Những thay đổi trong ngôn ngữ thường ngày của người Nhật
Bài: Happy
Nov 3, 2022
Nguồn: Nippon
Một cuộc khảo sát gần đây của cơ quan về các vấn đề văn hóa của Nhật Bản cho thấy có những thay đổi trong việc sử dụng ngôn ngữ của người Nhật.
Chính phủ Nhật Bản đã gửi các bảng câu hỏi một cách ngẫu nhiên tới 6.000 người từ 16 tuổi trở lên và thu được câu trả lời của khoảng 3.600 người tham gia.
Theo kết quả khảo sát, khi muốn nói rằng một thứ gì đó “cực kỳ nhanh”, người Nhật hiện có xu hướng dùng “sugoi hayai – すごい速い” thay vì dạng chuẩn là “sugoku hayai – すごくはやい”.
Trong tiếng Nhật, thông thường khi sử dụng tính từ đuôi –i với vai trò trạng từ, đuôi –i sẽ được chuyển thành đuôi –ku (trong trường hợp này sugoi phải chuyển thành sugoku).
Tuy nhiên, số người nói “sugoi hayai” đã tăng từ 43,1% trong cuộc khảo sát vào năm tài chính 1996 lên 59% trong năm tài chính 2021. Hơn 70% người trong độ tuổi từ 15 đến 40 cho biết họ đã sử dụng cách diễn đạt trên.
Một thay đổi khác trong cách sử dụng ngôn ngữ là ngày càng có nhiều người sử dụng “nanige ni - 何気に” thay vì cách nói chuẩn “nanige naku - 何気なく” để diễn đạt ý nghĩa “tình cờ” hoặc “vô tình”. Vào năm 1996, số người sử dụng “nanige ni” chỉ có 8,8% nhưng đến năm 2021, con số này đã tăng lên 47,1%.
Tiếng Nhật có cụm từ “chuuto hanpa de nai – 中途半端でない” để diễn tả một điều gì đó vô cùng tuyệt vời, phi thường, ngoài sức tưởng tượng. Hiện nay, “hanpa nai - 半端ない”, cách diễn đạt ngắn ngọn của cụm từ trên ngày càng được nhiều người ưa dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong năm 2011, tỷ lệ người dùng “hanpa nai” là 20,1%, nay đã tăng lên 46,4% vào năm 2021.
“Hanpa naitte – 半端ないって”, một biến thể khác với ý nghĩa tương tự đã trở thành một trong những từ lóng thịnh hành nhất trong năm 2018, gắn liền với màn trình diễn ấn tượng của tuyển thủ quốc gia Osako Yuya, khi cầu thủ này đánh đầu ghi bàn ấn định chiến thắng của những “chiến binh Samurai xanh” trước đối thủ mạnh là Columbia tại kỳ FIFA World Cup trên đất Nga.
Bên cạnh đó, để diễn tả ý nghĩa “nói thẳng, nói rõ ra”, thay vì sử dụng động từ “uchiakeru - 打ち明ける” hoặc ít trang trọng hơn là “butchakeru - ぶっちゃける”, người Nhật có khuynh hướng sử dụng “butchake - ぶっちゃけ” thay thế.
Cụm từ này phổ biến ở thanh thiếu niên cho đến những người ở độ tuổi 50, với tỷ lệ sử dụng hàng đầu ở các cá nhân độ tuổi 30 là 70,6%.
Tuy nhiên, không phải tất cả các từ ngữ mới đều có cùng một mức độ phổ biến. “Mieruka - 見える化” , nghĩa là “hình ảnh hóa” hoặc “quản lý trực quan”, phổ biến nhất ở những người được hỏi trong độ tuổi từ 30 đến 59, nhưng chỉ 30% nói rằng họ sử dụng từ này.
Được biết, cơ quan Văn hóa Nhật Bản đã theo dõi những thay đổi trong ngôn ngữ kể từ năm 1995.
Xem thêm: Top 10 từ lóng thịnh hành của Gen Z Nhật đầu năm 2022
kilala.vn