Sukajan: từ ký ức chiến tranh đến item thời trang đặc sắc

Bài: Quỳnh ToraMay 9, 2023

Bắt nguồn từ bến cảng Yokosuka, áo khoác Sukajan dần phổ biến trong giới trẻ, giúp họ thể hiện tuyên ngôn về sự tự tin, bứt phá giới hạn. 

Sukajan là một loại “áo khoác lưu niệm” (souvenir jacket) theo kiểu bomber – tựa như áo của vận động viên bóng chày và được thêu họa tiết đặc trưng của Nhật như hổ, đại bàng, cá koi, sakura.

Thường được làm từ vải satin nên áo luôn có vẻ ngoài sáng bóng, kết hợp các hình thêu “hổ báo” lớn tạo nên một phong cách đường phố, bụi bặm, cá tính cho người mặc. 

áo khoác nhật bản
Hình ảnh về áo khoác Sukajan. Ảnh: Tsunagu Japan

Áo khoác Sukajan - món quà lưu niệm độc đáo

Sau Thế chiến II, quân đội Mỹ chiếm đóng Yokosuka – một bến cảng nép mình bên vịnh Tokyo (tỉnh Kanagawa). Số người tăng đột biến kéo theo các nhu cầu đời sống tăng cao, từ đó nhiều cửa hàng, nghề nghiệp mới ra đời từ tiệm may, cửa hàng lưu niệm đến nhà hàng. Các cơ sở buôn bán nở rộ trên con đường Dobuita (Yokosuka), biến nơi này thành một khu mua sắm sầm uất.

thành phố Yokosuka 
Shop bán đồ lưu niệm trên đường Dobuita năm 1956. Ảnh: Yokosuka City Library

Theo Japan Today, những thiết kế Sukajan đầu tiên được làm từ vải dù của áo choàng lính không còn sử dụng. Các thợ may nhuộm lại vải và may thành áo khoác lấy cảm hứng từ áo của vận động viên bóng chày, hay các học sinh trung học Mỹ. 

Sau đó, họ thêu thêm các họa tiết theo yêu cầu của người mặc, đa số là các hình đậm chất phương Đông như hổ, đại bàng, rồng, cá và các câu tiếng Nhật.  

Chiếc áo nhanh chóng trở thành “mốt” trong cộng đồng những lính Mỹ. Hitomoto Kazuyoshi – chủ cửa hàng Sukajan Mikasa, đến nay mở cửa được 70 năm – cho biết: “Thủy thủ và binh lính mang chúng về nhà như những món quà lưu niệm của Nhật Bản. Mọi người bắt đầu đặt hàng những chiếc áo khoác được thiết kế riêng phức tạp”.

quân đội Mỹ
Những thủy thủ Mỹ mặc áo Sukajan trong cửa hàng lưu niệm. Ảnh: Tailor Tokyo

Giới thương nhân nhanh chóng chớp lấy cơ hội buôn bán và trưng bày hàng loạt Sukajan tại các cửa hàng lưu niệm nhằm phục vụ nhu cầu. Vì các họa tiết đều được thêu bằng kỹ thuật thêu lắc tay, Sukajan thu hút bằng sự độc bản – không phiên bản nào giống nhau cũng như chất lượng từ đường may, mũi kim của nghệ nhân Nhật Bản.   

Tên Sukajan được giải thích theo hai cách. Một là lấy từ cụm ”横須賀ジャンパー – Yokosuka Jumper”, khẳng định nguồn gốc của áo là từ vùng hải cảng này. Ngoài ra, nhiều người còn hiểu Sukajan là từ rút gọn của “スカイドラゴンジャンパー – Sky Dragon Jumper” vì trên áo thường thêu hình con rồng. 

Pha trộn giữa hơi thở phương Đông huyền bí cùng thiết kế đậm chất Mỹ, Sukajan với sự hấp dẫn của mình dần trở thành một phần của dòng chảy thời trang xứ Phù Tang và ngày càng nổi tiếng trên thế giới. 

Kỹ thuật chuẩn chất lượng Nhật

Theo Nippon, các thợ may Sukajan vận dụng kỹ thuật thêu yokofuri (thêu máy lắc tay) – một kỹ thuật truyền thống để thêu các hoa văn phức tạp lên kimono và thắt lưng, nhằm tạo ra những hình ảnh có chiều sâu trên vải.

