chuyện về từ vựng luôn có một sức hút mãnh liệt đối với người học ngôn ngữ. Tìm hiểu về câu chuyện mang bối cảnh thời đại đằng sau mỗi từ vựng là cách khơi gợi lên sự đam mê và niềm hứng thú học tiếng, đặc biệt là với Nhật ngữ, một thứ ngôn ngữ đầy thú vị nhưng cực khó chinh phục.
Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng vận động và phát triển. Trong đó, có những từ vựng mới được sinh ra, nhưng cũng có những từ vựng dần biến mất theo thời gian. Và tiếng Nhật cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Trong suốt 60 năm qua, nhà xuất bản sách Sanseido Nhật Bản vẫn duy trì cập nhật và phát hành một trong những bộ từ điển phổ biến nhất Nhật Bản. Cứ vài năm, từ điển này này lại trải qua một đợt sửa đổi, trong đó, có các từ mới được thêm vào và có những từ cũ bị loại ra.
Phiên bản từ điển vừa được công bố gần đây của Sanseido có 3.500 từ mới được thêm vào và 1.100 từ bị loại bỏ. Cùng tìm hiểu một vài từ vựng vừa bị “xóa sổ” gần đây và câu chuyện đằng sau sự biến mất của chúng nhé!
Teleka (テレカ), viết tắt của của telephone card (テレフォンかード)
Lý do bị xóa sổ: ít được sử dụng
Thẻ điện thoại xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1982 và những năm 90 được xem là thời kỳ hoàng kim của loại hình dịch vụ này. Cùng với bốt điện thoại công cộng, thẻ điện thoại đã trở thành một trong những biểu tượng cho sự phát triển của ngành công nghiệp viễn thông.
Nhưng với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của chiếc điện thoại thông minh tích hợp nhiều tiện ích như hiện nay, điện thoại công cộng dần trở nên lỗi thời, ít được sử dụng. Theo đó, thẻ điện thoại cũng chìm dần vào quên lãng, hiếm khi được nhắc tới dù chưa hoàn toàn biến mất.
Ngày nay, nhiều nơi ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại các bốt điện thoại công cộng, nhưng cũng không thường xuyên được sử dụng, phần lớn người dùng là những cụ già.
Mặt khác, người ta cũng có thể dùng tiền xu (đồng 10 yên hoặc 100 yên) để thực hiện cuộc gọi ở bốt điện thoại, cách thức này tiện lợi hơn rất nhiều. Có lẽ vì vậy, thẻ điện thoại chẳng còn được mấy ai sử dụng và nhắc đến, từ vựng về nó cũng dần biến mất theo thời gian.
Chakumero (着メロ), viết tắt của chakushin melody (着信メロディ)
Lý do bị xóa sổ: ít được sử dụng
Vào thời kỳ đầu khi điện thoại di động mới vừa ra mắt thị trường, nhạc chuông điện thoại rất phổ biến. Âm thanh khi nhận được cuộc gọi thoại, âm thanh khi nhận được tin nhắn..., tất cả đều có thể được người dùng tùy chỉnh theo ý thích của mình.
Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh, nhiều ứng dụng chat và nhắn tin ra đời với hàng loạt tính năng vượt trội và vô cùng tiện lợi như khả năng gửi nhận SMS/MMS, hỗ trợ ảnh GIF động, cho phép chia sẻ địa điểm... khiến cho thói quen của người dùng thay đổi.
Giờ đây, tần suất người dùng sử dụng điện thoại để nghe gọi như thông thường đã giảm đáng kể, thay vào đó người ta chuyển sang dùng những ứng dụng nhắn tin đầy tiện ích để liên lạc khi cần thiết. Do đó, việc tải xuống những bản nhạc chuông cũng trở nên hiếm.
Nhiều người trẻ tuổi ở Nhật Bản cho biết, họ hầu như không bao giờ sử dụng cuộc gọi thoại.
Thay vào đó, LINE - ứng dụng miễn phí chuyên về dịch vụ nhắn tin tức thời cho các thiết bị như smartphone, tablet hay máy tính trở thành phương tiện liên lạc, kết nối phổ biến nhất ở quốc gia này.
Cùng với sự suy giảm về tần suất sử dụng cuộc gọi thoại cũng như tùy chỉnh nhạc chuông của người dùng, từ vựng liên quan đến nhạc chuông cũng ngày càng ít được nhắc đến trong những cuộc hội thoại hằng ngày.
Kogyaru (コギャル), một phong cách thời trang ở Nhật Bản
Lý do bị xóa sổ: xu hướng đã lỗi thời
Khi nói về văn hóa thập niên 90 ở Nhật Bản, không thể không nhắc đến Kogyaru – một nhánh nhỏ của phong cách thời trang kỳ lạ Gyaru ra đời ở xứ sở này.
Chữ “Ko – 子” trong cái tên Kogyaru nghĩa là trẻ em. Chính vì vậy, đây là phong cách thời trang liên quan đến việc các nữ sinh biến tấu với đồng phục học sinh của mình như cắt ngắn váy, đi tất rộng và thường xuyên nhuộm tóc.
Phong cách này đã trở thành một phần của văn hóa Shibuya lan rộng trên khắp đất nước mặt trời mọc. Được yêu thích bởi vẻ hoang dã, nổi loạn và gợi cảm, Kogyaru đã có những ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa tiêu dùng cũng như tiếng lóng trong ngôn ngữ Nhật.
Xem thêm: 4 phong cách thời trang kỳ lạ chỉ có ở Nhật Bản
Takarasienne (タカラジェンヌ), từ ghép giữa Takarazuka và Parisienne
Lý do bị xóa sổ: Cần loại bỏ một số danh từ riêng
Takarazuka Revue là một đoàn nhạc kịch của Nhật Bản ra đời vào năm 1913 ở Takarazuka, tỉnh Hyogo, với chỉ toàn nữ nghệ sĩ đảm nhiệm cả vai nữ lẫn vai nam. Nhạc kịch Takarazuka ra đời tượng trưng cho một cuộc cách mạng nữ quyền, thể hiện ước muốn bình đẳng của phụ nữ Nhật Bản trong vai trò và địa vị xã hội, phá bỏ ranh giới về giới tính. Hiện nay, nhạc kịch Takarazuka đã có nhà hát riêng hoành tráng ở Hyogo, Osaka và Tokyo.
Thuật ngữ “Takarasienne” là một phép chơi chữ kết hợp giữa từ “Takarazuka” và “Parisienne” (phụ nữ Paris), được dùng làm biệt danh để gọi các nữ diễn viên của nhà hát Takarazuka một cách trìu mến.
Xem thêm: Amami Yuki: Nữ diễn viên gây sốt một thời vì quá "đẹp trai"
MD, viết tắt của MiniDisc
Lý do bị xóa sổ: ít được sử dụng, thị trường thu hẹp
Năm 1992, với hy vọng và ước mơ định hình giải trí âm nhạc cá nhân, Sony đã cho trình làng loại đĩa ghi dữ liệu MiniDisc (MD).
Tuy nhiên, MD của Sony đã không chinh phục được thị trường bởi công nghệ này có giá quá cao, và giới trẻ – đối tượng khách hàng mục tiêu của hãng không tìm được lý do để chuyển sang sử dụng loại đĩa này thay vì đĩa CD hay băng cát-xét.
Cùng với đó, sự xuất hiện của các loại máy nghe nhạc kỹ thuật số hiện đại sau này như các dòng máy MP3, Ipod... có thể phát nhạc từ các tập tin nhạc số mà không cần dùng đến băng đĩa đã khiến đĩa MD của Sony bị lấn lướt.
Đến năm 2013, Sony đã chính thức “khai tử” MD và các thiết bị đọc đĩa, từng là vật gửi gắm hy vọng một thời của hãng.
Succhi (スッチ), viết tắt của suchuwaadesu (スチュワーデス)
Lý do bị xóa sổ: thuật ngữ cũ
“Suchi” hay “suchuwaadesu” trong tiếng Anh là “stewardess”, nghĩa là nữ tiếp viên hàng không.
Từ những năm 1980, Nhật Bản bắt đầu có xu hướng thay đổi các tên nghề nghiệp phân biệt nam, nữ thành những tên gọi chung cho cả hai giới. Vì vậy, ngày nay, để nói về tiếp viên hàng không, người Nhật thường sử dùng cụm từ “kyakushitsujoumuin - 客室乗務員” hoặc từ katakana “フライトアテンダント” (phiên âm từ “flight attendant” trong tiếng Anh).
Tham khảo thêm một số từ vựng khác cũng bị "xóa sổ"
- 伝言ダイヤル (dengon dial – một dịch vụ ghi, phát tin nhắn thoại của NTT Communications)
- プロフ (purofu; rút gọn của “profile”)
- 携番 (keiban; rút gọn của keitai bango – số điện thoại di động)
- 企業戦士 (kigyosenshi; “chiến binh công ty” – những nhân viên vô cùng chăm chỉ)
- パソコン通信 (pasokon tsushin; hệ thống truyền tin máy tính)
- 赤外線通信 (sekigaisen tsushin; hệ thống truyền tin hồng ngoại)
- カラーコーディネート (color coordinator – người phối màu)
- マイナスイオン (mainasu ion – ion âm)
Xem thêm: Top 10 từ lóng thịnh hành của Gen Z Nhật năm 2022
kilala.vn