Kariyushi – chiếc áo hawaii của người Okinawa

Bài: Tora
May 28, 2023

Nguồn: Asahi

Bạn có biết ngày 1/6 được xem là “Ngày áo sơ mi Kariyushi” ở Okinawa, và nhân viên công sở có thể mặc những "chiếc áo sơ mi hawaii" phiên bản Nhật không kém phần mát mẻ này trong suốt những tháng mùa hè?

Đây nằm trong xu hướng mặc Kariyushi  (かりゆしウェア - Kariyushi wear) và loại áo sơ mi hawaii này trở thành một trong những biểu tượng đáng nhớ khi nhắc đến bãi biển xanh mát của Okinawa.

áo sơ mi mùa hè
Ảnh: Asahi

Chiếc áo sơ mi hawaii mang hy vọng chấn hưng du lịch

Okinawa thiếu hụt nghiêm trọng nhiều loại hàng hóa và tài nguyên sau Trận chiến Okinawa kéo dài vào năm 1945. Lúc đó, ngành công nghiệp may mặc trở thành một nghề phổ biến, hỗ trợ việc tái thiết các hòn đảo bị tàn phá.

Đi theo định hướng đó, năm 1970, Hiệp hội Du lịch Okinawa khởi xướng bán “áo sơ mi Okinawa” – được lấy cảm hứng từ áo sơ mi Aloha của Hawaii nhằm quảng bá du lịch tỉnh. 

Tiến trình này được chủ tịch Yoshinaga Oshiro thúc đẩy nhiệt tình. Ông quảng bá áo sơ mi hawaii này với lời giải thích rằng: “Thời tiết ở Okinawa nóng và ẩm, chúng ta cần trang phục thoải mái thay thế cho vest”.

kariyushi
Ảnh: oki-islandguide

Những chiếc áo sơ mi hawaii này kể từ năm 2000 được nâng cấp thành thương hiệu “かりゆしウェア- Kariyushi wear”. Tại Okinawa, Kariyushi có nghĩa là “mang lại điềm lành” và thật sự chiếc áo hawaii đã đem lại tương lai tươi sáng cho vùng đất này.

Thương nhân Yoko Ishikawa, người từng hoài nghi về thành công của những chiếc áo sơ mi, sau nhiều năm đã thành lập một thương hiệu chuyên về trang phục Kariyushi vào năm 2004.

Ishikawa nói: “Chúng tôi không thể tưởng tượng được tương lai này sẽ đến. Kariyushi wear hiện là nền tảng hỗ trợ ngành may mặc trong tỉnh”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8 Kyushu-Okinawa được tổ chức tại Okinawa vào năm 2000, các nhà lãnh đạo của Nhật đã hưởng ứng mặc trang phục Kariyushi. Hình ảnh này đã giúp doanh số tăng vọt lên 110.000 chiếc, gấp đôi so với năm trước đó.

Năm 2005, áo sơ mi hawaii phiên bản Nhật thật sự bùng nổ sau chiến dịch Cool Biz diễn ra từ 1/6 đến 30/9 - khuyến khích mọi người ăn mặc ít cầu kỳ hơn vào mùa hè để tránh sử dụng điều hòa quá mức. Ngày 1/6 sau đó cũng được thông báo trở thành “Ngày của áo Kariyushi”. áo đi biển
Ảnh: Manichi

Chiếc áo sơ mi hawaii này trở thành biểu tượng của Okinawa và là cú hích giúp người dân vượt qua muôn vàn khó khăn. Kariyushi thực sự đã trở thành trang phục mà “một khi đã mặc, bạn không thể ngừng mặc” và là món quà lưu niệm phổ biến đối với khách du lịch khi đến với tỉnh cực nam của Nhật Bản. 

thủ tướng

(Từ phải sang) Cựu thủ tướng Yoshihide Suga (lúc bấy giờ ông là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản), Cố thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Cựu Thị trưởng Okinawa Takeshi Onaga chia sẻ khoảnh khắc bên chiếc áo Kariyushi vào năm 2017. Ảnh: Mainichi

Kiểu dáng áo sơ mi họa tiết thích mắt

Các mẫu áo Kariyushi được lấy cảm hứng trực tiếp từ phong cách truyền thống xuất phát từ vương quốc cổ Ryukyu*. 

Trong đó nổi bật nhất là kiểu Ryukyu Bingata. Bin có nghĩa là màu đỏ thẫm, thể hiện cho sự sặc sỡ và chữ gata đại diện cho hoa văn. Bingata chính là những hoa văn có nhiều màu rực rỡ và cực kỳ nổi bật so với các lối nhuộm khác.

áo mùa hè

Những họa tiết thường sẽ là cây cỏ nhiệt đới như chuối shima, hoa râm bụt và shisa (một sinh vật thần thoại truyền thống của Okinawa). Ngoài ra, loại áo sơ mi hawaii này còn dùng vải được dệt kiểu Shuri Ori mang những đường sọc đan xen đặc trưng hoặc Yaeyama Minsa (có phần tương tự với dệt thổ cẩm ở Việt Nam).

Những năm gần đây, các vật liệu thân thiện với môi trường được ưu tiên sử dụng như sợi dệt từ vỏ cây và các nút áo được làm từ vỏ trai Takase.

Ngày nay, trang phục kariyushi đã phát triển với nhiều kiểu dáng, phong cách khác nhau, và được chấp nhận là trang phục thích hợp cho nhiều hoàn cảnh. 

 Kariyushi

Ảnh: Okinawa Traveler

Chiếc áo sơ mi hawaii này cũng được mặc trong đám cưới, đặc biệt là những đám cưới trên bãi biển hoặc tiệc ngoài trời. Với những chiếc màu đen tuyền, trơn, người Nhật có thể mặc trong đám tang.

*Phía tây nam Nhật Bản từng tồn tại như một vương quốc độc lập mang tên Ryuku (Lưu Cầu) trong khoảng thời gian 1429 – 1879. Sau nhiều biến động, vùng đất này sát nhập Nhật, được gọi là quần đảo Nansei (tỉnh Okinawa).

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU