Fukuzawa Yukichi - người thay đổi nước Nhật với tư tưởng "Thoát Á" và "Khuyến học"

Bài: NobitaOct 11, 2023

Sự chuyển mình vươn lên trở thành cường quốc của nước Nhật vào nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được xem là câu chuyện “hóa rồng” tiêu biểu và ấn tượng nhất để nhiều quốc gia học tập và noi theo. Trong hành trình “hóa rồng” đó của đất nước mặt trời mọc, có sự đóng góp không nhỏ của Fukuzawa Yukichi – một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại. 

Fukuzawa Yukichi là ai?

Fukuzawa Yukichi (10/1/1835 – 3/2/1901) là một trong những nhà tư tưởng lớn, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công mở đầu cho phong trào canh tân đất nước mặt trời mọc, khuyến khích người dân trút bỏ tư duy lạc hậu, tiếp thu học thuật phương Tây để sánh vai với các nước Âu Mỹ.  

Fukuzawa Yukichi.

Thân thế

Sinh ngày 10/1/1835, Fukuzawa Yukichi là con trai của một gia đình samurai cấp thấp nghèo khó thuộc Gia tộc Okudaira tại miền Nakatsu (Oita, Kyushu ngày nay). Gia đình ông sống ở Osaka – trung tâm thương mại chính của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Cha của Yukichi là một học giả Nho giáo nhiệt tâm với kinh sử, nhưng suốt đời chỉ quanh quẩn với công việc sổ sách chi thu cho lãnh chúa. Năm 1836, khi Yukichi mới 1 tuổi, cha của ông qua đời, càng khiến kinh tế gia đình trở nên kham khổ hơn, cả gia đình phải rời bỏ Osaka phồn hoa đô hội mà về lại Nakatsu.

Đài tưởng niệm ở quê hương của Fukuzawa Yukichi.
Ảnh: bushoojapan.com

Con đường sự nghiệp

Lên 5, Yukichi bắt đầu học chữ Hán và đến năm 14 tuổi, ông đã nghiên cứu các tác phẩm như Luận ngữ, Đạo đức kinh, Tả truyện, Trang Tử... Fukuzawa chịu ảnh hưởng lớn bởi người thầy suôt đời của ông, Shozan Shiraishi – một học giả về Nho giáo và Hán ngữ. 

Năm 1854, khi tròn 19 tuổi, Yukichi rời Nakatsu chuyển đến Nagasaki với ý định học kỹ thuật pháo binh chế tạo thuốc súng theo khoa học châu Âu. Trong 1 tháng con tàu neo đậu ở cảng San Francisco. Yukichi đã có cơ hội quan sát, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống văn minh với những tiến bộ khoa học kỹ thuật

Lúc bấy giờ, Nhật Bản đang thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, hạn chế tối đa mọi tiếp xúc với Tây phương, chỉ duy nhất hải cảng Nagasaki là mở cửa giao thương với người Hà Lan, đó cũng là cửa ngõ duy nhất mà người Nhật có thể tiếp xúc với văn hóa phương Tây.

Vì vậy, sách vở của người Hà Lan đã trở thành nguồn tài liệu chính, hình thành nên môn Hà Lan học để người Nhật nghiên cứu. Sau quá trình tìm hiểu về xứ sở cối xay gió, trước tiên là học ngôn ngữ rồi nghiền ngẫm sách báo của họ, Yukichi cảm nhận được tinh thần thực dụng của học thuật Âu châu và dần tiếp thu nhiều tư tưởng khác liên quan đến cả nhân sinh quan.

Sau thời gian học Nagasaki, Yukichi lần nữa chuyển đến Osaka để theo học ở trường Teikijuku – một bước ngoặt lớn trên con đường sự nghiệp của ông. Teikijuku là ngôi trường được thành lập vào thế kỷ 18 (về sau phát triển thành Đại học Osaka) bởi Ogata Koan một học giả Hà Lan học danh tiếng lúc bấy giờ. Học tập tại trường, Yukichi đã được lĩnh hội những kiến thức mới mẻ của phương Tây trên nhiều lĩnh vực. Chính những điều này đã trở thành nền tảng cho tư tưởng và hoạt động giáo dục của ông sau này.

Teikijuku - ngôi trường Fukuzawa Yukichi theo học.
Ảnh: Wikipedia

Kết thúc ba năm học tập, Fukuzawa Yukichi đã hoàn toàn thông thạo tiếng Hà Lan. Năm 1858, ông được bổ nhiệm làm viên tiếng Hà Lan chính thức của Nakatsu và phụng mệnh của lãnh chúa, đến Edo mở trường tư thục để dạy cho các phiên thuộc của lãnh chúa ở đó. Ngôi trường này chính là tiền thân của Đại học Keio ngày nay.

Tháng 7/1959, Nhật Bản mở cửa ba hải cảng  theo các điều khoản của “Hiệp ước hoà bình và hữu nghị”, được ký một năm trước đó với Mỹ và một số nước châu Âu. Vốn rất hứng thú với nền văn minh phương Tây, Yukichi đã tới Kangawa để xem tàu của các nước. Đến nơi, ông phát hiện ra rằng hầu như các thương gia châu Âu ở đó đều nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Hà Lan. Ngay sau đó, ông đã bắt tay vào việc học tiếng Anh nhưng gặp khó khăn vì thiếu nguồn tài liệu.

Đại học Keio ngày nay.
Ảnh: Wikipedia

Năm 1860, Yukichi tình nguyện tham gia vào phái đoàn đi sứ sang Mỹ trên tàu Kanrin Maru dù vào thời đó việc vượt đại dương chứa đựng vô vàn rủi ro. Trong khoảng thời gian một tháng tàu neo đậu ở San Francisco, Yukichi đã có cơ hội quan sát, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống văn minh với những tiến bộ khoa học kỹ thuật ở xứ cờ hoa. 

Sau chuyến đi Mỹ năm đó, ông còn thực hiện thêm chuyến đi sang các nước châu Âu năm 1862 rồi lần nữa trở lại Mỹ vào năm 1867. Trong chuyến đi châu Âu, Yukichi đã đến Pháp, học tiếng và tiếp cận với các tác phẩm, tác giả trong thời kỳ Khai sáng Pháp. Những tư tưởng tự do, bình đẳng và dân chủ đó đã lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng ông.

Thủy thủ của tàu Kanrin Maru, Fukuzawa Yukichi ngồi ngoài cùng bên phải.
Ảnh: Wikipedia

Từ những cuộc du hành phương Tây, Fukuzawa Yukichi đã có cơ hội thu nạp lượng kiến thức khổng lồ, ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, những quyết định và phương thức cách tân đất nước của ông.

Trở về Nhật Bản, Yukichi tiếp tục công việc viết và dịch sách, đặc biệt chú trọng đến truyền bá các tư tưởng mới mẻ mà bản thân đã học tập được trong những chuyến đi.

Những tư tưởng ảnh hướng đến xã hội Nhật Bản cận đại của Yukichi

Tư tưởng Thoát Á

Sớm tiếp xúc với văn minh phương Tây qua sách vở và từ những chuyến Tây du, Fukuzawa Yukichi nhận thức được phương Tây đã phát triển hơn châu Á về nhiều mặt, các nước châu Á khó lòng duy trì độc lập nếu mãi bế quan tỏa cảng.

Mặt khác, ông nhận định việc giành được quyền tự trị chưa phải là độc lập, mà nền độc lập chỉ thật sự thành hiện thực khi trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh, không lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác.

Tư tưởng Thoát Á.
Ảnh: maspro.co.jp

Thông qua bài xã luận Thoát Á luận, ông đã kêu gọi nước Nhật “tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây”.

Yukichi chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của họ để phát triển đất nước. Sự đúng đắn trong tư tưởng của ông đã được chứng minh qua việc Nhật Bản là một trong hai quốc gia (cùng với Thái Lan) ở châu Á tránh được sự thôn tính của các cường quốc phương Tây. 

Tư tưởng Khuyến học

Đối với Fukuzawa Yukichi, giáo dục là con đường duy nhất để vươn tới văn minh. từ rất sớm, ông khuyến khích giới trẻ tự học, bản thân ông cũng là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học.

Tư tưởng Khuyến học.

Ông phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh nước Nhật phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực học”. Yukichi đề cao phương pháp học đi đôi với hành; phải gắn liền với cuộc sống; dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng; tiếp thu văn minh phương Tây chọn lọc.

Tư tưởng quân phiệt

Yukichi quan niệm rằng, nếu phải chờ những nước châu Á khác (nhà Thanh, Triều Tiên) đều cận đại hóa để cùng có một châu Á phồn vinh thì không còn kịp nên Nhật Bản phải thoát ra khỏi Á châu và sẽ tiếp cận với nhà Thanh và Triều Tiên với cùng cách thức như các nước Âu – Mỹ.

Điều đó có nghĩa là ông khuyến khích nước Nhật gia nhập vào nhóm các nước đang cạnh tranh xâm chiếm thuộc địa. Chủ nghĩa xã hội Darwin đã tác động sâu sắc đến Yukichi, ông cho rằng Nhật Bản phải thôn tính các nước châu Á để tránh việc bị các nước phương Tây xâm chiếm: “hoặc ăn thịt kẻ khác, hoặc bị kẻ khác ăn thịt”. 

Ông đã cổ vũ cho việc Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên và gây chiến với Trung Quốc với hy vọng một màn phô diễn về sức mạnh quân sự sẽ làm chấn động dư luận phương Tây và giúp nước Nhật tránh khỏi số phận bị xâu xé của Trung Quốc. 

Các tác phẩm nổi bật của Fukuzawa Yukichi

Fukuzawa Yukichi đã để lại cho dân tộc Nhật Bản một gia tài tư tưởng đồ sộ với hơn 100 tác phẩm về đủ mọi đề tài liên quan đến đất nước Nhật Bản từ ngôn ngữ, tư tưởng, triết học, lịch sử, địa lý... tác phẩm và tư trưởng của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Khuyến học

Đây là tác phẩm được Fukuzawa Yukichi viết vào những năm 1872 – 1876, giai đoạn nước Nhật đang chuyển dần từ chế độ phong kiến Mạc phủ sang chế độ Minh Trị, xã hội còn đang bưng bít và rối loạn, tham nhũng tràn lan, dân chúng u mê ngu dốt.

Khuyến học được xem là một văn bản quan trọng trong lịch sử giáo dục ở Nhật Bản, những tư tưởng học tập tiến bộ được Yukichi đề cập đến đã tác động sâu sắc đến hệ thống giáo dục nước nhà, thúc đẩy cách tiếp cận giáo dục dân chủ và toàn diện hơn. 

Khuyến học.
Ảnh: sbooks.vn

Tư tưởng giáo dục của ông cũng được truyền bá và mang đến những ảnh hưởng nhất định ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, được thể hiện rõ nhất qua Phong trào Duy tân.

Mặc dù đã ra đời gần một thế kỷ rưỡi cho đến nay, Khuyến học của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên giá trị, những tư tưởng giáo dục mà ông thể hiện trong đó được xem là vượt trên cả thời đại.

Phúc ông tự truyện

Phúc ông tự truyện là tựa Việt của cuốn tự truyện của Fukuxawa Yukichi, có tên gốc tiếng Nhật福沢諭吉伝 (Fukuzawa Yukichi den). Cuốn tự truyện được viết vào năm 1887, kể về những thăng trầm trong cuộc đời Yukichi từ khi sinh ra cho đén những năm tháng tuổi già.

Phúc ông tự truyện.
Ảnh: fahasha.com

Không chỉ là lời tự thuật về cuộc đời của riêng Yukichi, cuốn sách còn tái hiện chân thực bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản giữa những biến chuyển dữ dội vào nửa cuối thế kỷ 19.

Thoát Á luận

"Thoát Á Luận" hay “Datsu-A ron” (tiếng Nhật: 脱亜論) là một bài xã luận được đăng trên tờ báo Jinni Shimbo của Nhật Bản vào ngày 13/3/1885. Tiêu đề "Datsu-A Ron" đã được dịch theo nhiều cách khác nhau, bao gồm "Tạm biệt châu Á" (Good-bye Asia), "Khử Á hóa" (De-Asianization), "Rũ bỏ châu Á" (Shedding Asia) và "Thoát châu Á" (Leaving Asia).

Thoát Á luận.
Ảnh: cdjapan.co.jp

Bài xã luận ban đầu được viết nặc danh về sau được cho là tác phẩm của Fukuzawa Yukichi. “Thoát Á luận” phản ánh quan điểm của Yukichi về những thách thức mà các quốc gia châu Á phải đối mặt vào cuối thế kỷ 19. Đồng thời, tác giả lập luận về việc nước Nhật cần thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông lạc hậu, nặng hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á để noi theo văn minh phương Tây, hội nhập với thế giới. 

Được xem là “phát súng” đầu tiên của dòng triết học Khai sáng ở đất nước mặt trời mọc, bài luận của Yukichi đã trở thành nền tảng tư tưởng và tinh thần, góp phần thúc đẩy cuộc Canh tân Minh Trị - đưa Nhật Bản vươn lên sánh ngang với các cường quốc phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Sự ảnh hưởng của Fukuzawa Yukichi tại Nhật

Nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản cận đại

Fukuzawa Yukichi được xem là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản thời cận đại. Những tư tưởng khai sáng về kinh tế, chính trị, xã hội; đường lối giáo dục Tây học của ông đã góp phần đưa nước Nhật thoát khỏi nguy cơ bị xâu xé và trở thành quốc gia tiên tiến, hiện đại.

Được vinh danh trên tờ 10.000 yên

Với những đóng góp quan trọng cho quá trình hiện đại hóa của đất nước, Fukuzawa Yukichi đã được nước Nhật tôn vinh qua việc trở thành gương mặt xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 10.000 yên trong cả hai lần phát hành năm 1984 và 2004.

Fukuzawa Yukichi được vinh danh trên tờ 10.000 yên.
Ảnh: Wikipedia

 kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU