Chinh phục N1 với 3 bí quyết từ Blogger Kira Nguyễn
Bài & Ảnh: Kira Nguyễn - The Hanoi ChamomileMay 23, 2019
Ba ứng dụng hữu ích
1. Phần mềm Jdict
Đây là ứng dụng từ điển Nhật-Việt mà mình đã dùng từ cách đây phải gần 6, 7 năm và hiện giờ nó vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mình. Điều mình thích nhất ở app này chính là việc mình có thể tra từ Kanji một cách nhanh chóng, và mỗi chữ Hán đều được giải thích một cách chi tiết, từ cách đọc, nét vẽ cho đến bộ mà chữ Hán sử dụng.
2. Ứng dụng học ngoại ngữ Quizlet
Bạn định làm flashcard bằng giấy? Mình có một đề xuất hay hơn. Hãy dùng Quizlet. Đây là một ứng dụng học ngoại ngữ siêu hay. Bạn có thể tạo ra một set ví dụ như từ vựng, sau đó tạo flashcard cho mỗi từ mà bạn muốn học. Sau khi bạn gõ vào từ mới tiếng Nhật (nhớ đặt language là Japanese), app sẽ tự động hiện ra ý nghĩa của từ đó ở dòng dưới, thậm chí là còn kèm theo cả ví dụ. Tuy nhiên phần chú giải này lại là bằng tiếng Anh, nên đối với ai không tự tin học flashcard Nhật-Anh thì chắc phải tự viết tay ý nghĩa tiếng Việt vào. Không chỉ dừng lại ở việc tạo flashcard, quizlet còn tạo ra một số chức năng như learn, test, game để học từ vụng hiệu quả hơn.
3. Ứng dụng Forest
Đây là ứng dụng giúp mình cải thiện sự tập trung. Bạn chỉ việc đặt giờ để app trồng cây, và trong khoảng thời gian đó, bạn không được sờ đến điện thoại. Nếu thoát khỏi màn hình ứng dụng thì cây đang trồng sẽ bị phá. Mình sử dụng app này, kết hợp với phương pháp học quả cà chua (Pomodoro), tức là học 25 phút thì nghỉ 5 phút, chia ra thành nhiều hiệp để học. Bạn có thể đọc bài này để hiểu thêm về phương pháp Pomodoro.
Tài liệu ôn thi
Sau khi tham khảo trên mạng một số đầu sách, mình quyết định sử dụng bộ sách Nihongo Sou-Matome (日本語総まとめ). Trên mạng có rất nhiều ý kiến khuyên sử dụng Shin-kanzen Master, vì họ cho rằng giáo trình có lí giải chi tiết, kĩ hơn cũng như bài tập phong phú hơn. Tuy vậy, mình thấy Sou-matome phù hợp với lộ trình học của mình hơn. Sách của Sou-Matome đều được thiết kế để học trong vòng 1-2 tháng, mỗi ngày 2 trang. Mình tạm thời mua trước 3 cuốn từ vựng, kanji và ngữ pháp. Mình chưa mua vội sách nghe và sách đọc, vì mình định ôn phần đó sau. Theo mình thì nên có một vốn từ vựng, ngữ pháp chắc tương đối thì sau đó làm nghe đọc sẽ dễ hơn.
Lộ trình ôn thi
Còn 3 tháng cho đến ngày thi JLPT, vì vậy mình sẽ chia thành 2 giai đoạn ôn thi, bao gồm giai đoạn 1: Củng cố (2 tháng đầu) và giai đoạn 2: Cấp tốc (1 tháng cuối). Ở bài viết này mình sẽ chia sẻ cụ thể về giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 thì còn tùy theo lộ trình học mà nó có thể thay đổi một chút nên sẽ cập nhật sau.
Giai đoạn 1: Củng cố
Phương pháp tự ôn N1 của mình ở giai đoạn 1 này là: mỗi ngày học 2 trang từ cuốn từ vựng, kanji và ngữ pháp của Sou-matome, và tổng thời gian ngồi học trên bàn không quá 3 tiếng. Thường thì mình sẽ học khoảng 1 tiếng đến tiếng rưỡi vào sáng sớm, và 1 tiếng trước khi đi ngủ. Theo tính toán của mình, Kanji tốn nhiều thời gian học và ghi nhớ nhất, tiếp đó là từ vựng, và cuối cùng là ngữ pháp.
Đây là ví dụ một ngày ôn N1 của mình:
+ Sáng: mình học ngữ pháp đầu tiên vì ngữ pháp là thứ khiến mình nhức nhối, khó chịu nhất. Khác với chữ hán hay từ vựng, việc học ngữ pháp đòi hỏi mình phải suy nghĩ rất nhiều mỗi khi ghi nhớ một cấu trúc. Bạn phải đọc đi đọc lại ví dụ, ghi nhớ các thì, thể chia, rồi nhớ ý nghĩa cấu trúc ngữ pháp. Nói chung là cái nào khó thì mình đặt lên đầu tiên để học, vì lúc đó vẫn giữ được sự tập trung nhất định. Mà mỗi ngày chỉ cần học 4 mẫu ngữ pháp, nên học cũng rất nhanh, chỉ mất khoảng 15 phút. Sau đó mình giành khoảng 1 tiếng học Kanji, cố gắng viết ra vở một số ví dụ, tra cứu chữ Hán đó ở trên từ điển, ghi nhớ phiên âm Hán Việt. Và cuối cùng thì sử dụng quizlet để học từ vựng. Mình thấy Sou-matome chia chủ đề học từ vựng rất hay. Việc lưu lại từ vựng vào quizlet chỉ mất có 5 đến 10 phút.
+ Tối: trước khi đi ngủ, mình giành khoảng 1 tiếng để ôn lại một chút kiến thức đã học trong 1 ngày. Mình lấy một tờ giấy A4 ra, viết đi viết lại những kanji nào chưa thuộc, đọc lại 4 cấu trúc ngữ pháp đã học buổi sáng, và rồi cầm điện thoại để học từ vựng qua quizlet.
Bộ sách Sou-matome cho từ vựng, kanji và ngữ pháp đều được thiết kế học trong 8 tuần (2 tháng), mỗi tuần sẽ có 6 ngày học kiến thức, và ngày thứ 7 sẽ làm bài tập (thực ra mỗi ngày đều có 1 bài tập nhỏ,nhưng ngày 7 sẽ chỉ toàn là bài tập). Bạn có thể giành ngày này để ôn lại toàn bộ những gì đã học trong vòng 1 tuần. Và vì là ngày cuối tuần nên bạn hoàn toàn có thể giành thêm thời gian để học nếu muốn.
Trong giai đoạn này, mình không học nghe và đọc theo giáo trình N1 nào, nhưng thay vào đó, mình đọc sách tiếng Nhật, nghe đài hoặc TV tiếng Nhật. Đối với mình, học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là ngồi trên bàn và cắm cúi vào sách vở học. Mình đem ngoại ngữ vào cuộc sống hàng ngày, ví dụ như mình luôn viết một trang nhật kí bằng tiếng Anh vào mỗi buổi sáng sớm, nghe podcast tiếng Anh khi đang đi dạo hoặc tập thể dục, viết blog tiếng Nhật tuần 1 lần, xem thời sự Nhật trên internet,… Điều đó giúp mình tạo thói quen Giờ thì có thể thêm việc ngồi “chơi game từ vựng” lúc rảnh rỗi, thay vì chơi game bình thường trên điện thoại.
Giai đoạn 1 này không đòi hỏi mọi người cần phải dành nhiều thời gian để ôn thi N1. Mỗi ngày 2-3 tiếng trên bàn học là đủ. Nhưng quan trọng là bạn phải duy trì việc học đều đặn, và thật tập trung trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Những bạn nào đi làm thì có thể học một chút vào sáng sớm trước khi đi làm. Còn khi về nếu mệt lả thì không cần phải ngồi học trên bàn nữa, lên giường nằm mở app quizlet ra lướt qua tí. Bạn có thể ghi nhớ cả chữ Hán lẫn cấu trúc ngữ pháp vào quizlet mà học.
Giai đoạn 2: Cấp tốc
Nước đến chân mới nhảy. Càng đến gần ngày thi thì chúng ta mới thực sự có động lực cho việc dốc hết sức để mà học. Nếu đã hoàn thành giai đoạn 1 một cách suôn sẻ, mình tin chắc là việc ôn thi N ở giai đoạn 2 này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Giai đoạn này kế hoạch học của mình là bắt đầu ôn luyện phần nghe, đọc, ôn lại dần tất cả các mẫu ngữ pháp, chữ Hán, từ vựng đã học từ 2 tháng trước, và ngồi làm đề. Lâu rồi mình không đụng đến phần thi nghe và đọc của N1 nên cũng không nhớ rõ như thế nào. Có lẽ mình sẽ tìm hiểu và chia sẻ với mọi người ở phần sau. Trước mắt, trong 1 tháng tới mình sẽ chỉ ôn tập từ vựng chữ hán và ngữ pháp theo đúng lộ trình của giai đoạn 1.
Một số tips
1. Mình thấy việc để nguyên sách học trên bàn sẽ giúp bản thân tránh phải đấu tranh với việc lôi sách ra học. Ví dụ như buổi tối học kanji mà sáng hôm sau muốn học tiếp thì cứ để nguyên cả bộ sách vở ở trên bàn, sáng hôm sau dậy chỉ việc ngồi vào bàn mà học.
2. Tắt 4G/WIFI khi học. Đặc biệt là khi mình dùng tới 2 app điện thoại gồm từ điển và quizlet trong khi học thì việc tắt mạng là điều bắt buộc. À, một chú ý nếu bạn sử dụng Forest. Nếu bạn sử dụng Forest thì bạn sẽ không được dùng 2 app kia nên mình nghĩ nên dùng Forest khi bạn cảm thấy không cần sự trợ giúp của từ điển hoặc quizlet, ví dụ như khi đang viết lại kanji vào giấy trắng chẳng hạn.
3. Đây là một trang web chứa tất cả những chương trình variety của Nhật. Mình đặc biệt rất thích xem 月曜から夜ふかし và ニンゲン観察バラエティ モニタリング . Bạn cứ xem thử một đoạn video bất kì xem có nghe được hết không. Mình nghĩ là nên bắt đầu làm quen với phần nghe từ những đoạn video hội thoại thực tế, rồi sau đó mới luyện nghe theo dạng ôn thi.
Mỗi người sẽ có một phương pháp ôn tập khác nhau, và cũng tùy vào sự lựa chọn giáo trình ôn tập nữa. Nhưng mình nghĩ lộ trình mà mình vạch ra theo kiểu START SMALL AND SET GOALS này khá là ổn. Tất nhiên, các vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra, ví dụ như có hôm đi cả ngày sẽ skip mất một buổi học, thế rồi tuy học theo đúng lộ trình nhưng hiệu quả chỉ là một nửa,… Cái đó nếu bản thân mình gặp phải thì chắc chắn sẽ phải điều chỉnh.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích phần nào cho những ai đang tìm cách học N1, cũng như N2 và N3. Nếu bạn nào học theo đầu sách Sou-matome thì có thể đi theo lộ trình của mình. Và mình cũng sẽ rất vui nếu nhận được nhiều sự góp ý từ mọi người xung quanh.
Good luck!
Cảm ơn Kira Nguyễn đã chia sẻ cùng các độc giả Kilala. Các bạn có thể xem toàn bộ bài viết tại ĐÂY.
kilala.vn
Kira Nguyễn (Nguyễn Như Nam Anh), sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng có khoảng thời gian sống tại Nhật cùng gia đình nên Kira rất thích Nhật Bản và quyết tâm du học Nhật.
Profile khủng của Kira Nguyễn
- Cựu học sinh chuyên Ngôn ngữ Nhật, trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ - ĐHQG HN.
- Cựu Du học sinh trường ĐH Quốc lập Yokohama
- IELTS 8.0 (2018), JLPT N1 (2015)
- Blogger của The Hanoi Chamomile (tiếng Việt) & Kira no Mainichi (Tiếng Nhật)