Khác với thêu vi tính, yokofuri sử dụng loại máy thêu đặc biệt chỉ gồm một đầu kim, tạo ra các mũi thêu ngang với kích thước mũi thêu thay đổi tùy theo lực đạp của bàn đạp chân. Những người thợ sẽ di chuyển vải dưới kim để “vẽ” nên những bức tranh bằng chỉ, tạo ra các họa tiết có chiều sâu và sự chuyển màu đẹp mắt, mang tính độc bản.

họa tiết rồng
Kỹ thuật thuê yokofuri được áp dụng trên nhưng áo Sukajan. Ảnh: livejapan

Giá cả của Sukajan chênh lệch dựa trên chất liệu vải, cách thêu. Những chiếc áo giá cao sử dụng sợi vải bán tổng hợp như rayon, axetat làm chất liệu chính, tạo ra lớp áo mềm, sáng bóng, trong khi những loại ở phân khúc thấp hơn thường sử dụng polyesternylon.

Những cửa hàng Sukajan luôn đáp ứng nhu cầu của người mua. Họ cho khách hàng xem vô số mẫu vật liệu, mẫu thêu, khóa kéo và bạn có thể tự “mix & match” để làm ra chiếc áo ưng ý nhất. Một số loại áo còn có thể mặc hai mặt trong – ngoài, tăng thêm độ tiện dụng cho người sử dụng. 

Sukajan hai mặt
 Áo Sukajan mặc được mặt trái lẫn phải. Ảnh: Etsy

Từ quà lưu niệm đến một phong cách thời trang

Từ những năm 1960, Sukajan dần dần xâm nhập vào thị trường thời trang Nhật Bản, đặc biệt là trong giới trẻ – những người chịu ảnh hưởng bởi xu hướng thời trang phương Tây. 

Nhờ bộ phim Buta to gunkan (Lợn và Chiến hạm, năm 1961) của Imamura Shohei lấy bối cảnh ở Phố Dobuita, trào lưu mặc áo khoác này nổi lên mạnh mẽ. 

Trong phim, hình ảnh nhân vật chính – một tay Yakuza trẻ tuổi – mặc Sukajan in sâu vào tâm trí của công chúng và áo khoác này được gắn với cách sống tự do, nổi loạn. Một số ban nhạc rock cũng bắt đầu mặc Sukajan lên sân khấu.

Phim Buta to Gunkan
Nhân vật Kinta mặc Sukajan trong Buta to gunkan. 

Theo thời gian, hình tượng nổi loạn một thời của Sukajan đã phai nhạt và ngày nay mọi người đón nhận chiếc áo khoác với tâm thế thưởng thức cái đẹp và ý nghĩa lịch sử.

Sukajan còn mang tính chấtvintage mới khi những món đồ có giá trị lịch sử “sống lại” với những trào lưu hiện đại. Trong thời đại thời trang nhanh bùng nổ, những món đồ cổ, độc đáo lại có giá trị hơn và phần nào giúp ta bày tỏ lòng biết ơn, thấu hiểu quá khứ.

Một cách nào đó, chúng còn là cách con người thể nghiệm một lối sống, một cá tính khác bằng các trang phục ấn tượng, mạnh mẽ thể hiện tuyên ngôn không bao giờ chùn bước. 

Huy hoàng bước ra từ lịch sử

Sukajan phát triển thành thể loại thời trang riêng, và đặt “căn cứ” tại đường mua sắm Dobuita, quận Honcho, Yokosuka. Từ năm 2018 đến nay, các cửa hàng địa phương thiết kế Sukajan tập trung tại đây, cùng thúc đẩy sự phát triển chung của mặt hàng thời trang này. 

Hitomoto Kazuyoshi cùng với nhà thiết kế Yokochi Hiromichi thành lập câu lạc bộ Dobuita-dori Sukajan, với mục tiêu bảo tồn lịch sử những chiếc áo khoác. 

tiệm sukajan
 Ảnh: Hitomoto Kazuyoshi, Yokochi Hiromichi (phải) tận tâm bảo tồn và phát triển văn hóa mặc Sakujan trong nhiều năm.

Trong nhiều năm, cả hai thu thập những chiếc Sukajan vintage từ khắp Nhật Bản, cả nước ngoài và trưng bày một phần của bộ sưu tập của họ tại khu mua sắm.

Hai người đang xem xét việc tạo ra những chiếc áo khoác có-một-không-hai kết hợp mã NFT, đại diện cho sự kết hợp giữa thời trang và công nghệ. Bằng cách này, Sukajan lại càng được quảng bá khắp thế giới nhờ được hiện diện trên nhiều nền tảng. 
ngôi sao diện sukajan
Các ngôi sao giải trí như Katy Perry, Justin Bieber, Harry Styles, Ryan Gosling từng diện các mẫu Sukajan đến từ thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU