Giải mã những cụm từ viết tắt của gen Z xứ Phù Tang

Bài: Ciro
Jun 12, 2023

Nguồn: Gaijinpot

Giới trẻ Nhật Bản rất thành thạo trong việc rút gọn các cụm từ tiếng Nhật phức tạp thành một vài chữ cái Latinh. Cách viết tắt kiểu như vậy đặc biệt phổ biến trên các diễn đàn mạng, và gần đây đã lan rộng vào thế giới thực. Dưới đây là một số từ viết tắt thú vị (và đôi khi hơi thô lỗ) đã xuất hiện trong tin nhắn, bảng tin và thậm chí cả các cuộc trò chuyện ngoài đời.

giải mã những cụm từ viết tắt của cư dân mạng xứ phù tang
Những từ lóng của Gen Z ở Nhật Bản. Ảnh: Gaijinpot

KY: Không thể nắm bắt được tình huống

Nhiều người đã quen thuộc với việc KY là viết tắt của cụm từ "Kiken Yochi - 危険予知", chỉ hoạt động nhằm khuyến khích nhận biết, dự báo những hiểm nguy có thể xảy ra tại nơi làm việc. Tuy nhiên, với giới trẻ xứ Phù Tang, hai chữ cái này còn mang một ý nghĩa khác.

Tiếng Nhật có cụm từ “kuuki yomenai - 空気読めない ” với nghĩa đen là “không thể đọc được không khí”, được dùng để miêu tả việc không thể nắm bắt, phán đoán được tình huống đang diễn ra. Và KY chính là cách mà cư dân mạng xứ Phù Tang “mã hóa” cụm từ này, K lấy từ “kuuki – không khí” và Y đại diện cho “yomenai – không thể đọc được”.

Xem thêm: Nghe một hiểu mười: Đặc trưng giao tiếp gây "hoang mang" của người Nhật

W và WKTK: Hài hước và hào hứng

Chữ “w” khá phổ biến trên các diễn đàn mạng Nhật Bản. Chữ cái này là cách viết đại diện cho “warau - 笑う”, nghĩa là cười trong tiếng Nhật, để phản hồi nhanh một bình luận hài hước (kiểu như “lol – laugh out loud” trong tiếng Anh), thường được sử dụng nhiều bởi phái nữ.

Trong khi đó, “wkwk”, được tạo thành từ hai từ tượng thanh trong tiếng Nhật là “wakuwaku  - ワクワク” diễn tả tâm trạng háo hức, phấn khích và “tekateka -テカテカ”, nghĩa là lấp lánh, sáng bóng. Sự kết hợp này tạo nên nghĩa “phấn khích, hào hứng đến mức hoàn toàn choáng ngợp”. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp từ “wkwk” trong các phiên livestream hoặc ở phần bình luận khi một ngôi sao thông báo chuyến lưu diễn hay dự án mới...

wkwk là gì
Wkwk là gì? Tại sao các diễn đàn mạng Nhật Bản lại sử dụng nhiều?

DQN: ngu ngốc, rác rưởi

DQN, cách viết bằng chữ cái Latinh của “dokyun – どきゅん”, là một từ lóng được sử dụng để mô tả một người ngu ngốc, một kẻ tầm thường hoặc rác rưởi.

dqn
Từ lóng "DQN" mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Ảnh: buhitter.com

Từ lóng này được cho là bắt nguồn từ tiêu đề “Mokugeki! Dokyun”, một chương trình truyền hình nổi tiếng tư vấn cho những người gặp rắc rối với những hành vi điên rồ của người khác.

Khoảng cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, “DQN” thực sự nổi lên trên các diễn đàn mạng của Nhật Bản, và được dùng để mô tả những người có hành vi đáng ghét hoặc gây rối. Theo thời gian, ý nghĩa của từ này đã bao gồm thêm một loạt các đặc điểm tiêu cực hơn như phạm pháp, lười biếng, thiếu tham vọng và nhận thức chung về xã hội.

KWSK và GGR: tra Google đi

KWSK là một dạng rút gọn của “kuwashiku – 詳しく” (chi tiết, cụ thể) và được sử dụng để yêu cầu ai đó đi vào chi tiết hơn về điều đang thảo luận. Còn GGR là viết tắt của “gugure - ググレ”, dạng mệnh lệnh (đổi ru thành re) của động từ tiếng Nhật “guguru -  ググる”, nghĩa là hãy tra cứu bằng Google.

kwsk và ggr
Ảnh: Gaijinpot

Orz

“Orz” là một từ lóng vui nhộn nhưng lại không thực sự mang ý nghĩa nào. Ba chữ cái “orz” chỉ đơn giản là khi xếp cạnh nhau sẽ tạo ra hình dáng một người đang gục ngã.

tư thế orz
"Orz" chỉ là một từ  giống tư thế một người đang gục ngã. Ảnh: hinative.com

Xem thêmNhững từ lóng cửa miệng của giới trẻ Nhật

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU