Là một trong những cây bút giá trị của Kilala với những bài dịch, bài viết chuyên sâu về ngôn ngữ Nhật, Nhà văn - Dịch giả - nhà giáo Hoàng Long chia sẻ về những tâm tư của thầy với sinh viên việc học tiếng Nhật hiện nay.
Hiện nay nhiều bạn chia cách học tiếng Nhật thành 2 loại: Ngôn ngữ ứng dụng, tập trung nghe nói cấp tốc, Ngôn ngữ hàn lâm nghiên cứu từng chữ cái và cho rằng kiểu học Ngôn ngữ hàn lâm chỉ dành cho những ai nghiên cứu sâu, khó tìm được việc làm, khó ứng dụng trong cuộc sống. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thực ra phân chia thành ngôn ngữ ứng dụng và hàn lâm chỉ mang tính tương đối. Đúng là ngôn ngữ ứng dụng là cần thiết và phổ biến trong cuộc sống. Và chúng ta cứ nghĩ rằng ngôn ngữ hàn lâm chỉ để đọc những tác phẩm kinh điển, dành cho những người nghiên cứu sâu. Đặc trưng của ngôn ngữ hàn lâm là tính trang trọng, cách diễn đạt sâu sắc, dùng nhiều thành ngữ và điển cố. Thế nhưng chúng ta cứ nên xem đó là một dạng khuôn mẫu thôi. Đâu phải môi trường kinh doanh chỉ toàn ngôn ngữ ứng dụng đâu chứ? Khi chúng ta viết một tấm thiệp cám ơn hay chúc tết khách hàng, hay một bức thư giới thiệu về công ty mình là chúng ta đã dùng văn phong trang trọng với ngôn ngữ hàn lâm rồi.
Mảng nào cũng có thế mạnh riêng của nó. Có những công việc cần ngôn ngữ ứng dụng như phiên dịch nhà máy, tiếp xúc khách hàng… nhưng cũng có những công việc cần cả ngôn ngữ hàn lâm. Nếu chúng ta yêu thích và thông thạo ngôn ngữ hàn lâm thì đó là một thế mạnh ít ai sánh kịp. Vì giữa những người coi trọng ngôn ngữ ứng dụng, một người có thể viết được những mẫu thư trang trọng giúp nâng cao hình ảnh công ty trong mắt khách hàng bạn sẽ là tài sản quý giá của cả công ty. Vấn đề nằm ở sự lựa chọn. Nếu bạn chọn sự dễ dàng thì bạn sẽ mãi mãi là một phần của đám đông huyên náo. Nếu bạn chọn sự khó khăn với lòng kiên trì bạn có thể thụ hưởng được những thành công ngoài mong đợi, nếm trải được sự ngọt ngào trong im lặng đỉnh cao.
Là một trong những cây bút giá trị của Kilala với những bài dịch, bài viết chuyên sâu về ngôn ngữ Nhật, anh có đánh giá gì về sự thay đổi của tiếng Nhật hiện đại (nếu có)?
Ngôn ngữ luôn mang tính xã hội, có nghĩa là nó sẽ luôn có sự thay đổi bổ sung liên tục theo dòng thời gian. Những từ mới, nghĩa mới xuất hiện liên tục, những từ cũ thay đổi sắc thái nghĩa hay bị mất đi không còn sử dụng nữa. Tiếng Nhật hay tiếng Việt cũng như vậy. Nếu chúng ta đọc thơ Nguyễn Trãi sẽ thấy tiếng Việt cách đây sáu trăm năm rất khác bây giờ. Hay nếu đọc một tác phẩm văn học đầu thời Minh Trị hay những bài tanka từ thời Heian và so sánh với tiếng Nhật của những nhà văn hiện đại như Murakami Haruki chúng ta sẽ thấy khác biệt lớn. Chính vì vậy mà trong chương trình học của Nhật Bản luôn có môn quốc ngữ (kokugo 国語) trong đó có phần Cổ văn (Kobun 古文) để học và giải thích về những tác phẩm kinh điển. Với kinh nghiệm cá nhân tôi thấy tiếng Nhật ngày càng dễ đọc, bớt đi nhiều từ Kanji khó hiểu thay vào đó là những từ nước ngoài phiên âm Katakana. Đó cũng là ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến ngôn ngữ vậy.
Có một nghịch lý là hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam không tìm được nhân sự phù hợp mặc dù người Việt biết tiếng Nhật đạt trình độ N1 đang khá nhiều. Theo anh, các sinh viên nên định hướng như thế nào để tăng giá trị cá nhân của mình?
Tôi vẫn hay nói với sinh viên của mình rằng bằng cấp chỉ là sự xác nhận lượng kiến thức mình đã học qua thôi chứ không có ý nghĩa gì hết. Cho dù mình có bằng N1 mà không tiếp tục hỏi, không vận dụng được kiến thức tĩnh tại đã học vào cuộc sống để biến thành kiến thức sống động và trải nghiệm cá nhân thì không có ý nghĩa gì cả. Ngoại ngữ chỉ là một phần yêu cầu của công việc, một phần của giá trị tự thân. Nếu chúng ta không có những kiến thức cơ bản về công việc mình làm, những kỹ năng mềm bắt buộc và một sự trải nghiệm cần thiết, bằng cấp ngoại ngữ cũng chỉ trở thành một món đồ trang sức mà thôi. Điều quan trọng nhất để thành công là không ngừng nỗ lực đầu tư vào bản thân qua giáo dục vì bản thân mình là tài sản có giá trị nhất.
Có nhiều bạn sinh viên trong suốt bốn năm chưa bao giờ xem trọng việc đọc sách và suy ngẫm. Tầm nhìn ngắn hạn, không biết mình muốn gì cần gì là một điều rất nguy hiểm. Điều đó dẫn đến cách làm ăn chụp giựt, cách sống nông nổi, thái độ hời hợt và một cuộc đời thất bại. Theo tôi giá trị cá nhân phải nằm ở tầm nhìn do có kiến thức, học hỏi, tiếp xúc với những người ưu tú; thái độ nghiêm túc với công việc và cuộc sống, sự tu dưỡng bản thân để không bị lung lạc trong những hoàn cảnh khó khăn, kiên trì đi theo con đường mình đã chọn. Những điều này không thể đạt được trong một sớm một chiều, ngắn gọn là chúng ta cần phải có kế hoạch cuộc đời. Nếu không lên kế hoạch có nghĩa là bạn đã lên kế hoạch để thất bại.
Dù đạt trình độ N1, N2, một số bạn vẫn không thể giao tiếp trôi chảy, khó diễn giải ý của người nói trong phiên dịch, theo kinh nghiệm của anh, có những phương pháp nào để cải thiện?
Phiên dịch và biên dịch đều là một quá trình giải thích văn bản, tình huống và chuyển tải ý nghĩa tương đương. Để làm tốt được công việc này, chúng ta phải hiểu được trường văn bản hay ngữ cảnh tình huống. Điều này phải trải nghiệm rất nhiều. Cùng một câu nói nhưng phải phân biệt được tình huống trang trọng hay thân mật, đối tượng nói và nghe, tình huống nào để có cách dịch cho phù hợp. Như người Nhật nói là phải biết “đọc không khí” (kuki wo yomeru 空気を読める) thì mới dịch tốt được. Hơn thế dịch là chuyển tải ý nghĩa tương đương thế nên công việc này đòi hỏi người dịch phải thành thạo hai ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Lấy ví dụ như chúng ta dịch từ Nhật sang Việt hay ngược lại thì chúng ta phải thành thạo cả hai thứ tiếng này. Thế nhưng các bạn sinh viên cứ mặc nhiên cho rằng mình là người Việt nên tiếng Việt đương nhiên giỏi rồi, cần gì học nữa. Ngộ nhận này rất nguy hiểm vì nó sẽ dẫn đến những trường hợp hiểu tiếng Nhật nói gì mà không biết diễn tả dịch tiếng Việt sao cho nhuần nhụy, trôi chảy, thanh thoát.
Cũng như tiếng Nhật, tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp, giàu âm điệu và có rất nhiều sắc thái tinh tế. Nếu như chúng ta không trau dồi tiếng Việt qua những tác phẩm văn chương hay nghệ thuật thì không bao giờ chúng ta đạt đến cảnh giới tối cao (ichiryu一流). Chính vì vậy, theo tôi các bạn nên tìm cơ hội rèn luyện nhiều việc dịch để có trải nghiệm, hình thành nên một cái trực giác nghề nghiệp (kan 勘hay sensuセンス). Nếu chưa có cơ hội dịch thực tiễn, chúng ta có thể tập bằng cách xem một bộ phim Nhật, tắt phụ đề rồi phán đoán ngữ cảnh tình huống và tập dịch. Dần dần chúng ta sẽ quen với cách suy nghĩ và cách sử dụng ngôn ngữ của người Nhật thôi. Ngoài ra chúng ta nên dành thời gian đọc các tác phẩm văn học kinh điển hay nghe những bản nhạc bất hủ, vừa giúp chúng ta tu dưỡng thẩm mỹ vừa giúp chúng ta học những từ và cách diễn đạt hay của tiếng Việt. Điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong công việc về sau.
Một điều nữa chúng ta cần phải nhớ là sự kiên trì. Thành Rome không thể xây trong một ngày. Nếu bạn muốn xây dựng một đế chế bạn phải kiên trì ít nhất hai đến ba mươi năm. Vì thế hãy chăm chỉ gieo hạt và kiên nhẫn chờ một vụ mùa bội thu.
kilala.vn
Thạc sĩ Văn hoá học Hoàng Long sinh năm 1980 tại Đà Lạt, đã từng sống và làm việc tại Nagoya, Nhật Bản. Một số tác phẩm đã xuất bản: Kawabata Yasunari, Tuyển tập tác phẩm (in chung), NXB Lao Động, 2005; truyện ngắn Murakami Haruki – Nghiên cứu và phê bình, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2006; Miyamoto Musashi, Con đường kiếm thuật, dịch và luận chú, NXB VHTT, 2007; Thế giới trùm chăn (tập truyện cực ngắn), NXB Hội Nhà Văn, 2007; Murakami Ryu, 69 (truyện dịch), NXB Hội Nhà Văn, 2008; Những tàn dư mưa (tập truyện cực ngắn), NXB Lao Động, 2011; Dazai Osamu, Thất lạc cõi người (truyện dịch), NXB Hội Nhà Văn, 2011.