Những từ có nguồn gốc tiếng Nhật bước ra thế giới

Bài: Tora
Jun 14, 2023

Nguồn: gaijinpot

Trong quá trình tương tác với thế giới, nước Nhật để lại những ấn tượng về ngôn ngữ. Một số từ tiếng Nhật như Karaoke, Emoji đã được "quốc tế hóa", trở thành cầu nối giữa xứ sở hoa anh đào và thế giới.

Tiếng Nhật có rất nhiều từ "外来語 - Gairaigo - Ngoại Lai Ngữ", nghĩa là từ mượn tiếng nước ngoài. Nhiều trong số này có nguồn gốc từ tiếng Anh, như Aidoru (idol - thần tượng), Jetto Kousuta (jet coaster - tàu lượn siêu tốc). Ngược lại, tiếng Anh cũng vay mượn nhiều từ tiếng Nhật. Hãy cùng Kilala tìm hiểu những từ tiếng Nhật quen thuộc, xuất hiện rộng rãi ở quốc tế nhé!

Sudoku

"Sudoku - 数独" mang ý nghĩa là "con số độc nhất", được ghép từ chữ "数" trong "suuji - 数字" (con số) và "独" trong "dokushin - 独身" (một mình). Nó vốn bắt nguồn từ câu “Suuji wa dokushin ni kagiru – những con số chỉ xuất hiện một lần”.

sodoku
Ảnh: Days of the year 

Maki Kaji – người sáng lập tạp chí giải đố Nikoli – phát hiện trò này và giới thiệu Sudoku tại Nhật vào 1984. Trò chơi nhanh chóng phổ biến tại đất nước mặt trời mọc.

Sau khi Wayne Gould dành sáu năm thiết kế phần mềm trò chơi và giới thiệu nó trên các tờ báo của Anh, Sudoku được nhắc đến thường xuyên, trở thành một từ ai cũng biết. 

Tycoon

Tycoon chỉ một doanh nhân được miêu tả là "tinh hoa hội tụ" - sở hữu nhiều tiền và quyền của giới tư bản. 

đàn ông vì tiền và vì quyền
Tycoon là những ông trùm, có tiềm lực tài chính và có sức ảnh hưởng trong giới kinh tế - chính trị.  

Điều ngạc nhiên là từ này xuất phát từ tiếng Nhật. Cuối thời kỳ Edo (1603-1868), Nhật Bản nằm dưới sự cai trị của Mạc phủ Tokugawa. "Taikun - 大君" được sử dụng để chỉ các tướng quân (shogun) trên các văn kiện ngoại giao. 

Theo thời gian, Taikun có biến thể là Tycoon ở các nước phương Tây, dùng để chỉ những người đàn ông giàu có và quyền lực.

Nó được đưa vào hệ ngôn ngữ tiếng Anh năm 1860 khi phái đoàn ngoại giao Nhật Bản đầu tiên đến Mỹ. Chính khách người Mỹ John Hay cũng sử dụng từ này để mô tả về Abraham Lincoln vào năm 1861, từ đó trở thành biệt danh của tổng thống thứ 16 của Mỹ.

Skosh

Skosh có nghĩa là "một chút" và xuất phát từ chữ "Sukoshi - 少し" với nghĩa tương tự. Người nói đã bỏ nguyên âm U và I để có thể dễ phát âm hơn. 

môt chút xíu
Ảnh: The verge

Theo từ điển Merriam-Webster, từ này lần đầu tiên được lính Mỹ đóng quân tại Nhật Bản sau khi Thế chiến II kết thúc sử dụng.  Dần dần,  skosh thường dùng làm biệt danh cho những người lính có vóc dáng thấp bé.

Honcho

Honcho là cách nói trại của "Hancho - 班長" (đội trưởng). Đây là một từ tiếng Nhật khác được phát triển thông qua đời sống quân đội. Đối với những người lính Mỹ, Honcho có nghĩa là người quản lý, chịu trách nhiệm.

Từ này được sử dụng rộng rãi hơn khi ứng cử viên tổng thống Barry Goldwater gọi giám đốc chiến dịch tranh cử của mình là “honcho đứng đầu” trong một cuộc họp báo năm 1964.

Karaoke

Karaoke là một từ cực kỳ nổi tiếng tại châu Á, đặc biệt với người Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines. Ai cũng biết hát Karaoke là một hoạt động giải trí tuyệt vời sau giờ làm việc. 

hát karaoke
Ảnh: Japan Times

"Karaoke - カラオケ" là một từ tiếng Nhật, ban đầu được kỹ sư Nhật sử dụng nhằm chỉ "nhạc nền không lời".

Karaoke là một từ ghép bởi chữ “kara” -  viết tắt của từ “karappo - 空っぽ”, nghĩa là trống rỗng và “oke” – viết tắt của từ “oukesutora - オーケストラ” nghĩa là dàn nhạc (orchestra). Vì vậy, "karaoke" có nghĩa là "không có dàn nhạc", ý chỉ hình thức ca hát mà không cần bất cứ nhạc cụ nào.

Emoji

Nhà thiết kế Shigetaka Kurita được xem là cha đẻ của các biểu tượng cảm xúc ngày nay. Năm 1999, NTT Docomo - công ty điện thoại di động của Nhật Bản - đã phát hành một bộ 176 biểu tượng cảm xúc cho điện thoại di động và máy nhắn tin.

emoji nhật bản
Bộ emoji do NTT DOCOMO sáng tạo. Ảnh: Moca

Khi được viết bằng tiếng Nhật, từ emoji được tạo thành từ ba chữ Kanji là "絵  - Hội", "文 - Văn" và "字 - Tự", nghĩa là ký tự hình ảnh.

Sự tương đồng giữa Emoji và từ tiếng Anh Emotion (cảm xúc) càng khiến Emoji trở nên hợp lý như những ký tự đặc biệt bày tỏ suy nghĩ, thái độ.

Năm 2015, từ điển Oxford ghi nhận emoji “Mặt vừa cười vừa khóc” là “Từ của năm” vì biểu tượng này được tuổi teen ưa dùng. 

emoji

Đại diện từ điển nhận đinh: “Emoji trở thành hiện thân cho một khía cạnh cốt lõi của cuộc sống trong thế giới kỹ thuật số trực quan, đầy cảm xúc và ngay lập tức gây nghiện”.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, hơn 900 triệu emoji được gửi đi trên Facebook, hơn phân nửa bình luận của Instagram cũng ở dưới dạng emoji.

Xem thêm: Kaomoji - Những biểu tượng cảm xúc đáng yêu

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU